Mấy ngày gần đây, báo chí đưa thông tin về phản ánh của một số người dân về hóa đơn tiền điện của gia đình. Có trường hợp, tháng 3, tháng 4 chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng thì trong tháng 5 này đã lên tới 2,3 triệu đồng.
|
|
Giá điện tháng 4, tháng 5 tăng vọt, trong khi Bộ Công thương vẫn chần trừ công bố phương án sửa biểu giá điện bán lẻ. Ảnh minh họa |
Nhiều trường hợp khác, mức tăng cũng từ 2 triệu đồng/tháng lên 2,9 triệu đồng/tháng.
Lý giải việc này, Viện sĩ, giáo sư, TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng trong câu chuyện này có hai vấn đề.
Về giá điện tăng cao, có hai nguyên nhân chính dẫn tới hóa đơn tiền điện tăng cao. Đó là do trời nóng và do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân làm việc ở nhà nhiều nên sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện.
Ở đây, phải tính tới cách tính giá điện của chúng ta hiện tại. Khi lượng tiêu thụ điện tăng, cách tính giá điện bậc thang khiến tiền điện càng tăng vọt.
"Khi lượng điện năng sử dụng tăng càng cao, ở những KW tăng lên, giá tiền cho một số điện người dân phải trả sẽ cao lên.
Ví dụ, nếu trước đây, số KW điện người dân sử dụng chỉ phải chịu mức giá ở bậc 1 và 2 thì khi sử dụng điện nhiều hơn, những KW điện tăng thêm, giá có thể nhảy lên bậc 3, thậm chí là bậc 4... Khi số điện tăng lên cộng với giá tiền chênh lệch giữa các bậc cũng tăng lên thì người dân phải trả tiền điện đắt hơn gấp 2, 3 lần là dễ hiểu", vị chuyên gia phân tích.
Trên thực tế, việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay. Đề cập tới vấn đề này, GS-TSKH Trần Đình Long khẳng định, xây dựng biểu giá điện bậc thang là cần thiết, nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng, tiết kiệm điện năng, chống lãng phí tài nguyên.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, xây dựng biểu giá điện như thế nào cần phải tính toán, xem xét thận trọng.
Ông cho biết, Bộ Công thương có đề cập vấn đề điều chỉnh giảm dần số bậc thang biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt, từ 6 bậc xuống 5 bậc, trong đó dồn 2 bậc đầu (0 - 50 kWh và 51 - 100 kWh) thành 1 bậc là từ 0 - 100 kWh.
"Gợi ý của Bộ Công thương là dồn xuống 5 bậc giá cũng không mang lại thay đổi nhiều vì lượng khách hàng tiêu thụ dưới 100 kWh rất ít. Bậc số này chỉ phù hợp với người dân sử dụng thiết bị thắp sáng thông thường.
Như vậy, nếu điều chỉnh từ 6 bậc xuống 5 bậc chỉ đạt được mục đích "giữ lời hứa" sửa biểu giá điện của Bộ Công thương chứ không cải thiện được những bất cập trong việc làm tăng hóa đơn tiền điện bị tăng vọt", ông Long thẳng thắn.
Vị chuyên gia đề nghị, cần thiết sớm điều chỉnh biểu giá điện theo hướng giãn ra để khi nhu cầu sử dụng tăng, hóa đơn tiền điện không gây sốc cho người tiêu dùng.
Mặt khác, theo lộ trình Chính phủ quy định, từ năm 2022, phải thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đến năm 2024 phải áp dụng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trên toàn quốc. Đến khi đó, giá điện phải được đưa về một bậc giá, nếu xây dựng biểu giá điện nhiều bậc sẽ không thể vận hành thị trường điện cạnh tranh.
Theo GS Trần Đình Long, trong tiến trình cải tiến này, nên chia biểu giá thành 3 bậc, áp dụng trong 1-2 năm. Theo đó, bậc thấp nhất dưới từ 0 - 200 kWh, giá điện sẽ thấp hơn mức giá Chính phủ cho phép, đây là mức có trợ giá.
Bậc 2 là từ 201 -500 kWh quanh mức giá cho phép và bậc 3 vượt con số đó và giá cũng cao hơn.
"Đề xuất sửa biểu giá điện được đưa ra từ rất lâu rồi. Nếu còn chần chừ, không thí điểm hạ bậc sớm và có tính toán khoa học, phù hợp nhu cầu thị trường tiêu dùng lúc này thì rất khó tiến được tới lộ trình thị trường bán lẻ giá điện cạnh tranh", vị chuyên gia tâm tư.