leftcenterrightdel
 

Ông Đoàn Văn Bình - Từ giấc mơ du học đến ông chủ Tập đoàn CEO

Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO - CEO Group (HNX: CEO) được ông Đoàn Văn Bình thành lập vào ngày 26-10-2001, tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (VITECO), có số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng. Đến năm 2007, công ty chuyển đổi mô hinh sang cổ phần với tên mới là CTCP Đầu tư CEO, vốn điều lệ tăng hơn 60 lần so với lúc mới thành lập ở mức 100 tỷ đồng. Hiện tập đoàn đang tập trung vào các lĩnh vực như: bất động sản (đặc biệt là mảng nghỉ dưỡng), xây dựng, dịch vụ quản lý khách sạn và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, CEO đang sở hữu hơn 1.000 ha đất nằm tại các vị trí đắc địa và đang triển khai hàng loạt dự án “khủng” tại các khu vực Hà Nội, Phú Quốc, Quảng Ninh, Nha Trang.

Ông Đoàn Văn Bình sinh ngày 2-6-1971 tại Hà Nam, sinh ra trong một gia đình đông anh chị em có bố là thương binh, mẹ là thanh niên xung phong chống Mỹ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông quyết định học ngành ngôn ngữ tại Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân, và mong muốn đến năm thứ ba có cơ hội đi du học tại Liên Xô. Tuy nhiên đến năm 1991, Liên Xô tan rã, giấc mơ du học của ông Bình coi như chấm dứt. Hai năm sau, một biến cố rất lớn trong lúc đang còn ngồi ghế nhà trường, đó là mẹ ông qua đời. Vì phải lo cho các em còn nhỏ, nên ông đã quyết tâm tốt nghiệp với hai bằng đại học song ngữ Anh - Nga. Sau đó ông vừa làm vừa học và tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành Kinh tế, rồi đến bằng Thạc sĩ Luật tại trường Đại học Luật Hà Nội. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập của Tập đoàn CEO, đồng thời cũng là Chủ tịch của 13 công ty thành viên thuộc tập đoàn. Trước khi thành lập và lãnh đạo công ty riêng của mình từ năm 2001, ông Bình từng có thời gian là Giám đốc xúc tiến dự án TODA Corporation của Nhật Bản kể từ khi mới ra trường vào năm 1994 kéo dài đến 2006. Ông đã kết hôn cùng với bà Đỗ Phương Anh - Phó Tổng giám đốc CEO và có ba người con lần lượt là: Đoàn Đức Anh, Đoàn Bảo Linh và Đoàn Bảo Anh. Đáng chú ý, ông Đoàn Văn Mình - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CEO, là em trai ruột của ông Bình, và có thêm một người em gái hiện đang làm nhân viên của công ty tên là Đoàn Thị Hoài Thu. 

Ông Minh sinh năm 1976, là cử nhân Kinh tế tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân và sở hữu bằng MBA tại Đại học Benedictine (Mỹ). Ông từng làm việc tại CTCP Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư Vilexim thuộc Bộ Thương mại, và trải qua các vị trí từ cán bộ nghiệp vụ, trưởng phòng đến phó giám đốc chi nhánh. Đến năm 2008, ông bắt đầu tham gia vào CEO với vị trí ban đầu là Giám đốc CTCP Phát triển Nguồn nhân lực C.E.O - một công ty con của tập đoàn chuyên về lĩnh vực xuất khẩu lao động và tư vấn du học Nhật Bản. Sau đó, ông trở thành Phó Tổng giám đốc và thăng chức lên Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc từ năm 2021, thế cho ông Tạ Văn Tố - hiện đang là Phó Tổng giám đốc Thường trực. 

