Người dân Hà Nội sớm xếp hàng mua bánh Trung Thu truyền thống
Dù chưa đầy hai tuần nữa mới đến Tết Trung Thu, thế nhưng các cửa hàng bán bánh Trung Thu truyền thống ở Hà Nội luôn có hàng dài người xếp hàng đợi mua bánh.
Vào những ngày cận kề Tết Trung Thu tại các quầy bánh, nhiều người đứng xếp hàng dài để chờ mua bánh.
|
|
Hương vị của bánh Trung thu truyền thống đặc trưng trên phố Xuân Đỉnh thu hút đông đảo khách hàng đến mua, bất chấp việc phải chen chúc mua bánh. Ảnh: Tiền Phong |
Phản ánh của báo Tiền Phong, tại các cửa hàng bán bánh Trung Thu truyền thống như Xuân La (quận Bắc Từ Liêm), phố Thụy Khê (quận tây Hồ),... những ngày vừa qua rất đông khách hàng chấp nhận xếp hàng cả tiếng để mua được cặp bánh Trung Thu trên phố Thụy Khuê.
Nhiều người sẵn sàng đi vài chục cây số, chờ đợi vài tiếng đồng hồ để mua được những chiếc bánh Trung Thu truyền thống. Hương vị của bánh Trung Thu truyền thống đặc trưng trên phố Xuân Đỉnh thu hút đông đảo khách hàng đến mua, bất chấp việc phải xếp hàng dài.
Lượng khách đông trong ngày chủ yếu là ngoài giờ hành chính nên các hiệu bánh khu vực phố Xuân Đỉnh năm nào cũng “cháy hàng”.
Tuy nhiên, năm nay do dịch COVID-19 nên lượng khách mua vẫn ít hơn mọi năm nên chủ cửa hàng bánh truyền thống trên phố Xuân La cho biết lượng khách mua vẫn ít hơn hẳn so với mọi năm.
|
|
Do số lượng người tìm đến mua đông nên đoạn đường qua các phố có cửa hàng bánh truyền thống nổi tiếng thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Tiền Phong |
Bánh Trung Thu trầm lắng trong mùa dịch Covid-19
Hiện chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Trung Thu nhưng hiện hầu hết các ki ốt bán bánh Trung Thu được dựng lên trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội đều ế ẩm, vắng bóng người mua.
Trái ngược với không khí tấp nập tại các quầy bánh truyền thống, qua khảo sát của phóng viên VOV.VN, tại nhiều ki ốt bán bánh Trung thu lại khá ế ẩm, vắng khách.
Từ đầu tháng 7 âm lịch, tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Thanh Nhàn, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), Bà Triệu, phố Huế, Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Lương Định Của (quận Đống Đa); Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân)… đã có khá nhiều ki ốt bán bánh Trung thu được dựng lên.
|
|
Các ki ốt bán bánh Trung thu được dựng ngay tại các ngã tư hoặc chung cư - nơi có nhiều người qua lại, song, việc buôn bán vẫn diễn ra khá ảm đạm. Ảnh: VOV |
Mặc dù các kios đều thiết kế hình ảnh, màu sắc bắt mắt và được dựng ngay cạnh các trung tâm thương mại, siêu thị, công viên ngã tư hoặc chung cư - nơi có nhiều người qua lại, nhưng những ki ốt bán hàng này đều trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ.
Có mặt tại một điểm bán bánh trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) gần 1 giờ đồng hồ nhưng phóng viên quan sát thấy chỉ có 1 vị khách tới mua bánh. Các ki ốt bán bánh Trung thu được dựng ngay tại các ngã tư hoặc chung cư - nơi có nhiều người qua lại, song, việc buôn bán vẫn diễn ra khá ảm đạm.
“So với thời điểm này những năm trước thì lượng khách tới tham quan và hỏi giá năm nay ít hơn hẳn, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người hạn chế đến nơi công cộng, phần nữa là nhiều gia đình cắt giảm chi tiêu”, chị Nguyễn Vân, nhân viên bán bánh tại đây cho biết.
Tương tự, tại điểm bán bánh khác trên phố Bà Triệu, tình hình buôn bán cũng không mấy khá hơn. Chị Hoàng Minh Yến, nhân viên bán hàng ở đây cho biết, thị trường năm nay buôn bán khá chậm, chỉ bằng 50 – 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhiều chủ sạp bánh Trung Thu, năm nay, xu hướng tiêu dùng khi mua bánh trung thu của khách hàng đã thay đổi. Trong bối cảnh dịch bệnh, khách hàng đặc biệt chú ý hơn tới an toàn vệ sinh thực phẩm, không còn chuộng hình thức như các năm trước nữa. Vì vậy, các thương hiệu bánh Trung thu lớn, lâu năm, có uy tín trên thị trường được ưa chuộng hơn.
Về giá bán, mùa Trung Thu năm nay, giá các loại bánh của một số thương hiệu lớn như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Bánh mứt kẹo Hà Nội… dao động từ 50.000 - 165.000 đồng/bánh. Các loại bánh cao cấp để biếu, tặng với thiết kế hộp đựng trang nhã, bắt mắt có giá khoảng 300.000 - 4.000.000 đồng/hộp tùy vào loại nhân, số lượng bánh, thiết kế hộp... Mức giá này tương đương với năm ngoái; giá một số loại bánh cao cấp, được ưa chuộng tăng nhẹ khoảng 5-10%.
