Liên quan đến bài viết: “Nhiều hàng hoá tại siêu thị T-Mart "trắng thông tin", nhân viên nói: “Nem này bên em tự làm nên không có hạn sử dụng” được đăng trên Thương hiệu & Công luận vào ngày 09/05/2022 ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng về việc 02 cơ sở T-Mart số 184 đường Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và số 247 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân thuộc TP. Hà Nội bày bán nhiều sản phẩm, thực phẩm "trắng thông tin" như: Không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không hạn sử dụng, không tem nhãn phụ tiếng Việt…
Sau khi đăng tải bài viết, ngày 09/05, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đặt lịch làm việc với doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị T-Mart. Sau rất nhiều cuộc điện thoại, ngày 16/05/2022, đại diện siêu thị T-Mart, mới có buổi làm việc chính thức với phóng viên. Người làm việc là ông Lê Thành - phụ trách Phòng Hành chính.
T-Mart hiện đã nhượng quyền, không kiểm soát chất lượng sản phẩm?
Trao đổi về vấn đề này, ông Thành thừa nhận những vi phạm tại T-Mart và cho biết: “Chúng tôi ghi nhận các thông tin phản ánh trong bài báo rất kịp thời và đã cho tiến hành rà soát lại những vấn đề trên”.
Ông Lê Thành thừa nhận có việc hàng hoá bày bán là không có tem nhãn phụ, hạn sử dụng… được bày bán trong siêu thị mà người tiêu dùng phản ánh. “Đúng ra tất cả sản phẩm trong siêu thị, bắt buộc phải niêm yết tem nhãn trên hàng hoá để người tiêu dùng người ta nhận biết sản phẩm đó thuộc nhà cung cấp nào, nguồn gốc ra sao?”, ông Thành nói.
Thứ hai, liên quan đến việc hàng loạt sản phẩm tiêu dùng như: Tôm, mực, cá, thịt, ruốc, nem… không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại cơ sở T-Mart số 184 Đại Từ và cơ sở T - Mart số 247 Khương Đình, ông Thành đại điện T-Mart cho biết: "Các sản phẩm thuộc T-Mart cung cấp có đầy đủ giấy tờ, hoá đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc rõ ràng…" Tuy nhiên, khi PV đè nghị tiếp cận các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hoá sản phẩm thì ông Thành không cung cấp được.
Cũng trong buổi làm việc, vị đại điện T-Mart cho hay, "hai siêu thị mà tạp chí phản ánh không thuộc quản lý của T-Mart. Về mặt pháp lý bên mình không liên quan đến cửa hàng này, 02 cơ sở T-Mart nói trên không thuộc quyền sở hữu kinh doanh của T-Mart. Hiện bên T-Mart đã nhượng quyền cho 02 đơn vị cá nhân thuê lại thương hiệu Tmart để kinh doanh”.
Vấn đề đặt ra là, ông Thành nói "không thuộc quyền sở hữu kinh doanh" thì cơ sở gì mà trước đó ông xác nhận "Chúng tôi ghi nhận các thông tin phản ánh trong bài báo rất kịp thời và đã cho tiến hành rà soát lại những vấn đề trên"; và thừa nhận có việc hàng hoá bày bán là không có tem nhãn phụ, hạn sử dụng… được bày bán trong siêu thị mà người tiêu dùng phản ánh. “Đúng ra tất cả sản phẩm trong siêu thị, bắt buộc phải niêm yết tem nhãn trên hàng hoá để người tiêu dùng người ta nhận biết sản phẩm đó thuộc nhà cung cấp nào, nguồn gốc ra sao?”. Không thuộc quyền sở hữu kinh doanh, sao ông lại tiến hành rà soát họ?
Trước câu hỏi T-Mart “nhượng quyền” thương hiệu sử dụng có hợp đồng chuyển nhượng hay điều khoản sử dụng kinh doanh gì không? Ông Lê Thành thông tin: "T-Mart nhượng quyền có đầy đủ hợp đồng, các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ theo quy định của hợp đồng, niêm yết giá,…" Phóng viên cần giấy tờ rõ ràng việc chuyển nhượng nhưng ông Thành không cung cấp. Vậy, với cách trả lời như vậy, người tiêu dùng có tin tưởng khi mua hàng ở hệ thống siêu thị T-Mart?.
Qua đây, người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, cứ “nhượng quyền” là T-Mart bỏ hết trách nhiệm, không liên quan đến vấn đề nguồn gốc hàng hoá, chất lượng của sản phẩm đến tay người tiêu dùng? T-Mart có dần đánh mất niềm tin đối với người tiêu dùng khi để xảy ra tình trạng này hay không?
“Sau khi xảy ra tình trạng nói trên, đơn vị đã gọi điện thoại đến 02 cơ sở nói trên để xác minh sự việc, chứ bên T-Mart vẫn chưa có buổi làm việc trực tiếp với 02 cơ sở này”, ông Thành nói. Như vậy, sau khi nhận được phản ánh của người tiêu dùng, phía T-Mart mới chỉ làm việc qua điện thoại, chưa đi kiểm tra cũng như có buổi làm việc trực tiếp với 02 cơ sở nói trên? Có hay không việc, T-Mart bỏ mặc cho “số phận” về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm của thương hiệu này! Có phải cứ “nhượng quyền” là xong?
