|
|
Những cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE tháng 2/2021 |
RIC: Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia
Thống kê cho thấy, thị giá RIC đã tăng tới 172% chỉ riêng trong tháng 2/2021. Đặc biệt, "siêu cổ phiếu" này đã tăng trần 30 phiên liên tiếp từ ngày 11/1 đến nay.
RIC là chủ sở hữu khách sạn 5 sao Royal Hạ Long, đồng thời đang vận hành casino duy nhất tại thành phố biển này. Doanh nghiệp này kinh doanh kém khả quan trong nhiều năm qua khi thường xuyên gặp thua lỗ.
Giai đoạn 2016-2019, RIC lỗ ròng tổng cộng gần 207 tỷ đồng. Ở mảng casino, doanh thu của công ty sụt giảm khi lượng khách từ Trung Quốc và Đài Loan đến ngày càng ít.
Sự bùng phát đại dịch Covid-19 còn khiến tình hình kinh doanh của RIC bi đát hơn. Năm 2020, doanh thu thuần của công ty này chỉ ở mức gần 126 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán (năm 2007). Cùng với đó là khoản lỗ ròng tới gần 82 tỷ đồng.
Hiện giá trị vốn hóa của RIC đã lên đến gần 2.500 tỷ đồng, bất chấp hoạt động kinh doanh thua lỗ và vốn chủ sở hữu chỉ chưa đầy 800 tỷ đồng.
NVT: Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay
Theo thống kê, thị giá NVT đã tăng 57% trong tháng vừa qua và tăng trần trong 7 phiên liên tiếp gần nhất.
NVT hiện là chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Sense Ninh Vân Bay Nha Trang.
Quý IV/2020, NVT đạt 49,67 tỷ đồng doanh thu, giảm 8,24% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 3,75 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 (chỉ đạt 197 triệu đồng). Theo giải trình của NVT, lợi nhuận quý IV tăng vọt là do công ty mẹ nhận được khoản tiền cổ tức từ công ty con là Công ty Cổ phần du lịch Hồng Hải cao hơn cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu của NVT đạt 211 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2019 trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành du lịch. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn có lãi ròng 18,3 tỷ đồng, bằng 1/3 năm 2019.
Nằm ở phía Tây vịnh Ninh Vân (là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới), khu nghỉ dưỡng Six Sense Vinh Vân Bay Nha Trang bao gồm 54 biệt thự biệt lập, lưng dựa túi, mặt hướng biển. Mỗi một villa biệt lập có hồ bơi riêng. Phong cách của Six Sense được thiết kế theo kiểu nhà vườn gần gũi với thiên nhiên, với các sản phẩm được làm bằng gỗ, tre nhưng vẫn sang trọng và hiện đại theo chuẩn của khu nghỉ dưỡng 5 sao.
VIX: Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX
VIX là một trong những cổ phiếu "hot" nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong một năm trở lại đây bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến tận tháng 2/2021, sức nóng của cổ phiếu này vẫn bùng lên với mức tăng thị giá lên tới 51% trong tháng.
Được thành lập vào tháng 12/2007, tiền thân là Công ty Chứng khoán VinCom, vốn điều lệ VIX ban đầu là 300 tỷ đồng, Công ty được phép hoạt động và kinh doanh đầy đủ các nghiệp vụ chứng khoán. Đến năm 2009, VIX chính thức niêm yết giao dịch trên sàn HNX. Sau nhiều lần đổi tên và tăng vốn, đến tháng 10/2020, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX, vốn điều lệ tăng gấp 4,26 lần lên hơn 1.277 tỷ đồng.
Ngày 8/1/2021, VIX chính thức chuyển sàn sang HoSE.
Tính tại thời điểm 30/12/2020, cổ đông trong nước nắm tỷ trọng chi phối với 99,4% vốn điều lệ VIX. Cổ đông ngoại đang sở hữu tỷ lệ tương đối nhỏ với 0,6% vốn điều lệ công ty.
Năm 2020, doanh thu của VIX vào khoảng 720 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh lên 405 tỷ đồng, tương ứng tăng 185% và vượt 400% kế hoạch đề ra. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân cũng tăng lên mức 20,5%, so với mức 9,2% năm 2019.
