Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2020, Đội QLTT số 1 tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để làm tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
|
|
Bánh ngọt nhãn hiệu Donut do nước ngoài sản xuất được gian thương nhập lậu về bán tiêu thụ. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai |
Cụ thể, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra lô hàng bánh ngọt nhãn hiệu Donut do nước ngoài sản xuất, số lượng 125 hộp (50 hộp loại 3kg/hộp, 75 hộp loại 1,5kg/hộp) đang tập kết tại khu vực lô K2, Khu công nghiệp Đông Phố Mới, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Chủ lô hàng là bà Phạm Thị Mùi, sinh năm 1978, trú tại Tổ 2, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, bà Mùi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu đối với lô hàng trên. Đội Quản lý thị trường số 1 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền: 8 triệu đồng và buộc tiêu hủy 125 hộp bánh ngọt nhãn hiệu Donut nhập lậu, trị giá gần 20 triệu đồng.
Trước đó, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra lô hàng kẹo dẻo (kẹo chip) trẻ em do nước ngoài sản xuất, số lượng 1800 hộp (40 hộp/thùng x 45 thùng) đang tập kết tại khu vực cạnh lô F10, Khu công nghiệp Đông Phố Mới, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo và không có ai nhận là chủ lô hàng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo nhận định của Cục QLTT tỉnh Lào Cai, từ nay tới cuối năm 2020 tình trạng nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, nhất là bánh kẹo sẽ gia tăng. Vì vậy các đội quản lý thị trường trong tỉnh cần nâng cao cảnh giác, tăng cường kiểm tra và giám sát các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua địa bàn để kịp thời chặn đứng những hành vi nhập lậu hàng hóa vi phạm.
Tác hại khi ăn bánh kẹo không rõ nguồn gốc
ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho rằng, các loại mứt để bảo quản được lâu thường được sử dụng các chất phụ gia thực phẩm như đường hóa học, phẩm màu… Khi ăn phải các loại mứt có chứa các phẩm màu độc hại này thì dễ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao.
Ngoài ra, nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận, dạ dày và thậm chí là gây ung thư. Thậm chí, đối với các loại bánh mứt kẹo trôi nổi trên thị trường còn chưa được kiểm duyệt về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và không có một cơ quan nào kiểm soát. Do vậy, có thể tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh, thậm chí có chứa chất cấm, chất gây nghiện và có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm cho biết, phụ gia trong bánh kẹo trôi nổi rất khó kiểm soát. Một phần vì loại mặt hàng này khó bị hỏng, thiu, phần khác vì hiện được bán quá tràn lan trên thị trường nên người tiêu dùng chỉ còn cách là tự mình lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, uy tín mới đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sức khỏe.