Từ ngày 21 - 25/3, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) liên tục ra các quyết định xử phạt các tổ chức, cá nhân vì những vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, ngày 22/3, SSC có quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Louis Holdings (Louis Holdings) hơn 161 triệu đồng và hình thức bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 2 tháng.
Cụ thể, ngày 11/11/2021, Louis Holdings đăng ký giao dịch mua 3,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Louis Capital (TGG) nhưng sau đó đã mua hơn 4,67 triệu cổ phiếu TGG, vượt hơn 1 triệu cổ phiếu.
Louis Holdings trước đó được nhắc đến nhiều với nghi án thổi giá cổ phiếu các công ty liên quan như TGG, BII, AGM, SMT, TDH, APG... Gần đây, nhóm cổ phiếu “họ” Louis gây chú ý khi tham gia mua cổ phần tại Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại, Dịch vụ, Địa ốc Hoàng Quân (HQC).
SSC cũng có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB). HKB bị phạt 100 triệu vì không công bố và công bố trễ hạn một số tài liệu như báo cáo thường niên, báo cáo tài chính liên quan đến các năm 2019, 2020, 2021.
Cơ quan thanh tra của SSC cũng phạt Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Rạng Đông Holding, mã RDP) 170 triệu đồng. Theo SSC, Rạng Đông Holding đã báo cáo có nội dung sai lệch liên quan đến việc cập nhật lại tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Nhựa Rạng Đông Long An, không công bố thông tin theo quy định.
Tương tự, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW) bị phạt 195 triệu đồng vì công bố thông tin trễ, không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Công ty Cổ phần Kho vận Petec (mã PLO) cũng là đơn vị bị xử phạt tuần qua do không công bố thông tin đối với báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, tài liệu họp đại hội cổ đông... liên quan đến các năm 2017, 2018, 2019.
Ngoài cổ đông tổ chức, một nhà đầu tư cá nhân là bà Bùi Thị Xuân (Hà Nội) bị phạt 125 triệu đồng, do không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Cụ thể, bà Xuân mua hơn 3,18 triệu cổ phiếu SVN của Tập đoàn VEXILLA Việt Nam, dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu tăng lên 5,55 triệu (tỉ lệ sở hữu tăng từ 11,26% lên 26,43%).
Bà Xuân bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm, buộc bán cổ phiếu để giảm tỉ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm.