Gần đây, ASEAN Reports đưa bản đồ 5G Đông Nam Á ra với bạn đọc. Trong đó, Thái Lan là quốc gia có độ phủ 5G lớn nhất Đông Nam Á. Nhiều người Việt Nam vào “cà khịa” ViettelVNPT như: Tại sao nói đi tắt đón đầu mà giờ xếp áp chót? Cứ gáy tự lực 5G mà tự lực kiểu gì mà chỉ có vài nơi có? Tụt hậu gần cuối Đông Nam Á mà cứ tự hào.

Nhưng họ quên rằng bản chất Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác là đi mua công nghệ, thiết bị từ Huawei, còn Việt Nam là “cây nhà lá vườn” dựa trên sự hợp tác với các hãng châu Âu. Đi mua và “ốp mác” thì bao giờ cũng dễ, tự làm mới khó. Chính vì cái sự “tự làm” đó, của Viettel, VNPT… mà người Việt Nam sau này sẽ an tâm về không gian mạng, bảo mật được thông tin cá nhân và đảm bảo an ninh mạng quốc gia. 

Họ chỉ nhìn tấm bản đồ, và rồi phát xét sự nỗ lực của những doanh nghiệp hàng đầu. Từ một quốc gia gần bét bảng Đông Nam Á về công nghệ viễn thông, giờ đây Việt Nam đã sở hữu Viettel đứng đầu Đông Nam Á, giá trị thương hiệu của Viettel bằng tất cả các doanh nghiệp viễn thông Thái Lan cộng lại.

Vinamilk Tân Hiệp Phát là hai doanh nghiệp sản xuất sữa, đồ uống lớn vào hàng bậc nhất Việt Nam. Họ sống rất khỏe trước những gã khổng lồ từ bên ngoài, như CocaCola, Pepsico, Nestle… Thực tế, hai doanh nghiệp này cũng từng bị “đánh” bởi truyền thông bẩn. Vinamilk thì bị tờ Giáo Dục Việt Nam vu khống, bịa đặt về chương trình Sữa Học Đường, còn Tân Hiệp Phát thì có vụ “con ruồi”... 

Bao nhiêu năm kinh doanh ở Việt Nam, các hãng đồ uống nước ngoài vẫn “báo lỗ” và dính bê bối “trốn thuế”, còn những hãng Việt Nam kể trên liên tục lọt vào danh sách những doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất. Nếu các hãng đồ uống Việt Nam sụp đổ? Thì ai mới là người hưởng lợi nhất? Không phải là doanh nghiệp nước ngoài thì là gì.

Câu chuyện Vsmart mới đây, cũng lại là câu chuyện lặp đi lặp lại, người Việt luôn cố gắng tìm cách dìm hàng thương hiệu Việt. 

Cuộc chơi smartphone là một cuộc chơi vô cùng khốc liệt mà nhiều gã khổng lồ cũng phải rời đi, như LG, Sony, HTC, Nokia, Blackberry… một gã khổng lồ có tiềm lực cực lớn như Google cũng phải “nhìn trước ngó sau” khi bước vào thị trường. Đứng trước việc một thương hiệu Việt có chỗ đứng nhất định phải tạm dừng hoạt động, thật lạ kỳ là người Việt lại tỏ ra vui mừng, bày tỏ sự sung sướng… Lạ nhỉ? Tại sao lại như vậy? 

LG đóng cửa mảng smartphone, tập trung cho mảng TV, điện gia dụng và thiết bị lưu trữ năng lượng. Người Hàn nói rằng họ sẽ nhiệt liệt ủng hộ Samsung trong mảng smartphone, vì đó là niềm tự hào còn lại của người Hàn trước người Mỹ - với Apple, và người Trung Quốc - với Xiaomi, Huawei, Oppo, Vivo. Những gã to đầu khác, như Panasonic, Toshiba, cũng tuyên bố dần đóng các mảng kinh doanh TV của họ tại quốc tế vì thua lỗ và thị phần giảm sút nghiêm trọng. Và thái độ của người Nhật, qua tờ Japan Times, viết rằng các hãng này vẫn có doanh thu TV tốt tại Nhật Bản, vì người Nhật luôn ủng hộ hàng Nhật dù thực tế họ phải nhận định rằng những hàng này đã dần thụt lùi so với thế giới. 

Người Hàn có hả hê khi LG đóng mảng smartphone không? Không. Người Nhật có hả hê khi Panasonic, Toshiba phải “bán mình” không? Không. Người Trung Quốc có hả hê khi Huawei bị Mỹ “dập” không? Không. Người Đài Loan có hả hê khi HTC “sụp đổ” không? Không. 

Có một bình luận chua chát mình đọc trong J2 Team: “Có lẽ người Việt nên dừng việc làm hàng Việt, cứ nhập hàng ngoại cho rồi. Cứ sản phẩm nào cũng vùi dập thì ai mà thở cho nổi”. 

Nếu là hàng kém chất lượng thì không nói làm gì, nhưng với ngay cả những thương hiệu Việt sản xuất ra những món đồ thực sự chất lượng, họ vẫn dành "cả thanh xuân của mình để ném đá". Các bạn còn nhớ về câu chuyện Flappy Bird chứ?

Thực chất, Vinsmart "lùi" nhằm bổ trợ cho Vinfast - trọng tâm là ngành công nghiệp ô tô, một cuộc chơi lớn sòng phẳng với các hãng lớn trên thế giới. Vinsmart sẽ tập trung về "chế biến" phần mềm cho Vinfast, bản chất Vinsmart chỉ thay đổi, chứ không hề mất đi. Vì thế, việc chúng ta bi quan, xem ra là một câu chuyện hơi tếu và bi quan quá. 

Người Việt luôn ca thán về câu chuyện “Việt Nam đếch làm được cái gì ra hồn”, nhưng khi những người khác - cũng là người Việt, làm được một cái gì đó ra hồn, ra tấm ra món, thì họ lại lao vào ném đá, chỉ trích… Không ai nói rằng mua hàng Việt mới là yêu nước, nhưng chí ít ra thì hãy dành cho họ sự động viên. Sự động viên đó có thể không giúp họ “quay trở lại”, nhưng chí ít là khiến cho những người khác, dám làm và dám dấn thân.

Chúng ta đã lớn hơn nhiều, nhưng xem ra nhiều người Việt vẫn mãi "bé" và không chịu lớn! 

Không mua hàng Việt không có nghĩa là không yêu nước. Nhưng mong muốn doanh nghiệp Việt sụp đổ, chắc chắn là không yêu nước rồi. 

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả, không đại diện cho quan điểm của BQT diễn đàn

Nguồn
Link bài gốc