Tiếp đó ông Thành cho biết, hộ kinh doanh cửa hàng T-Mart số 184 Đại Từ thuộc quyền sở hữu của bà Lê Bích Ngọc và cửa hàng T-Mart số 247 Khương Đình do bà Nguyễn Thị Huê đứng tên trên pháp lý. Theo tìm hiểu của PV, đây không phải lần đầu tiên cơ sở siêu thị T-Mart số 247 Khương Đình để xảy ra vấn đề về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bán trong siêu thị tên T-Mart.
Tuy nhiên, theo PV phản ánh trước đó, 02 cửa hàng mang thương hiệu T-Mart 02 số 184 đường Đại Từ, quận Hoàng Mai và số 247 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân bày bán nhiều hàng hoá sản phẩm không có tem nhãn, hạn sử dụng, nguồn gốc không rõ ràng. Phải chăng, T-Mart đã quá dễ dãi khi “nhượng quyền” thương hiệu để sử dụng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nguồn hàng? Bên cạnh đó, người tiêu dùng có khi yên tâm mua đồ, sử dụng sản phẩm tại siêu thị lớn T-Mart nhưng, chất lượng không rõ ràng, nguồn gốc không kiểm soát?.
Như vậy, qua sự việc trên, người tiêu dùng hoang mang, đặt ra câu hỏi: Trong số hơn 80 hệ thống siêu thị T-Mart hiện có trên cả nước, T-Mart đã nhượng bao nhiêu siêu thị và đâu là cửa hàng chính của T-Mart. Trong số cửa hàng T-Mart đã nhượng quyền kia, thì vấn đề nguồn gốc hàng hoá có đảm bảo hay không? Phía bên T-Mart kiểm soát chất lượng hàng hoá ra sao? Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng rởm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Khi có sự cố xảy ra, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?...
Người tiêu dùng xử trí thế nào với hàng hóa “5 không”?
Trước đó, như Thương hiệu & Công luận đã thông tin về việc kinh doanh siêu thị T-Mart cơ sở T-Mart số 184 đường Đại Từ, quận Hoàng Mai và số 247 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân có nhiều hoạt động sai phạm như: bán hàng không có tem nhãn, không hạn sử dụng, không tem nhãn phụ Tiếng Việt, mập mờ nguồn gốc xuất xứ…
Cụ thể, tại cơ sở T-Mart số 184 đường Đại Từ và cơ sở T-Mart số 247 phường Khương Đình bày bán nhiều sản phẩm, thực phẩm như: Tôm, cá, thịt, ruốc, nem… không có tem nhãn thể hiện tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng…Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài không dán tem nhãn phụ tiếng Việt.
Đáng nói, cơ sở T-Mart số 247 phường Khương Đình, bày bán nem không có hạn sử dụng. Nhân viên bán hàng của cơ sở này nói rằng: “Nem bên em làm từ hôm qua”. Khi được hỏi, nem này được sử dụng trong bao lâu thì nhân viên bán hàng trả lời: “Nem này bên em tự làm nên không có hạn sử dụng”. Qua đó, người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, việc cơ sở này tự làm thực phẩm, đồ ăn nhanh đã được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay chưa? Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng hay chưa? Lý do gì, những sản phẩm được bày bán trong hệ thống siêu thị lớn, được qua các khẩu kiểm định chất lượng rõ ràng mà lại không có tem nhãn?
Việc bày bán các sản phẩm hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các thực phẩm liên quan đến ăn uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ thậm chí là cả tính mạng của người tiêu dùng.
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử phạt như thế nào?
Liên quan vấn đề nêu trên, luật sư Nguyễn Phú Thắng - Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo quy định của pháp luật tại Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ – CP, ngày 19/11/2015 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy loại hình kinh doanh nào cũng đều phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Đối với trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, pháp luật quy định hình thức xử phạt từ 200.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, người vận chuyển phải xuất trình hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nêu trên đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế…
Ngoài ra hành vi kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, sử dụng... hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng vi phạm đó. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Trước thực trạng trên người tiêu dùng đặt ra câu hỏi với một hệ thống siêu thị có hơn 80 cơ sở trên địa trên cả nước hiện có, phải chăng Công ty cổ phần T-martstores đang vì lợi nhuận mà quên đi quyền lợi chính đáng của khách hàng?
Trước vi phạm về tem nhãn, tem nhãn phụ số lượng lớn và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ tại siêu thị T-Mart trên địa bàn TP. Hà Nội, đề nghị Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xác minh, xử lý sai phạm để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng, khách hàng.
Trên tinh thần bảo vệ người tiêu dùng, Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục xác minh sự việc trên, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra.