LTS: Những năm qua, vấn nạn quảng cáo sai sự thật luôn khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu, nhiều người tiêu dùng rơi vào tình cảnh khốn đốn. Khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang vào giai đoạn phức tạp, các sản phẩm được quảng cáo có công dụng “tiêu diệt Covid-19”, “ngăn ngừa Sars-CoV-2” hay “diệt khuẩn 99%” bỗng xuất hiện tràn ngập trên thị trường.
Không chỉ quan tâm tới vấn đề chủng loại hay giá cả, dư luận xã hội cũng có nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh chất lượng thật sự của sản phẩm trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Quá trình điều tra, Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã ghi nhận và phần nào lột trần tình trạng sản phẩm điện tử quảng cáo có tính năng diệt Covid-19, ngăn ngừa virus Sars-CoV-2, trục lợi trên nỗi sợ hãi của người bệnh.
Bài 1: Sản phẩm điện tử diệt Covid-19: Sự thật hay chiêu lừa?
Sản phẩm điện tử gắn mác “diệt Covid-19” gây sốt
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân đều lo lắng cho sức khoẻ và sự an toàn của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, họ luôn muốn tìm cho mình những sản phẩm hàng hoá có khả năng ngăn ngừa hay ít nhất là làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nắm bắt nhu cầu này, hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã cho ra đời sản phẩm ăn theo mùa dịch, phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng. Không chỉ các loại thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng… góp phần bổ sung dinh dưỡng, tăng cường đề kháng, người tiêu dùng còn có xu hướng quan tâm đặc biệt đến các sản phẩm có khả năng làm sạch môi trường không khí trong nhà, văn phòng, nơi làm việc…
Cũng từ đây, nhiều sản phẩm điện tử (ví dụ như điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, máy phun khử khuẩn, đèn chiếu sáng…) vốn rất đỗi bình thường được quảng cáo có khả năng ngăn ngừa, thậm chí tiêu diệt virus gây bệnh Covid-19 xuất hiện tràn ngập trên thị trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù dịch Covid-19 khiến hoạt động mua bán hàng hoá trực tiếp bị gián đoạn nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, đây là thời cơ “vàng” cho thương mại điện tử và các hình thức mua bán trực tuyến bùng nổ. Nhiều doanh nghiệp cũng nhanh chóng thiết lập các kênh trực tuyến để quảng bá sản phẩm điện tử của mình (qua Facebook, website, Zalo…) để thu hút người dùng.
Nhiều sản phẩm điện tử quảng cáo có khả năng tiêu diệt virus được niêm yết trên các sàn thương mại điện tử.
Trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, các sản phẩm điện tử được quảng cáo có khả năng diệt khuẩn, diệt virus (nhất là virus Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19) được nhiều người tiêu dùng tìm kiếm, rao bán với giá dao động từ 1 triệu đến hàng chục triệu đồng tuỳ thương hiệu và mẫu mã, chủng loại.
Bên cạnh công dụng cơ bản như làm giảm nấm mốc, vi khuẩn, làm thoáng khí…, không ít sản phẩm điện tử được quảng cáo có khả năng diệt khuẩn và diệt virus tới 99,9%. Đặc biệt, có những sản phẩm còn được quảng cáo khả năng “tiêu diệt virus Sars-CoV-2”, “tiêu diệt Covid-19”.
Cũng vì tin vào những lời quảng cáo “có cánh” này, nhiều người tiêu dùng đã mua các sản phẩm điện tử với hy vọng có thể bảo vệ bản thân và gia đình khỏi sự lây nhiễm của Covid-19. Vậy những sản phẩm điện tử hiện nay trên thị trường có khả năng tiêu diệt virus Sars-CoV-2, tiêu diệt Covid-19 như quảng cáo hay không? Khi sử dụng sản phẩm này, người tiêu dùng có thực sự được đảm bảo an toàn?