GIL: Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh
Theo thống kê, trong tháng 2/2021, thị giá cổ phiếu GIL đã tăng tới 51%.
GIL vừa trải qua năm 2020 thành công với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành dệt may nói chung.
Cụ thể, trong khi hầu hết doanh nghiệp dệt may trong nước chịu ảnh suy giảm doanh thu và lợi nhuận, GIL lại ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu hai chữ số cùng mức lãi ròng cao gần gấp đôi.
Tính trong cả năm 2020, GIL đạt gần 3.457 tỷ đồng doanh thu, tăng 36% so với năm liền trước, tương đương mức thu ròng hơn 900 tỷ đồng. Số tăng thu này giúp hầu hết chỉ tiêu lợi nhuận của công ty đều tăng mạnh so với năm liền trước bất chấp các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng cao.
Lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 của GIL đạt lần lượt 394 tỷ và 308 tỷ đồng, tăng tương ứng 87% và 92% so với năm 2019. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử kinh doanh của nhà may này.
Đến cuối năm 2020, GIL có tổng tài sản hơn 2.700 tỷ, tăng 43% so với đầu năm.
Tại thị trường Việt Nam, GIL là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng gia dụng với sản phẩm chính là túi xách, ba lô... Năm 2020, công ty này vận hành 95 dây chuyền may tại các nhà máy.
Khoảng 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của GIL liên tục tăng mạnh với khoản lãi ròng hàng trăm tỷ mỗi năm nhờ việc bắt tay với các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Amazon và IKEA.
Theo đó, công ty hợp tác với Amazon từ năm 2016 với mặt hàng túi vải, từ đó, kết quả kinh doanh của GIL liên tục tăng nhanh qua từng năm với tăng trưởng doanh thu trung bình năm đạt trên 20%. Năm 2016 cũng là khởi đầu cho giai đoạn lãi lớn của doanh nghiệp.
Theo bản cáo bạch đầu năm 2020, GIL cho biết ngoài Amazon, đối tác ngoại lớn nhất hiện tại của công ty là IKEA - nhà bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới. Theo đó, GIL đang thực hiện tổng cộng 8 hợp đồng mua bán hàng hóa dài hạn với nhà bán lẻ nội thất đến từ Thụy Điển này với tổng giá trị hợp đồng hơn 16,2 triệu USD.
Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới cho các khách hàng lớn như Medline (túi xách và đồ gia dụng); Bugaboo (sản phẩm dành cho trẻ em); IKEA; Teijin; và Puma…
NHA: Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội
Thị giá của NHA đã tăng tới 44% trong tháng 2/2021, lên 30.800 đồng/cổ phiếu kết phiên cuối tháng.
NHA niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 21/1/2021 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.600 đồng/cổ phiếu.
Được biết, NHA chuyên đầu tư xây dựng và phát triển bất động sản tại thị trường Hà Nam, đặc biệt tại khu vực thị xã Duy Tiên. Đến nay, NHA cũng triển khai các Dự án đầu tư xây dựng Giao thông, các dự án khu nhà ở đô thị, Khu dân cư, Hạ tầng Công nghiệp…
Một số dự án NHA gồm: Khu nhà ở đô thị trung tâm Duy Tiên (tổng vốn đầu tư 561,6 tỷ đồng, dự án đưa vào sử dụng trong quý IV/2023), Xây dựng hạ tầng kỹ thuận Khu nhà ở đô thị Văn Xá với diện tích (vốn đầu tư 232,3 tỷ đồng, vận hành trong quý II/2023)…
Năm 2020, NHA ghi nhận 162 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 36 tỷ đồng, giảm tới gần một nửa.
Bên cạnh 5 cổ phiếu trên, nhiều cổ phiếu khác trên sàn HoSE cũng đạt mức sinh lời "khủng" trong tháng 2/201, có thể kể đến cổ phiếu SAV của Công ty Cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (tăng 41%), cổ phiếu DGW của Công ty Cổ phần Thế Giới Số (tăng 37%), cổ phiếu PMG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (tăng 37%), cổ phiếu CCL của Công ty Cổ phần Đầu Tư và Phát triển Đô Thị Dầu khí Cửu Long (tăng 34%), cổ phiếu TEG của Công ty Cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (tăng 30%)...