Ông Đoàn Văn Bình đang là cổ đông duy nhất sở hữu trên 5% cổ phần của tập đoàn, khi nắm giữ 70,5 triệu cổ phiếu CEO, tương đương 27,4% cổ phần với giá trị khoảng 895 tỷ đồng. Vợ ông Bình cũng sở hữu riêng cho mình hơn 1 triệu cổ phiếu CEO trị giá 13,6 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu còn lại của các thành viên trong gia đình đều rất ít ỏi, kể cả ông Minh cũng chỉ có 50 cổ phiếu. Nếu so với đầu năm, giá trị tài sản của vị chủ tịch Tập đoàn CEO đã “bốc hơi” hơn 87%, mức giảm khủng khiếp chỉ trong vòng hơn 9 tháng. 

leftcenterrightdel
 Ông Đoàn Văn Bình (áo xanh) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO và em trai Đoàn Văn Minh (áo xám) - Tổng giám đốc 

Cổ phiếu CEO - Từng là ngôi sao sáng tăng “dựng đứng” 800% trong vòng 3 tháng của làng chứng khoán Việt Nam

Năm 2007, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, CTCP Đầu tư CEO ngay lập tức có được 3 cổ đông chiến lược lớn, bao gồm: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Công ty TNHH Chứng khoán Thăng Long (TSC) và Công ty Tài chính Bưu điện (PTF). Chỉ trong thời gian ngắn, CEO đã thành lập hàng loạt các công ty thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, đầu tiên là CTCP Xây dựng C.E.O có vốn điều lệ 15 tỷ đồng (tập đoàn nắm giữ 51% cổ phần), tiếp theo là Trường Cao đẳng Đại Việt (hiện ông Minh đang đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, CTCP Phát triển dịch Dịch vụ C.E.O tập trung vào mảng Xuất khẩu lao động.

Trước đó, công ty của ông Bình đã thành lập Công ty TNHH C.E.O Quốc tế để tập trung vào mảng bất động sản, với dự án nổi bật là Khu đô thị CEO Mê Linh có diện tích hơn 20 ha. Một trong những bước nhảy vọt của cả tập đoàn là sở hữu 60% cổ phần và trở thành công ty mẹ của CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc (CEO Phú Quốc), tiền đề giúp cho CEO trở thành “ông lớn” đứng thứ ba tại nơi này.

Năm 2012, tập đoàn của doanh nhân Đoàn Văn Bình trở thành công ty đại chúng, và chính thức niêm yết trên sàn HNX với mã cổ phiếu CEO vào ngày 29-9-2014. Vào thời điểm này vốn điều lệ của công ty là hơn 343 tỷ đồng, trong đó, ông Bình là cổ đông lớn nhất nắm giữ tỷ 26,23%, tiếp theo là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với tỷ lệ 8,01% và CTCP Đầu tư và Tư vấn Thành Nam sở hữu 7,33%. Tổng tài sản của công ty ở mức gần 900 tỷ đồng. Năm 2015, CTCP Đầu tư CEO chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn CEO cho đến ngày nay.

Năm 2010, Phú Quốc chỉ mới là một huyện đảo thưa thớt, đường xá vắng vẻ, đi lại khó khăn, vì thế lượng khách du lịch rất ít, chủ yếu là khách nội địa nên dẫn đến chất lượng của các cơ sở lưu trú rất thấp. Nhận thấy tiềm năng vô cùng lớn của khu vực này, CEO Group quyết định chọn Phú Quốc là nơi phát triển bất động sản nghỉ dưỡng chủ lực của mình, trở thành một trong những đơn vị tiên phong ở vùng đất này.

Đến năm 2014, tập đoàn đã sở hữu hơn 257 ha đất tại Phú Quốc, với ba dự án lớn là: Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort, Khu du lịch sinh thái Sonasea Golf Estates. Trong đó, khủng nhất là dự án Sonasea Villas and Resort với tổng vốn đầu tư lên đến 4.518 tỷ đồng, và giúp cho CEO Group trở thành “ông trùm” bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong top 3 tại Đảo Ngọc. Ngoài ra vào thời điểm đó, công ty của ông Bình còn đang sở hữu thêm 13 dự án tại Hà Nội và Hà Nam với quỹ đất tổng cộng hơn 506 ha. Một số dự án nổi bật như: Tháp CEO - tòa nhà hạng A được hoàn thành đúng tiến độ đầu tiên của ở phía Tây Hà Nội, Khu đô thị mới - Sunny Garden City, Nhà ở xã hội - Bamboo Garden, River Silk City tại Hà Nam, Khu đô thị mới - CEO Mê Linh,...

leftcenterrightdel
Tòa tháp CEO - Một trong những dự án bất động sản đầu tay của Tập đoàn CEO giai đoạn 2007 - 2009 (Nguồn ảnh: Hanoi Office) 

