Nhân dịp năm mới 2022, để giúp mọi người quản lý tài chính tốt, tăng trưởng tài sản. Tôi xin trình bày một bức tranh tổng quan, đơn giản và dễ hiểu cho mọi người có thể nhớ và áp dụng được ngay. Bài viết được đúc kết từ quan điểm cá nhân và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau.

3 BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN:

1. Quản lý thu chi thật tốt

a) Tầm quan trọng

Quản lý tài chính cá nhân đơn giản là quản lý tiền (tài chính đơn giản là tiền). Tiền đi vào và đi ra qua hai hướng là thu nhập và chi tiêu. Chúng ta quản lý được 2 đầu này thì coi như nắm được 50% sự thành công. Người quản lý thu chi tốt là người biết và nắm rất rõ thu nhập từ đầu, và chi tiêu cho việc gì để từ đó có thể để dành ra thặng dư mỗi tháng/mỗi năm.

Cụ thể, đối với các bạn trẻ, thu nhập trước tiên phải là thu nhập hợp pháp, ổn định, tăng trưởng, và nếu được thì đa dạng nguồn thu.

Chi tiêu: Cần phải biết được đâu là chi thiết yếu và không thiết yếu. Vì chính những chi tiêu không thiết yếu sẽ bóp nghẹt thu nhập của chúng ta. Việc cầm nhiều tiền đầu mỗi tháng sau khi nhận lương sẽ tạo cảm giác muốn mua rất nhiều thứ. Dẫn đến sử dụng hết tiền khi nào không hay và không tích luỹ được nhiều.

b) 3 BƯỚC ĐỂ QUẢN LÝ THU CHỊ HIỆU QUẢ:

BƯỚC 1: Trong những tháng đầu, chúng ta cần theo dõi chi tiêu một cách cẩn thận bằng việc ghi chú lại tất cả khoản thu chi trong tháng. Có thể ghi chú bằng excel, hay phần mềm nào cũng được; miễn sao chúng ta biết được 3 thông số sau: i) Thời điểm chi tiêu ii) Số tiền chi tiêu iii) Chi tiêu cho việc gì

BƯỚC 2: Sau khoảng 2-3 tháng chúng ta sẽ biết được mình thường chi tiêu cho việc gì là nhiều nhất, và những khoản nào là những khoản chưa cần thiết thì sẽ được cắt giảm. Sau khi cắt giảm bớt hết các khoản chi tiêu không thiết yếu, chúng ta sẽ ra được tỷ lệ % chi tiêu/tổng thu nhập. Suy ra, chúng ta có được tỉ lệ tiết kiệm mỗi tháng

BƯỚC 3: Sau đó thực hiện nguyên tắc PAY YOURSELF FIRST - TRẢ CHO BẢN THÂN TRƯỚC nghĩa là khi có lương về, hãy trích trước theo đúng tỷ lệ tiết kiệm đã xác định ở bước 2 bỏ vào 1 tài khoản khác mà mình khó rút ngược ra để tiêu xài. Phần còn lại chính là khoản tiền tiêu xài trong tháng đó.

2. Thiết lập mục tiêu

Có mục tiêu mới có động lực để tạo ra thặng dư (tiết kiệm/đầu tư), các bạn cần trì hoãn việc chi tiêu những thứ không thiết yếu ở thời điểm hiện tại cho mục tiêu tài chính ở tương lai như sở hữu nhà, quỹ học vấn cho con cái, hoặc cho tuổi hưu lúc già của mình…

Ví dụ, để người trẻ thường có thể sở hữu căn nhà cho gia đình mình thì các bạn phải hi sinh những khoản chi tiêu không thiết yếu ở thời điểm hiện tại như những bữa ăn chơi du lịch, hay những món đồ hiệu, trang sức xa xỉ,… thì mới có thể tiết kiệm mỗi tháng được (Ở phần 1 Quản lý thu chi) từ đó mới có cơ sở dung số tiền đó để đầu tư.

Mỗi mục tiêu sẽ có cách đầu tư và tiết kiệm khác nhau. Ví dụ, bạn muốn mua nhà trong 5 năm thì chắc chắn số tiền tiết kiệm của bạn phải nhiều hơn nếu như là bạn muốn mua nhà trong 10 năm (nếu các yếu tố khác giữ nguyên). Thiết lập mục tiêu giúp bạn có động lực để quản lý thu chi (số 1) và có cơ sở chọn lựa kênh đầu tư (số 3)

3. Đầu tư

Sau khi đã biết cách tiết kiệm hiệu quả và thiết lập mục tiêu tài chính tương lai, chúng ta cần một nơi để cất giữ tiền. Đó phải là một kênh giúp chúng ta tối thiểu bù được lạm phát. Vì nếu chúng ta chỉ đơn thuần bỏ tiền vô két sắt thì sau 1 năm 100 triệu sẽ chỉ có 96 triệu sau 1 năm nếu giả định lạm phát là 4% (ước tính). Hay nói một cách khác, sức mua hàng hoá của chúng ta bị giảm đi còn 96tr mặc dù vẫn cầm trên tay đúng số tiền lúc đầu mình bỏ vào két là 100 triệu

Đầu tư là một chuyên đề rất lớn và chắc hẳn phải nói kĩ ở số khác. Trước tiên, chúng ta cần biết là có rất nhiều kênh đầu tư như: trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản, vàng, forex, gửi tiết kiệm,… với đủ các đặc điểm. Việc của mình là cần xác định kênh nào phù hợp với bản thân mình.

4 TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH KÊNH ĐẦU TƯ PHÙ HỢP:

1. Số tiền đầu tư

2. Thời gian đầu tư

3. Khả năng chấp nhận rủi ro

4. Vĩ mô

Nhìn chung, chỉ cần làm được 2 bước đầu đó là Quản lý thu chi và thiết lập mục tiêu thì chúng ta đã thành công 80% rồi, chỉ còn lại 20% ở phần đầu tư thôi. Bài đã dài nên tôi ngưng tại đây.

Quản lý tài chính cá nhân là chủ đề rất rộng nên khá khó để có thể nói hết các ý, tuy nhiên bài viết này tôi đã cố gắng trình bày một bức tranh tổng quan nhất về quản lý tài chính cá nhân chỉ với 3 bước trên với hi vọng mọi người dễ nhớ và dễ áp dụng.

Chúc mọi người năm mới nhiều sức khỏe, phát tài phát lộc và đạt được mục tiêu của bản thân mình đề ra trong năm 2022 

Nam Hoàng
Nguồn
Link bài gốc