leftcenterrightdel
Thực phẩm Tết 'handmade' vẫn giao bán tràn lan trên mạng: Có tình trạng "Bắt cóc bỏ đĩa"? Ảnh minh họa. 


'Ma trận" handmade vẫn rao bán tràn lan

Nỗi lo về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường quá lớn khiến mấy năm trở về đây, nhiều người đổi hướng chuộng hàng “nhà làm” với niềm tin rằng loại hàng này sẽ an toàn hơn dù giá cao hơn sản phẩm ngoài chợ.

Tận dụng tâm lý này, việc bán hàng handmade trên mạng xã hội Facebook, Zalo… hiện cũng rất phổ biến. Chỉ cần gõ từ khóa "thực phẩm handmade" thì có hàng chục mặt hàng hiện ra.

Tại trang bán hàng Facebook “Đồ ăn Handmade”, hàng chục món ăn như chả nấm, cốt lẩu thái, chả bề bề viên... được quảng cáo không chất bảo quản, phụ gia. Hoặc trang Facebook “Xóm ăn đêm” có hàng chục sản phẩm gà ri hun khói, chân gà ngũ vị…

Tuy được quảng cáo là hàng thủ công, không chất bảo quản, phụ gia, phụ phẩm chính tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng của loại sản phẩm này có thực sự đảm bảo an toàn hay không thì khó ai có thể khẳng định.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy, hàng chục ngàn tỷ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh do thực phẩm “bẩn” gây ra. Không chỉ thế, thực phẩm “bẩn” còn là tác nhân giảm sức lao động, ảnh hưởng đến giống nòi của dân tộc Việt trong tương lai.

Số liệu thống kê từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, tại một số địa phương nhiều loại thức ăn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh. 67% thịt quay có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xườn, jambon bị nhiễm vi khuẩn; 88% nem chạo, nem chua, giò chả phát hiện có coliform; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép.

Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn khu vực phía nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, mọi thứ đều có mặt trái của nó, người tiêu dùng cần cảnh giác với thực phẩm “3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc, không ngày sản xuất. Ông nói: “Nguyên liệu rau củ quả, bột, đường là nguyên liệu trong danh mục cho phép, nhưng cách làm kiểu “a ma tơ” thì khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Phổ biến nhất là dùng phẩm màu và hương liệu để làm mứt bánh do nguồn nguyên liệu không được tươi như mong muốn. Thứ hai là các loại măng, nấm... để chống mối mọt, biện pháp phổ biến là xông qua khí lưu huỳnh. Đó là chất độc và nếu ăn vào, cơ thể nhạy cảm với hóa chất này sẽ bị ngộ độc ngay lập tức hoặc nếu không lâu dài cũng ảnh hưởng các hệ tiêu hóa, thần kinh..

Ngoài ra, nhiều loại mứt, táo khô Trung Quốc giá rẻ với số lượng lớn cứ đến tết sẽ luôn tràn ngập thị trường VN. Người bán ham rẻ đã mua về đóng gói “ngụy trang” thành hàng quê, hàng nhà làm cũng khá phổ biến.

Bác sĩ Trần Văn Ký khuyến cáo, thực phẩm rẻ thường có nhiều hóa chất, nguyên liệu kém chất lượng, chất phụ gia, mùi vị để tạo nên sản phẩm bắt mắt, bắt vị người tiêu dùng. Đã là hàng không rõ nguồn gốc thì rất khó kiểm soát do tự bán đâu đó trên mạng, trong nhà... không đăng ký kinh doanh nên quản lý thị trường đôi khi khó nắm được nên cũng không ai quản được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Còn theo GS.TSNguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) , đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm handmade chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, do thói quen, vẫn có người tiêu dùng mua hàng handmade mà ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu. Đã đến lúc, người tiêu dùng cần có nhận thức đúng, lựa chọn hàng đủ tiêu chuẩn và tẩy chay sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Quản lý bằng cách nào?

Hầu hết, các đơn đặt hàng đều do người quen giới thiệu, hoạt động mua – bán chủ yếu bằng niềm tin được khách đặt cược với người bán hàng. Chất lượng cũng do người quen “thẩm định” chứ chẳng có cơ sở thẩm quyền nào đứng ra chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm.

Nếu người bán thấy lợi nhuận trước mắt, thiếu chữ “tâm” trong sản xuất bánh, mua những nguyên liệu rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chất lượng, thậm chí có nguy cơ cao nhiễm các vi sinh vật gây bệnh như nấm mốc, ký sinh trùng, nấm men,... thì hậu quả người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.

Không phủ nhận sự vào cuộc kịp thời, có hiệu quả của các cấp chính quyền để đảm bảo an toàn thực phẩm cho mỗi người dân, song trên thực tế một điều đáng lo ngại hơn, trong khi thực phẩm được bày bán tại các chợ, các siêu thị được các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát khá kỹ thì chưa có tổ chức nào giám sát về vấn đề an toàn thực phẩm được bán theo hình thức online.

Theo tìm hiểu của PV gần như hoạt động kinh doanh thực phẩm online trên các trang mạng xã hội như Facebook hiện nay không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nhà nước nào về an toàn thực phẩm.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, để giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn thực phẩm "bẩn" từ gốc, vai trò quan trọng thuộc về chính quyền cơ sở. Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân Lê Công Bao, UBND các phường phải nâng cao trách nhiệm quản lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm handmade.

Để tăng cường công tác quản lý thực phẩm dịp Tết, ngày 8/12/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021.

Trong đó, từ ngày 15/12/2020 đến 25/3/2021, các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống... để ngăn chặn từ gốc thực phẩm "bẩn".

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại.

Công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết ở các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Thiết nghĩ, để tránh những hậu quả không mong muốn người tiêu dùng nên thận trọng cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn những sản phẩm handmade đã được kiểm định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kẻo 'tiền mất tật mang'.

Theo Tiến sĩ Lương Bích Thủy, Khoa Hóa (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, những hóa chất dùng để bảo quản các mặt hàng khô được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm cực độc, sử dụng hàm lượng lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, bifenthrin là loại hóa chất dùng trong thuốc trừ sâu; clorin dùng để khử trùng và tẩy trắng, dính vào quần áo là gây rách ngay...

Những hóa chất này là thuốc gây tê, tác động lên hệ thần kinh hô hấp làm cho ruồi, muỗi, kiến chết; người ăn phải sẽ bị ngộ độc, nhẹ thì buồn nôn, nặng thì khó thở, cơ thể tím tái, nếu tích tụ trong cơ thể lâu dài sẽ phá hư nội tạng.


Theo Nhà báo & Công luận
Nguồn
Link bài gốc

https://congluan.vn/thuc-pham-tet-handmade-van-giao-ban-tran-lan-tren-mang-bao-gio-het-noi-lo-post112275.html