Hiện tại, để đo lường và đưa ra con số về phạm vi di chuyển của 1 chiếc xe điện, các nhà sản xuất ô tô trên thế giới dựa vào 1 trong 3 tiêu chuẩn thử nghiệm. Chúng bao gồm Chu kỳ Lái xe Mới của Châu Âu (New European Driving Cycle - NEDC), Quy trình kiểm tra xe hạng nhẹ trên toàn thế giới (Worldwide Harmonised Light Vehicle Test Procedure - WLTP) và bài kiểm tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency - EPA).

NEDC và WLTP đều là tiêu chuẩn của Châu Âu, trong khi bài kiểm tra EPA dành cho xe được bán ra ở Mỹ. Mỗi quốc gia có một bộ quy trình kiểm tra riêng biệt. Nhìn chung, NEDC được coi là tiêu chuẩn kém chính xác nhất trong 3 loại nêu trên, trong khi bài kiểm tra EPA đưa ra kết quả gần đúng nhất so với những gì mà người dùng trải nghiệm trong điều kiện vận hành thực tế.
 
Tại sao lại có sự khác biệt khi đánh giá phạm vi hoạt động xe ở châu Âu và Mỹ?
Vf-e34-pham-vi-tinhte-1.JPG
Trên thực tế, khác biệt cơ bản giữa tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ đến từ việc các cơ quan muốn tập trung vào giai đoạn nào khi 1 người dùng điều khiển xe để phục vụ cho nhu cầu đi lại của họ. NEDC và WLTP tập trung chủ yếu vào việc đi lại trong thành thị và ngoại ô để đạt được ước tính của họ vì đó là kiểu lái xe phản ánh thói quen và điều kiện của hầu hết người dùng tại châu Âu. EPA nhấn mạnh việc lái xe trên đường cao tốc vì người Mỹ dành nhiều thời gian hơn trên những con đường liên bang, để đi làm hoặc là đi du lịch dã ngoại.
NEDC so với WLTP: Cái nào chính xác hơn?

Ở Châu Âu, NEDC được thành lập vào những năm 1980 và được cập nhật lần cuối vào năm 1997. Ngoài việc cũ và lỗi thời, chu trình thử nghiệm này được đánh giá là có độ tin cậy kém hơn vì cách tiếp cận dựa trên những bài test thực hiện trong phòng thí nghiệm nhằm thu thập dữ liệu trong điều kiện lý tưởng, thay vì các thử nghiệm thực tế hơn để phản ánh điều kiện vận hành trong đời thực.

Trong khi đó, quy trình WLTP được giới thiệu vào năm 2017, đang dần thay thế phương pháp của NEDC. Quy trình WLTP bao gồm những thử nghiệm thực tế hơn, mô phỏng tốt hơn điều kiện chạy xe trên đường thật. Mặc dù cùng đưa ra các ước tính về phạm vi hoạt động của 1 chiếc xe điện, thế nhưng để đưa ra số liệu chính xác hơn, WLTP có một số cải tiến nhất định so với quy trình NEDC.

Ví dụ: WLTP chuyển từ việc test dựa trên 1 chu kỳ duy nhất là 20 phút sang 1 chu kỳ biến thiên kéo dài 30 phút. Chu kỳ thử nghiệm này tăng gấp đôi quãng đường và số lượng các giai đoạn trong hành trình, đồng thời mang đến sự cân bằng hơn giữa thói quen lái xe trong đô thị và ngoài đô thị.

Vf-e34-pham-vi-tinhte-2.JPG

WLTP cũng tiên hành kiểm tra các phương tiện ở tốc độ cao hơn, các điểm chuyển số khác nhau và điều kiện nhiệt độ thực tế hơn so với NEDC. Tốc độ trung bình mà WLTP thực hiện để test xe là 47 km/h, trong khi đó tốc độ trung bình mà NEDC test là 34 km/h. Ngoài ra, WLTP cũng áp dụng các vận tốc khác nhau tuỳ vào từng xe, trong khi NEDC thì như nhau đối với tất cả. Bên cạnh đó, WLTP sẽ bao gồm 52% mô phỏng việc chạy trong đô thị, 48% ở ngoại ô, trong khi tỷ lệ này đối với NEDC là 66% và 34%. Thời gian dừng cũng giảm xuống từ 24% hành trình, xuống 13%.

Những “nâng cấp” này giúp cho WLTP chính xác hơn, với ước tính phạm vi hoạt động của xe điện chỉ cao hơn khoảng 10% so với những gì người dùng ở châu Âu thực tế trải nghiệm. Để so sánh, số liệu của NEDC “lý tưởng” hơn so với con số thực tế khoảng 25-30%, theo báo cáo của J.D. Power. J.D.Power là một công ty phân tích dữ liệu và tình báo người tiêu dùng của Mỹ được thành lập vào năm 1968 bởi James David Power III.

Còn theo 1 ví dụ khác được đăng tải trên website của hãng Renault, nếu 1 chiếc xe điện có phạm vi hoạt động 400 km theo công bố của NEDC thì đối với tiêu chuẩn WLTP, con số này có thể chỉ còn 300 km.
EPA đánh giá phạm vi hoạt động của xe điện thế nào?
Vf-e34-pham-vi-tinhte-3.JPG

Ở Mỹ, quy trình kiểm tra EPA khắt khe hơn NEDC và WLTP, giúp cho kết quả đánh giá của họ phản ánh tốt hơn phạm vi hoạt động thực tế của xe. Trong giai đoạn tiền sản xuất, các hãng xe sẽ thực hiện các bài kiểm tra riêng của họ, báo cáo số liệu cho EPA, sau đó EPA sẽ tiến hành thử nghiệm lại tại các phòng thí nghiệm của họ rồi cuối cùng là đưa ra chứng nhận về phạm vi hoạt động của một mẫu xe nào đó.

Đối với xe điện, EPA thường sẽ sử dụng 1 quy trình kiểm tra bao gồm nhiều chu kỳ khác nhau, với bước đầu tiên là sạc đầy pin của xe sau đó cho nó đậu yên 1 chỗ qua đêm. Ngày hôm sau, EPA sẽ đặt chiếc xe lên 1 chiếc bàn chạy (dynamometer). Lúc này, người ta sẽ thiết lập cho chiếc xe chạy với các điều kiện khác nhau, mô phỏng việc chạy xe trong thành phố, trên cao tốc…cho tới khi pin của xe hoàn toàn cạn kiệt. Sau khi tiến hành lại bài test này 1 lần nữa, EPA sẽ đưa ra ước tính phạm vi hoạt động của xe điện.

Tới đây, chắc “kiến thức” về các tiêu chuẩn đánh giá phạm vi hoạt động xe điện của anh em cũng đã được củng cố phần nào. Chắc chắn rằng trong điều kiện thực tế, việc tiêu hao pin của xe phụ thuộc rất nhiều vào cách mà bạn lái, bạn đạp ga lên từ từ hay đạp thốc ga rồi thắng gấp, rồi còn điều kiện đường xá, các trang bị tuỳ chọn trên xe. Tuy nhiên ở góc độ lý thuyết, con số 285 km theo tiêu chuẩn NEDC mà Vinfast VF e34 đạt được cho thấy trong điều kiện vận hành thực tế, xe có lẽ sẽ chạy được khoảng 228 km nếu ước tính của NEDC lý tưởng hơn thực tế khoảng 25%.