Qua công tác nắm địa bàn, ngày 26/1, Công an phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại nhà số 945/8 Nguyễn Ảnh Thủ, Tổ 1, Khu phố 8, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, do Ninh Thiện Thạch (SN 1993, HKTT tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) thuê làm nơi ở và làm nơi kinh doanh hàng hóa trên mạng.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện Ninh Thiện Thạch đang kinh doanh hàng hóa là nón bảo hiểm có gắn tem hợp quy chuẩn, cụm logo, đuôi da, nhãn giấy và khóa có biểu tượng giống nhãn hiệu “Nón Sơn”.
Hàng hóa gồm hàng trăm thùng carton nón bảo hiểm, chất đầy 3 tầng lầu của căn nhà.
|
|
TP HCM: Phát hiện kho hàng giả Nón Sơn số lượng lớn |
Lực lượng kiểm tra yêu cầu Thạch cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc đối với số hàng nói trên, nhưng Thạch không xuất rình được. Thạch đã thừa nhận toàn bộ số hàng nói trên được mua lại của một đơn vị sản xuất khác để về kinh doanh mua bán qua mạng xã hội để kiếm lời.
Đáng nói hơn, MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn của Thạch được "phủ khắp" các ứng dụng mua bán hàng online như: Zalo, Shoppee, Lazada- những kênh mua sắm rất được người tiêu dùng tin tưởng. Do trực tiếp lấy hàng rồi bán qua mạng nên Thạch không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ gì chứng minh nguồn gốc sản phẩm hợp pháp. Việc mua bán MBH của Thạch cũng không có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Vì số lượng nón bảo hiểm tại hiện trường quá nhiều nên đến chiều cùng ngày tổ công tác mới kiểm đếm được số MBH trên lên đến gần 4.200 cái.
Đại diện công ty Nón Sơn khẳng định, tất cả số hàng bị tạm giữ đều là hàng giả.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Nón Sơn, đây là vụ việc đầu tiên trong năm 2021 cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm giả. Số lượng hàng giả hơn 4.000 sản phẩm là rất “khủng”.
“Hàng giả được làm tinh vi gần giống 100% hàng thật. Chỉ là hàng này kém chất lượng khi chỉ chế từ nhựa phế phẩm, không có chức năng bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng” - ông Tý nói.
Có thể nói thời điểm cận Tết, đó là cơ hội để hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng... tung hoành trên thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của các đơn vị thực thi, những trường hợp bán qua mạng xã hội rất khó kiểm soát.
Đại diện Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân là do các đối tượng giao dịch mua bán trên trang thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Facebook, Youtube... đăng ký thông tin không chính xác, không xác định được nơi chứa trữ hàng hóa nên việc kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm trong kinh doanh mạng xã hội gặp nhiều khó khăn.