Tổng tài sản lớn nhất, lợi nhuận nhỏ giọt
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) do ông Bùi Anh Dũng nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, ông Trương Khánh Hoàng là quyền Tổng Giám đốc. Không kể 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được công nhận là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất.
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản SCB đạt 703.155 tỷ đồng, tăng 69.358 tỷ đồng, tương đương 10,9% so với năm 2020
So với các ngân hàng còn lại trên thị trường, SCB vượt trội về quy mô. Tính tới thời điểm cuối năm 2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đứng thứ hai với 607.140 tỷ đồng. Đứng sau là Techcombank (568.811 tỷ đồng), VPBank (547.626 tỷ đồng) và ACB (527.770 tỷ đồng).
Tổng tài sản cao vượt trội nhưng lợi nhuận của SCB lại thấp hơn rất nhiều so với 4 đơn vị còn lại trong Top 5 ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất thị trường.
Trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế của SCB tăng 589 tỷ đồng, tương đương 107% lên 1.140 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản chỉ là 0,16%.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của MBB, Techcombank, VPBank và ACB lên tới 12.697 tỷ đồng (tương ứng tỷ suất lợi nhuận/tài sản là 2,1%), 18.052 tỷ đồng (3,17%), 11.721 tỷ đồng (2,14%) và 9.603 tỷ đồng (1,82%).
Dù khiêm tốn so với các đối thủ có tổng tài sản lớn hơn nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của SCB đã cao hơn rất nhiều so với chính bản thân ngân hàng suốt thời gian dài trước đó.
Trong 4 năm gần đây (2017- 2020), lợi nhuận sau thuế của SCB chỉ đạt 120 tỷ đồng, 169 tỷ đồng, 175 tỷ đồng và 542 tỷ đồng.
“Dồn” nợ xấu sang VAMC
Cùng với lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, SCB có tín hiệu tích cực nữa chính là nợ xấu được cải thiện.
Hồi cuối năm 2021, nợ xấu tại SCB chỉ còn là 3.966 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu giảm 4.255 tỷ đồng, tương đương 51,8% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tốt lên đáng kể với 2,34% hồi đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn giảm từ 7.015 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.630 tỷ đồng.
Thế nhưng, đây không hẳn là tín hiệu tích cực. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của SCB cho thấy “cục nợ xấu” lớn đã được chuyển sang VAMC.
Tại ngày 31/12/2021, giá trị trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tăng từ 30.833 tỷ đồng lên 37.085 tỷ đồng. Nếu con số này không được chuyển sang VAMC thì nợ xấu tại SCB có thể lên tới 41.045 tỷ đồng, tương đương 11,4%.
Trong khi đó, mức “trần” nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ là 3%. Vì vậy, trong Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2021, chỉ tiêu trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại SCB tăng rất mạnh, tăng 5.968 tỷ đồng, tương đương 4,5 lần lên 7.306 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần lợi nhuận sau thuế năm 2021.
Trong vài năm gần đây, SCB liên tục phải xử lý nợ xấu quy mô lớn. Đáng chú ý, trong Đại hội Cổ đông bất thường diễn ra hồi cuối năm 2020, SCB thông qua tờ trình phê duyệt giao dịch nhận tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của bên vay/bên thế chấp có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ của SCB, để thay thế toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, bao gồm nợ gốc, lãi và phí phạt phát sinh.
Tài sản thế chấp là 116 Quyền sử dụng đất tại Khu dân cư 5-2 tại khu chức năng số 5 – Đô thị nam Thành phố (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM). Giá trị tài sản là hơn 13.955 tỷ đồng, thời điểm định giá là tháng 8-2020.
Rót ngàn tỷ cho dự án “khống”
Câu chuyện đáng chú ý nhất của SCB lại liên quan đến dự án “khống” từng rất thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2099 BC-TTCP ngày 2/12/2020 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) khi bắt tay cùng một doanh nghiệp bất động sản nhiều lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, “phù phép" hàng nghìn mét vuông đất công, có vị trí đắc địa tại TP.HCM thành đất tư để trục lợi.
Trong quá trình hợp tác, thông qua chiêu thức thoái vốn nhà nước, 4 lô đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh đã bị công ty một doanh nghiệp bất động sản mua lại.
Sau đó, doanh nghiệp bất động sản này lập hồ sơ dự án đầu tư “khống” tại TP. Hồ Chí Minh. Các pháp nhân trong dự án này đã ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với gói vay của SCB và được giải ngân khoảng 6.308 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các lần vay SCB, trong hồ sơ của doanh nghiệp bất động sản nêu trên đều có chứng thư xác định giá trị tài sản đảm bảo là hơn 7.250 tỷ đồng và tài sản thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật.
Sự cố này đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn về vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong giám sát, kiểm soát hoạt động trong nội bộ ngân hàng và bên ngoài, trong đó có Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với hoạt động của các ngân hàng này cần lời giải đáp...