Nhan nhản website phát lậu bóng đá

Đặc biệt khi tình hình dịch bệnh diễn ra, lượng người truy cập vào các nền tảng online để xem tăng lên đáng kể. Thế nhưng lượt xem từ những nguồn không chính thống này đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, cũng như uy tín cho các đơn vị sở hữu chính thức.

Với sức hút của các giải bóng đá như Ngoại hạng Anh, Champions League, Europa League, trong 1 tháng có đến 4000 đường link vi phạm được bên K+ phát hiện - tương ứng hàng triệu lượt xem. Những lượt xem bất hợp pháp này đang gây thất thoát doanh thu cho đơn vị sở hữu bản quyền.

Trước tình trạng này, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây cũng đã gửi công văn, yêu cầu ngăn chặn hơn 40 website vi phạm bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh theo kiến nghị của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+).

leftcenterrightdel
Các trang web đang vi phạm bản quyền thường xuyên thay đổi tên miền, nơi hosting máy chủ nên rất khó để ngăn chặn. Ảnh: báo điện tử VTV  

Chia sẻ thêm về vụ việc, Luật sư Phạm Thanh Thủy, Công ty TNHH Truyền hình Số vệ tinh Việt Nam (K+) cho biết, một năm công ty bị thiệt hại đến 300 tỷ đồng do vi phạm bản quyền. Đây là thiệt hại lớn về kinh tế không chỉ cho đơn vị sở hữu mà nó còn ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước như bị thất thu về thuế. Hoặc khi đơn vị chủ sở hữu quyền bị vi phạm bản quyền thì việc có tài chính để tái đầu tư cho những sản phẩm tốt hơn cũng bị ảnh hưởng. Và việc không được tái đầu tư sẽ ảnh hưởng đến việc tạo công ăn việc làm cho xã hội.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên vấn đề vi phạm bản quyền truyền hình nói chung, vi phạm bản quyền bóng đá nói riêng diễn ra tại Việt Nam. Bởi vào năm 2018, cũng có tới hàng trăm website, trang Facebook cá nhân và ứng dụng OTT đã vi phạm bản quyền ASIAD 2018 ngay sau khi VOV/VTC nắm giữ bản quyền phát sóng truyền hình thể thao (THTT) giải đấu này. Chưa bao giờ, việc đàm phán mua bản quyền THTT khó khăn đến thế. Và cũng chưa bao giờ, vấn đề vi phạm bản quyền THTT nóng lên đến thế.

Tình hình này khiến phía VOV/VTC phải phản ứng mạnh bằng cách liệt kê một số website vi phạm gồm cả website có tên miền quốc tế kèm theo công văn đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) xử lí.

Ngày 27/8/2020, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu 7 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, SCTV, VTVcab) phối hợp ngăn chặn phổ biến nội dung vi phạm bản quyền truyền thông ASIAD 2018. Đến 17h cùng ngày, trước thời điểm trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Syria diễn ra, 7 nhà mạng đã chặn truy cập thành công 18 website vi phạm.

Vào thời điểm đó, nổi lên trong những vụ vi phạm bản quyền là trường hợp của kênh Xoilac.tv. Cụ thể, sau một thời gian hoạt động, đối tượng phục vụ của website này đã mở rộng sang các khán giả trong nước như sinh viên, những người không có điều kiện lắp tivi hoặc sử dụng truyền hình trả tiền, những người đang làm việc hoặc di chuyển trên đường nên không thể xem bóng đá qua truyền hình truyền thống.

Trên trang Facebook "Xoilac.tv – Ăn xôi lạc xem bóng đá", Xoilac.tv cho biết, website của họ cung cấp hình ảnh chất lượng HD và không thu phí người xem, thu nhập của trang chủ yếu đến từ các nhà quảng cáo. Trang Facebook này có thời điểm có hơn 81.000 lượt thích và gần 88.000 lượt theo dõi. Trong khi đó, trang Youtube Xoilac.tv cũng có gần 220.000 tài khoản đăng ký.

Theo luật sư Nguyễn Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM), việc các trang web như "Xôi Lạc TV" phát trực tiếp lậu các trận đấu của Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 không phải là giải pháp tốt bởi không chỉ vi phạm bản quyền, có thể bị khởi kiện theo luật Sở hữu trí tuệ mà còn gây ảnh hưởng đến việc đàm phán mua bản quyền các giải bóng đá lớn trong tương lai của Việt Nam.