Giai đoạn 2015 - 2019, công ty tiếp tục duy trì vị thế “ông lớn” của mình tại Phú Quốc, khi khánh thành hai dự án liên tiếp nằm trong tổ hợp Sonasea Villas and Resort. Đầu năm 2016, CEO Group khánh thành Khu nghỉ dưỡng 5 sao Novotel Phu Quoc Resort - khu nghỉ dưỡng đầu tiên của cả tập đoàn. Sau đó khoảng 15 tháng, công ty của ông Bình khai trương khu biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao Novotel Villas - dự án biệt thự nghỉ dưỡng mang thương hiệu Novotel đầu tiên tại Việt Nam. Và lần đầu tiên trên thế giới, có một biệt thự thương hiệu Novotel cho phép khách hàng sở hữu bằng hình thức chuyển nhượng. Tháng 1-2019, khu nghỉ dưỡng Best Western Premier Sonasea Phu Quoc được đưa vào hoạt động. Dự án có quy mô 1.500 tỷ đồng này là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Phú Quốc của Best Western - Tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu quốc tế.

Trong giai đoạn này, Tập đoàn CEO cũng bắt đầu đặt chân vào hai khu vực hoàn toàn mới, nhưng lại vô cùng “nóng” trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đó là: Nha Trang (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh). Đầu tiên, doanh nghiệp do ông Đoàn Văn Bình sáng lập đã mua lại dự án Khu du lịch Green Hotel & Resort có quy mô 7,97 ha, từ Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nha Trang, rồi đổi tên thành Sonasea Premier Nha Trang. Thứ hai là thương vụ mua lại dự án Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long từ CTCP Đầu tư Phát triển Bảo Nguyên, đây chính là dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City. Ban đầu, dự án tại Vân Đồn chỉ có diện tích 100 ha, CEO Group đã xin tỉnh Quảng Ninh tăng diện tích lên con số 358,5 ha để mở rộng quy mô và có tổng mức đầu tư là 2.661 tỷ đồng.

Đặc biệt, những khu vực có dự án bất động sản nghỉ dưỡng đều nằm trong Dự án đặc khu kinh tế Việt Nam của Bộ Chính trị, đúng như chiến lược của ông Đoàn Văn Bình đưa ra là: “Đặc khu, đặc khu và đặc khu”. 

Về bất động sản nhà ở, công ty đã “nổ phát súng” đầu tiên vào thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long bằng dự án Khu đô thị Riverine Can Tho City, và tiếp theo sau là Khu đô thị Sonasea Kiên Giang. Tại các khu vực đã có dự án trước đó như Hà Nội, Hà Nam thì CTCP Tập đoàn CEO chỉ tập trung đầu tư phát triển các giai đoạn tiếp theo của những dự án từ trước, không hình thành khu đô thị mới nào khác. Về hoạt động giáo dục đào tạo gắn với xuất khẩu lao động, tập đoàn đã xuất khẩu khoảng từ 600 đến 1.314 lao động/năm sang thị trường Nhật Bản trong giai đoạn 2015 - 2019. Trong vòng 5 năm, tốc độ tăng trưởng hàng năm của mảng này đạt trên 30%, và tạo điều kiện cho hơn 4.600 người sang Nhật để làm việc. Năm 2016, công ty CEO Hotels & Resorts ra đời nhằm mục tiêu phát triển các hoạt động du lịch và quản lý khách sạn, xây dựng thương hiệu SONASEA nằm trong 10 đơn vị quản lý khách sạn tại Việt Nam. Theo báo cáo tài chính các năm này, tình hình kinh doanh của cả tập đoàn tăng trưởng nóng liên tục. 

leftcenterrightdel
Hình ảnh Novotel Phu Quoc Resort - Khu nghỉ dưỡng đầu tiên của Tập đoàn CEO (Nguồn ảnh: 24h.com.vn) 
Năm 2019 là một năm thăng hoa nhất của CEO Group khi cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều lập “đỉnh” lịch sử. Doanh thu khủng đạt đến con số 4.550 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ, và lãi ròng 607 tỷ đồng, tăng hơn 63%. Cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả lần lượt là 3.665 tỷ và 4.371 tỷ, tổng tài sản ghi nhận mức 8.037 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2015.

