Giả mạo Ngân hàng Nhà nước "đóng băng" 300 triệu đồng của người dân

Đó là phản ánh của một độc giả gửi tới cơ quan báo chí liên quan đến một văn bản thông báo ghi số 329 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (Ngân hàng Nhà nước) về việc xác thực bất thường và mở tài khoản vay tiền của người vay có tên Phạm Thị Thắm.

Cụ thể, văn bản này đề cập: Do người vay là Phạm Thị Thắm số CMND/CCCD 05xxxx điền tài khoản ngân hàng cá nhân không chính xác, nên Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (Ngân hàng Nhà nước) tạm thời "đóng băng" tiền vay 300 triệu đồng.

Sau khi điều tra tài khoản ngân hàng được điền không chính xác và đã được chứng minh rằng không phải là hợp tác với nhân viên tài chính để lừa đảo khoản vay này.

"Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia quyết định: Phạm Thị Thắm phải nộp lại mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước cá nhân của mình và ảnh chụp cá nhân cầm thẻ căn cước trên tay, đồng thời gửi cho công ty tài chính để bàn giao cho Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia xác minh", thông báo nêu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính


Dù các thủ đoạn lừa đảo bằng cách mạo danh ngân hàng lừa tiền khách hàng đã diễn ra từ lâu, nhưng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, tình trạng này đang tái diễn và trở nên phổ biến.

Tuy nhiên giả mạo Ngân hàng Nhà nước là chuyện ít gặp vì vậy người dân nên thận trọng.

Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo.

Đáng chú ý, tờ thông báo này yêu cầu người vay là "Phạm Thị Thắm phải gửi tiền đặt cọc cho số tiền vay để chứng minh việc mất tiền, để đảm bảo thẻ ngân hàng được điền không chính xác và không sử dụng gian lận thông tin của người khác. Sau khi xác nhận thẻ ngân hàng được Phạm Thị Thắm sử dụng, quá trình xác thực có thể hoàn tất".

Cũng theo văn bản này, sau khi xác thực hoàn tất khoản tiền gửi chưa xác thực và số tiền vay bị "đóng băng" sẽ được trả lại vào tài khoản ngân hàng đã gửi lại.

"Nếu người vay thực tế Phạm Thị Thắm không xác thực được, văn phòng chúng tôi sẽ thông báo cho bộ phận pháp lý để can thiệp điều tra, liên hệ với người nhà hoặc công ty nơi người vay đặt trụ sở, nếu cần sẽ liên hệ với cơ quan công an địa phương để áp dụng tội lừa đảo vay tiền và đến thu thập chứng cứ để điều tra", văn bản nhấn mạnh.

Thậm chí để tăng thêm tính "thuyết phục" cho văn bản nay, cuối văn bản còn in đỏ dòng chữ: "Tội lừa đảo cho vay là lừa đảo các khoản vay của ngân hàng hoặc các tổ chức vay tài chính khác nhằm mục đích chiếm hữu bất hợp pháp, số tiền lớn sẽ bị phạt tù có thời hạn 5 năm trở xuống và phạt tiền 20% số tiền lừa đảo cho vay. Trường hợp nghiêm trọng khác bị phạt tù có thời hạn trên 5 năm và dưới 10 năm, phạt 50% số tiền lừa đảo cho vay".

Nhận được văn bản này, người thân của bà Phạm Thị Thắm "nghi ngờ là văn bản giả mạo nhằm mục đích lừa đảo".

leftcenterrightdel
 Ngân hàng Nhà nước nhiều lần cảnh báo hàng loạt thủ đoạn "móc tiền" của đối tượng lừa đảo. (Ảnh: SBV)

Về phía Ngân hàng Nhà nước, đại diện cơ quan này cũng khẳng định: Đây là một văn bản giả mạo Ngân hàng Nhà nước, không phải văn bản do cơ quan chức năng ban hành.

"Người dân cần thận trọng, cảnh giác trước các văn bản có dấu hiệu giả mạo; nếu nhận được các văn bản này cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý kịp thời", vị này khuyến cáo.

Cảnh báo hàng loạt thủ đoạn "móc tiền" của đối tượng lừa đảo

Trên thực tế, không chỉ mạo danh Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua đối tượng lừa đảo tài chính giả mạo thương hiệu ngân hàng, mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường xuyên được người dân phản ánh. Đáng chú ý, tần xuất lừa đảo ngày càng nhiều với các chiêu thức ngày càng tinh vi, khiến không ít người dân "sập bẫy".

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành công văn cảnh báo một số hiện tượng liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Tiêu biểu như, đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, kẻ gian yêu cầu khách đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ; thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn và yêu cầu khách đọc 6 số trong tin nhắn (thực chất là mã OTP để giao dịch thanh toán trực tuyến). Khách hàng làm theo yêu cầu của kẻ gian sẽ bị mất tiền trong tài khoản thẻ.

Một thủ đoạn khác là, đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng sau đó mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập và đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền... nhằm lừa đảo khách hàng cung cập thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.

Ngoài ra đối tượng lừa đảo còn lập trang web mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu nhập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng.

leftcenterrightdel
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, làm ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, an toàn hệ thống trong hoạt động thanh toán. (Ảnh: LT) 

Một chiêu thức lừa đảo khác mới xuất hiện trong thời gian gần đây cũng được Ngân hàng Nhà nước cảnh báo đó là, khách hàng "bất ngờ" nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay.

Sau đó, đối tượng lừa đảo gọi điện cho khách hàng thông báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển tiền); sau một thời gian, chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay.

"Trong một số trường hợp, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách và hướng dẫn thủ tục hoàn trả.

Cụ thể, gửi kèm đường link yêu cầu khách điền thông tin cá nhân, gồm thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó chiếm đoạt tiền của khách hàng" - Ngân hàng Nhà nước cảnh báo.

Hay như chiêu thức, mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cái đặt ứng dụng trên điện thoại di động để giải ngân một khoản tiền "ảo" kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển tiền đặt cọc để chiếm đoạt.

Ngoài ra, thủ đoạn gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng thông báo tài khoản khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu qua link giả mạo, mục đích nhằm đánh cắp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt tiền cũng được Ngân hàng Nhà nước cảnh báo.

Nguồn Dân Việt
Link bài gốc

https://danviet.vn/thu-doan-lua-tien-moi-gia-mao-ngan-hang-nha-nuoc-dong-bang-300-trieu-dong-cua-nguoi-dan-20210722063452731.htm