Nước có thể khiến ô tô bị hư hỏng nặng. Các phương tiện di chuyển trên đường ngập lụt thường bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là khoang máy. Nước mưa có thể vào xi-lanh động cơ và làm hỏng hệ thống điện. Đồng thời, ngập nước có thể "tàn phá" nội thất của xe, dẫn đến ẩm mốc và ăn mòn.
Không giống với ô tô truyền thống, hệ thống truyền động của xe điện (EV) lại được chế tạo theo cách khác. Theo MotorTrend, xe điện cũng không thể chạy qua vùng ngập nước vì nhiều lý do khác nhau.
Ô tô điện tạo ra một dòng điện rất nhiều ampe để cung cấp đủ năng lượng cho hệ thống truyền động. Đặc biệt là những mẫu xe điện cao cấp hiện nay, sử dụng động cơ có công suất lớn sẽ cần lượng lớn điện năng.
Xe điện Tesla Model 3 đang thử nghiệm đi qua vùng nước sâu tại Trung Quốc (Ảnh:Insideevs).
Vì thế không nên lái xe qua đường ngập lụt nặng bằng ô tô điện. Trên thực tế, nó có thể còn nguy hiểm hơn việc một chiếc xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch khi vượt qua đường ngập lụt nặng.
Nếu một chiếc xe điện bị ngập nước, sẽ cực kỳ nguy hiểm cho những người ngồi trong xe. Do xe điện lưu trữ một lượng lớn điện năng cung cấp cho trục truyền động. Vì thế, lái xe điện qua một đoạn đường ngập lụt có thể khiến người ngồi trên xe bị điện giật nghiêm trọng.
Trên thế giới, xe điện thường có hệ thống bảo vệ chống xâm nhập đối với các thiết bị điện theo tiêu chuẩn IP65-IP67, tùy thuộc vào loại xe. IP (Ingress Protection) đại diện cho sự bảo vệ khỏi hai yếu tố: bụi và nước. Chỉ số càng cao, khả năng chống bụi và nước càng tốt.
IP65 có mức độ bảo vệ khỏi các tia nước phun trực tiếp ở áp suất thấp (vòi nước đường kính 6,3 mm) từ bất cứ góc độ nào. IP66 có mức bảo vệ cao hơn, trước tia nước phun trực tiếp ở áp lực cao hơn (vòi nước đường kính 12,5 mm) và cũng từ bất cứ góc độ nào.
IP67 lại cho phép xe ngâm ở mức nước cao tới một mét trong tối đa 30 phút mà không bị ảnh hưởng tới hệ thống.
Với mẫu ôtô điện e34 của hãng xe Việt VinFast, thông tin trên website của hãng cho thấy xe có mức độ bảo vệ IP67. Thông số này cũng giống mẫu xe điện Mỹ là Tesla Model 3 hay một số mẫu xe điện khác như MG ZS EV hay Hyundai Kona EV.
Thế hệ ô tô điện hiện tại có xếp hạng là IP67. Đây là định mức cần thiết cho các thiết bị chuyên dụng như trong tàu ngầm. Điều này cho phép ô tô điện có thể lội qua khoảng 3 ft (0,91 mét) nước trong 30 phút mà không có nguy cơ rò rỉ vào các chi tiết của xe như pin hay các bộ phận điện áp cao.
Một chuyên gia ô tô cho biết, pin lithium trên xe điện dễ bắt lửa và tạo ra nhiệt lượng lớn khi tiếp xúc với nước, nhưng các tế bào pin thường rất kín do được bảo vệ bởi hệ thống chống xâm nhập. Nhưng các dây dẫn điện có thể bị thấm nước và ăn mòn tiềm ẩn nguy cơ chập điện.
Đồng thời, bảng mạch điện tử cũng có thể bị ăn mòn, dù không gây thiệt hại ban đầu, tuổi thọ của các linh kiện này sẽ bị giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, nước có thể ngấm vào trong thảm, ghế ngồi và các bộ phận khác trong khoang nội thất tạo một môi trường tốt để nấm mốc phát triển, trở thành mối nguy hại cho đường hô hấp.
Vì vậy, không thể chủ quan khi lái một chiếc xe điện, vì xe điện không phải một chiếc thuyền, tức nó không được thiết kế để bơi. Các tài xế luôn được khuyến cáo không nên lái xe qua khu vực ngập nước vì rất nhiều lý do, đặc biệt khi mực nước có thể dâng cao thêm khiến xe không thể di chuyển, thậm chí bị cuốn trôi và người trong xe có thể nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, rất khó để xác định độ sâu của khu vực nước ngập, nên không thể chắc chắn mức nước có thuộc giới hạn an toàn của xe hay không.
Kết luận rằng, dù xe điện có thể di chuyển qua đường ngập lụt khá sâu (0,91 mét), song người dùng nên tránh đi qua những khu vực trên để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như hạn chế làm giảm hỏng hóc, tuổi thọ ô tô điện./.