Về cơ cấu doanh thu vẫn không thay đổi so với những năm trước, bất động sản vẫn là lĩnh vực đem lại nguồn thu lớn nhất cho tập đoàn cả về doanh thu và lợi nhuận, khi đóng góp lần lượt là gần 84% và 83%. Tuy nhiên, chính vì cơ cấu này mà CEO Group đã gặp “nạn” khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ năm 2020, và bất động sản nghỉ dưỡng chính là hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Năm 2020, doanh thu của tập đoàn chỉ còn lại 1.323 tỷ đồng, quay trở lại mức 4 năm trước và sụt giảm hơn 70% so với cùng kỳ. Về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế còn thê thảm hơn, trong khi năm trước đó vừa đạt “đỉnh” lịch sử, thì sang năm này đã rớt xuống “đáy” lịch sử trong suốt thời gian hoạt động của tập đoàn. Lãi ròng của CEO lần đầu ghi nhận con số âm, thậm chí con số lớn ở mức lỗ 103 tỷ đồng, tụt giảm 117% so với 607 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ mảng bất động sản đã giảm hơn 76%, các lĩnh vực khác giảm sụt thậm chí lên đến hơn 99%, vì cách ly xã hội và hạn chế khách quốc tế do dịch bệnh.

Đến năm 2021, nguồn thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ lại tiếp tục sụt giảm hơn 30% chỉ còn 901 tỷ. Nhờ vào doanh thu tài chính tăng mạnh, đã giúp CEO Group thoát lỗ và ghi nhận lợi nhuận dương hơn 82 tỷ đồng, nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2015 - 2019.

Tuy nhiên, có một điều rất lạ diễn ra vào cuối năm 2021, đó là kết quả kinh doanh kém khả quan, nhưng mã CEO đã khiến cho các nhà đầu tư chứng khoán đứng ngồi không yên. Giá cổ phiếu CEO từ khoảng 10.000 - 11.000 trong tháng 10, đột nhiên tăng “dựng đứng” lên mức 92.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 10-01-2022, có thời điểm đạt 100.000 đồng. Giá tăng trưởng hơn 800% chỉ trong vòng 3 tháng, đã khiến cho CEO trở thành “ngôi sao sáng” cùng lúc thị trường chứng khoán đồng loạt tăng mạnh liên tục ở giai đoạn đó.

Thậm chí, từng xuất hiện các dự báo mã CEO sẽ đạt đến 1 triệu đồng/cổ phiếu, mức giá chưa từng có tại Việt Nam. Nhưng có lúc “thăng” thì ắt sẽ có lúc “trầm”. Sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm đã khiến cho thị trường bất động sản lao đao, từ đó giá cổ phiếu CEO bắt đầu tụt dốc thảm hại. Từ mức đỉnh 92.500, giá của CEO lao mạnh xuống đáy và chỉ còn lại khoảng 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 11 gần đây. Việc giảm sút này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến những nhà đầu tư từng tin tưởng vào mã cổ phiếu CEO, và khiến không ít người phải lâm vào cảnh khó khăn vì giá trị đầu tư mất hết gần 80% giá trị.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO (Nguồn ảnh: ceogroup.com.vn)

Cuối năm 2021, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City vướng phải lùm xùm, về việc người dân thưa kiện UBND huyện Vân Đồn thu hồi đất không đúng quy định để giao cho Tập đoàn CEO làm dự án. Kết quả là Tòa án tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận hủy bỏ các Quyết định của ủy ban huyện , và bồi thường cho hộ dân đó theo đúng quy định pháp luật. Từ việc tình hình kinh doanh kém khả quan vì dịch bệnh, đến các vấn đề liên quan đến thuế và dự án đang triển khai đã biến năm 2021 trở thành “năm hạn” của cả tập đoàn.

Bước sang năm 2022, theo báo cáo tài chính quý III, tổng doanh thu lũy kế từ đầu năm đến nay đạt hơn 1.052 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ. Về lợi nhuận sau thuế đạt hơn 111 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 223 tỷ cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, theo như kế hoạch đề ra, thì tập đoàn chỉ mới thực hiện được 35% so với mức doanh thu mục tiêu 3.000 tỷ đồng, và 37% so với mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng. Liệu rằng, từ đây đến cuối năm tập đoàn CEO của ông Đoàn Văn Bình có kịp hoàn thành chỉ tiêu hay không?