Cũng theo luật sư Trang, nếu trang "Xoilac.tv" bị đơn vị giữ bản quyền khởi kiện thì họ có quyền yêu cầu bồi thường khi chứng minh được thiệt hại xảy ra, thậm chí là chủ trang "Xoilac.tv" có thể bị xử lý hình sự.

leftcenterrightdel
Website Xoilac.tv từng gây chú ý khi phát lậu hàng loạt trận đấu bóng đá tại ASIAD 18. 

Người dùng chịu thiệt thòi

Theo ông Hán Việt Linh, Chuyên gia bản quyền của Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab), việc vi phạm bản quyền đã khiến đơn vị bỏ tiền ra mua bản quyền các giải đấu bị dừng phát sóng. Điều này lại ảnh hưởng tới quyền lợi của khán giả chân chính, khi đã chấp nhận mua gói cước để thưởng thức bóng đá, nhưng lại không được xem.

"Chúng tôi là đơn vị sở hữu độc quyền của Champions League và Europa League mùa giải 2017 - 2018 nhưng vì tình trạng vi phạm bản quyền trên internet nên chúng tôi đã bị ngừng phát phóng hai giải đấu đó. Trong năm 2020 vừa qua, chúng tôi đã xử lý hơn 30.000 video lậu trên Facebook, và hơn 8.000 video lậu trên Youtube. Ngoài ra còn các nền tảng trên mạng xã hội, cũng như là các nền tảng chia sẻ trực tiếp", ông Hán Việt Linh cho hay.

Hay như tại kỳ World Cup 2018, VTV phải rất khó khăn để sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu miễn phí trên cách kênh quảng bá phục vụ người hâm mộ, nhưng tình trạng xem “lậu” vẫn diễn ra tràn lan dù có cơ chế chia sẻ và xử lý vi phạm bản quyền, bên cạnh những thông báo khuyến cáo mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia lĩnh vực truyền hình, nếu tình trạng xem “lậu” vẫn tiếp tục diễn ra, chính người hâm mộ sẽ chịu thiệt thòi về việc được theo dõi truyền hình một cách đàng hoàng.

Được biết, giá trị bản quyền truyền hình cũng không hề thấp. Và nếu cứ tiếp tục xảy ra tình trạng xem “lậu” như hiện nay thì sẽ khó khăn cho các nhà đài trong việc đàm phán để mua bản quyền truyền hình. Thậm chí, khi sở hữu gói bản quyền truyền hình nhưng không thể kiểm soát được tình trạng vi phạm cũng có thể bị dừng phát sóng.

Sau câu chuyện bản quyền World Cup 2018, mô hình liên kết nhiều nhà đài lại và kêu gọi nhiều doanh nghiệp chung tay để mua bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao lớn đã được tính đến. Nhiều nước khu vực Đông Nam Á đã áp dụng điều này. Vấn đề được đặt ra là chính người hâm mộ Việt Nam cần hình thành thói quen trả tiền xem truyền hình.

Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, các trang web đang vi phạm bản quyền, thường xuyên thay đổi tên miền, nơi hosting máy chủ, nên cứ bị diệt rồi lại mọc lên như nấm. Ngoài việc dùng biện pháp kỹ thuật thì các đơn vị truyền hình cũng phải liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng để có các biện pháp đồng bộ, xử lý triệt để.

Cùng quan điểm, bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng Phát thanh – Truyền hình (Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT) cho hay, để xử lý hiệu quả hơn tình trạng vi phạm bản quyền, các doanh nghiệp phải có giải pháp bảo vệ được bản quyền của chính mình để giữ khách hàng.

Bà Hằng đề xuất, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền cần có sự phối hợp xây dựng cơ chế với cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp khi khiếu nại nên cung cấp bằng chứng chứng minh mình sở hữu bản quyền, bằng chứng vi phạm để xử lý hiệu quả. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ nên thiết lập địa chỉ tra cứu thông tin sở hữu bản quyền để bất kỳ đối tượng nào cũng tra cứu được, tránh tình trạng vi phạm bản quyền vô thức.

Theo Phong Lâm/VietQ
Nguồn
Link bài gốc

http://vietq.vn/nhuc-nhoi-nan-vi-pham-ban-quyen-truyen-hinh-doanh-nghiep-that-thu-nguoi-dung-linh-hau-qua-d184194.html