Một phần sự thật hé lộ
Trong lúc có không ít người tiêu dùng đổ xô đi mua các sản phẩm điện tử được quảng cáo có khả năng tiêu diệt Covid-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) bất ngờ đăng tải thông tin khuyến cáo một số sản phẩm được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa và diệt virus Corona, Covid-19, Sars-Cov-2.
Thông tin từ Cục CT&BVNTD nêu rõ, cơ quan này đã tiến hành rà soát và thu thập, đánh giá một số thông tin về sản phẩm đồ điện gia dụng (như điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, máy phun khử khuẩn, đèn chiếu sáng…
Trong đó, có các sản phẩm như Máy điều hòa không khí sử dụng Công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ ScentAir ION của Công ty Cổ phần Appliancz Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ Airocide của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ; Máy lọc không khí Blueair Health Protect của Công ty TNHH ASH Việt Nam; Quạt khử trùng Philips Disinfection Air Cleaner của Công ty TNHH Tích hợp công nghệ In Situ; Máy phun khử trùng, diệt khuẩn Covid Nano của Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng...
Qua rà soát, đánh giá, Cục CT&VNTD nhận thấy nội dung thông tin liên quan đến công dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus Covid-19 của các doanh nghiệp này chủ yếu căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm thực hiện trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm (chất liệu, diện tích, thể tích, độ ẩm không khí, nhiệt độ không khí bị kiểm soát và một số điều kiện đặc biệt khác), chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế.
Thông tin quảng cáo về máy điều hòa không khí sử dụng Công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam.
Tuy nhiên, nội dung thông tin về sản phẩm trên không nêu hoặc nêu không rõ ràng về các vấn đề hạn chế này, chẳng hạn như thông tin ghi chú không đầy đủ, không rõ ràng hoặc quá nhỏ không thể đọc được trên hình ảnh giới thiệu sản phẩm hoặc chạy quá nhanh không thể đọc kịp trên video clip giới thiệu sản phẩm;
Thông tin diệt, ức chế hay ngăn ngừa virus đưa ra trên cơ sở kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm, trong khi những điều kiện hạn chế của phòng thí nghiệm không được nêu rõ hoặc không tương xứng so với điều kiện sử dụng thực tế; Sản phẩm không liên quan đến Covid-19 nhưng được đặt tên và thông tin về chức năng liên quan đến Covid-19 như CV19, diệt virus (không nêu rõ có phải vius Covid-19 hay không)…
Cục CT&BVNTD đánh giá, việc đưa thông tin về tác dụng ngăn ngừa, ức chế và tiêu diệt virus Covid-19, Sars-Cov-2 của các sản phẩm như nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.
Cục CT&BVNTD đã cảnh báo và yêu cầu các đơn vị trên rà soát và chỉnh sửa các nội dung cung cấp thông tin về sản phẩm để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua các sản phẩm có công dụng liên quan đến chức năng ngăn ngừa hoặc diệt Covid-19.
Sau khi thông tin khuyến cáo của Cục CT&BVNTD được đăng tải, không ít người tiêu dùng bày tỏ hoài nghi về tính chân thực trong những nội dung quảng cáo của các doanh nghiệp về khả năng tiêu diệt virus Sars-CoV-2, tiêu diệt Covid-19 của các sản phẩm điện tử mà họ sản xuất, phân phối.
Nhiều người thậm chí còn đặt nghi vấn về việc có hay không trường hợp doanh nghiệp lợi dụng dịch Covid-19 để cố tình quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm để nâng cao giá trị nhằm trục lợi bất chính? Ngoài các doanh nghiệp đã được nêu tên, còn những doanh nghiệp nào có hành vi tương tự? Người tiêu dùng cần phải làm gì để nhận biết và bảo vệ chính mình khỏi các thông tin quảng cáo sai sự thật?
Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu từng sản phẩm cũng như hé mở về "chiêu bài" của các doanh nghiệp nói trên...
(Còn nữa)