“Hiện khách chủ yếu chỉ mua bánh lẻ về để thắp hương hoặc ăn nên cửa hàng chủ yếu bán các loại bánh thông dụng như: bánh nướng-dẻo nhân đậu xanh, bánh nướng-dẻo nhân thập cẩm… giá các loại bánh này dao động từ 45.000 -70.000 đồng/chiếc”, chị Hoài, nhân viên bán hàng ở Vinmart+ cho biết.
|
|
Cả dãy ki ốt dài đều vắng bóng người mua. Ảnh: VOV |
Ngoài những điểm bán lẻ, kênh phân phối truyền thống, trong bối cảnh dịch Covid-19, mùa Trung thu năm nay, nhiều công ty, cửa hàng bán bánh Trung Thu đã triển khai các kênh bán hàng trực tuyến trên các mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử (Tiki, Shopee, Sendo, Lazada…) để khách hàng dễ dàng lựa chọn và đặt bánh.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng; khi mua lưu ý kiểm tra nhãn mác và thời hạn sử dụng của sản phẩm.
TP.HCM: Giá tăng, khách mua èo uột
Tại TP.HCM, khác hẳn với không khí sôi động của mọi năm, hiện nay lượng người mua bánh Trung thu tại TP.HCM rất thưa thớt khiến nhiều cửa hàng lo ngại về tình trạng buôn bán ế ẩm do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trên hàng loạt đường Nguyễn Tri Phương, An Dương Vương, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi... có khá nhiều sạp bán bánh Trung thu đã được bày bán nhưng không khí buôn bán tại đây thưa vắng khách.
Trả lời Giáo dục & Thời đại, anh Nguyễn Văn Thắng – Chủ quản lý sạp bánh ở góc đường Nguyễn Tri Phương – An Dương Vương (quận 5) cho biết so với mọi năm, thị trường năm nay buôn bán diễn ra chậm hơn, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì những ngày này sức mua giảm hơn 30%, cả thị trường khách công ty và thị trường khách lẻ.
|
|
Điểm bán bánh Trung thu trên góc đường Nguyễn Tri Phương- An Dương Vương thưa vắng khách. Ảnh: GD&TĐ |
“Do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, kinh tế khó khăn người dân cũng hạn chế mua sắm, dẫn đến ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Phải chờ vài ba bữa đến hơn tuần nữa cũng chưa biết thị trường thế nào” - anh Thắng nói.
Theo tìm hiểu, ngoài những loại bánh nướng truyền thống, bánh dẻo, bánh ăn chay... có giá dao động từ 40.000 – 400.000 đồng/chiếc (tùy loại + trọng lượng) thì năm nay, thị trường bánh Trung thu xuất hiện thêm một số loại bánh mới, đơn cử là loại bánh cao cấp với 1 hộp 6 bánh đựng trong vỏ hộp có chất liệu sơn mài cộng với hộp trà ô long có giá 4,5 triệu đồng.
|
|
Ngoài bảng báo giá, các sạp bán bánh đều trang bị nước rửa tay kháng khuẩn và khuyến cáo khách hàng đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19. Ảnh: GD&TĐ |
Ngoài ra, nhiều điểm bán bánh trung thu tại TP.HCM đã treo bảng giảm giá hoặc "mua 1 tặng 1", thậm chí "mua 1 tặng 2".
Nhưng những người có kinh nghiệm mua bánh Trung thu đều nói năm nào các quầy bán bánh cũng đều trương bảng giảm giá, khuyến mãi theo kiểu "chơi chữ", chủ yếu để thu hút khách hàng nên khi mua phải hỏi thật kỹ để tránh bị "ôm cục tức".
|
|
Nhiều điểm bán bánh trung thu treo bảng mua 1 tặng 1 dù còn 2 tuần nữa mới tới Rằm tháng 8. Ảnh: Người Lao Động |
Tuy nhiên, hầu hết những người mua bánh trung thu đều thất vọng vì không được tặng những loại bánh có cùng thương hiệu mà họ đã mua như Kinh Đô, Bibica, Như Lan... Bà Kim (ngụ quận 1) mua bánh trung thu tại một điểm bán ở quận 5 bức xúc: "Họ treo băng rôn Kinh Đô, Như Lan kèm bảng mua 1 tặng 1 nhưng lại tặng bánh của một thương hiệu khác".
Anh Minh (ngụ quận 3) cũng chia sẻ: "Nhiều chỗ treo bảng mua 1 tặng 1 nhưng qua mặt người tiêu dùng bằng chiêu mua 1 hộp 4 bánh chỉ được tặng 1 cái bánh hoặc được tặng 1 hộp 4 cái nhưng là bánh nhỏ của thương hiệu khác. Còn mua 1 được 2 thì cũng không khác gì mua 1 tặng 1, tức được tặng 2 cái bánh hoặc 2 hộp bánh nhỏ".
|
|
Có điểm bán còn treo bảng mua 1 hộp thành 2 hộp. Ảnh: Người Lao Động |
Theo tìm hiểu, hầu hết các cơ sở bánh trung thu nhỏ trên địa bàn TP.HCM cũng chủ động giảm sản lượng đến vài chục phần trăm so với năm trước vì lo ngại sức mua sẽ giảm mạnh, chỉ có một số nhà sản xuất lớn cố gắng giữ sản lượng như năm ngoái. Chẳng hạn, Công ty CP Bibica cho biết công ty quyết định giữ nguyên sản lượng 600 tấn bánh Trung thu các loại như năm ngoái, đồng thời giữ nguyên giá, mặc dù giá nguyên liệu tăng 5% so với năm ngoái.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh bánh trung thu như Mondelez Kinh Đô, Bibica... đều khẳng định không có chủ trương giảm giá bánh trong suốt mùa Trung thu. Các đại lý phải bán đúng như giá công ty công bố.