leftcenterrightdel
 Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định về khái niệm "hàng xách tay". 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nghị định 98/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

Một trong những hoạt động thương mại rất phổ biến hiện nay đó chính là kinh doanh hàng hóa xách tay. Tuy nhiên, xét về vấn đề pháp lý, liệu các cơ sở kinh doanh hàng xách tay có đang làm đúng luật?

leftcenterrightdel
Luật sư Vũ Quang Bá, Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.  


Trả lời PV Đời sống & Pháp luật nhằm giải quyết thắc mắc của nhiều độc giả về vấn đề trên, luật sư Vũ Quang Bá, Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định về khái niệm "hàng xách tay". Tuy nhiên, trên thực tế có thể hiểu hàng xách tay là hàng hóa do những cá nhân mua trực tiếp từ nước ngoài mang và mang về Việt Nam qua đường hàng không, biển, sắt…

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hàng hóa quy định nếu không thuộc trường hợp được miễn thuế khi mang hàng hóa từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải làm thủ tục hải quan và phải nộp thuế theo quy định. Đối với cá nhân, sẽ có định mức hành lý nhập cảnh được miễn thuế, nếu hành lý nhập cảnh vượt quá định mức miễn thuế thì phần vượt này được coi là hàng hóa nhập khẩu, phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hóa nhập khẩu, pháp luật về thuế.

Ví dụ: Về miễn thuế đối với hành lý của người nhập cảnh, theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP có quy định hàng hóa không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện, được miễn thuế nếu có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng.

Như vậy, nếu hàng hóa xách tay không thuộc trường hợp được miễn thuế nhưng được nhập cảnh vào Việt Nam không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan, không đảm bảo hóa đơn, chứng từ theo quy định…sẽ thuộc một trong các trường hợp được xem là hàng hóa nhập lậu được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Theo đó, tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định rõ: “Hàng hóa nhập lậu gồm: Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn...”

Thực tế, việc xác định hàng hóa nhập lậu mà Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu trên không phải quy định mới, mà trước đó đã quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Về mức xử phạt vi phạm hành chính, trước đó Nghị định 185/2013/NĐ-CP đã quy định rõ mức phạt tối đa đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu lên tới 100 triệu đồng. Nghị định 98/2020/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15/10/2020) thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP, không đưa ra mức xử phạt tiền mới mà vẫn giữ nguyên mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm.

Theo đó, đối với các hành vi liên quan hàng hóa nhập lậu bao gồm:hành vi kinh doanh, trực tiếp nhập lậu, cố ý vận chuyển, cố ý tàng trữ và cố ý giao nhận hàng nhập lậu đều bị xử phạt.

Mức xử phạt sẽ căn cứ vào giá trị hàng nhập lậu. Đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, mức phạt tiền tối đa đến 50 triệu đồng nếu hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Trường hợp, người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt nêu trên.

Như vậy, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan… (hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm có thể lên đến 200 triệu đồng.

"Ngoài ra, tùy từng trường hợp người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bao gồm Tịch thu tang vật, Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm và kèm theo đó, là biện pháp khắc phục hậu quả như Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm", luật sư Vũ Quang Bá nói.
Theo Đời sống & Pháp luật
Nguồn
Link bài gốc

https://www.doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/tu-15102020-nguoi-ban-hang-xach-tay-co-the-bi-phat-den-200-trieu-dong-a340518.html