Một trong những thiết bị y tế được nhiều người lùng mua trong đợt dịch là máy đo SpO2. Đây là thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay.

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 1.

Thiết bị nhỏ gọn này hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp bệnh nhân COVID-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường

Cũng vì lý do này, từ đầu năm 2021 đến nay, nhu cầu mua máy đo SpO2 của người dân tăng cao đột biến.

Kinh nghiệm tìm mua máy đo SpO2: Nhất định đừng ham rẻ

Trước khi đi vào review sản phẩm máy đo SpO2, có một điều phải khẳng định rằng quá trình tìm mua sản phẩm trên mạng khá là gian nan, tưởng dễ nhưng không dễ.

Nắm bắt được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng, trên thị trường có rất nhiều tổ chức, cá nhân nhận cung cấp các thiết bị SpO2. Tuy nhiên, trong số đó có không ít sản phẩm "lởm", đánh vào tâm lý lo sợ dịch bệnh COVID-19 của người mua để trục lợi.

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 2.

Trên các hội nhóm Facebook và các trang thương mại điện tử, máy đo SpO2 được rao bán tràn lan với đủ mẫu mã, giá cả dao động từ chục nghìn đồng tới vài triệu đồng

Dù có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị giá rẻ thường không có tên thương hiệu mà chỉ được gọi chung chung Oximeter, hoặc thương hiệu lạ, nhái theo các thương hiệu uy tín khác.

Với mức giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng, những thiết bị này thường dùng cảm biến chất lượng kém, thậm chí chỉ là một vi mạch điện tử được cài sẵn các thông số ngẫu nhiên kèm màn hình và đèn LED để đánh lừa người dùng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), để an tâm, người dùng nên mua các thiết bị đo SpO2 có thương hiệu, giá bán ít nhất từ 400.000 đến 500.000 đồng. Không nên mua thiết bị giá rẻ bởi khả năng cao cho kết quả không chính xác, sai số lớn.

Đúc kết từ trải nghiệm bản thân khi tìm mua máy đo SpO2, lời khuyên cho bạn là hãy tìm đến các nhà thuốc lớn cũng như những đơn vị kinh doanh thiết bị y tế uy tín để được tư vấn và chọn mua được sản phẩm chất lượng.

Những lưu ý khi sử dụng máy đo SpO2

SpO2 là viết tắt của cụm từ "Saturation of peripheral oxygen" – "độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi". Hiểu một cách khác, SpO2 là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu. Hemoglobin là một protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu, quyết định màu đỏ của hồng cầu.

Chỉ số SpO2 có thể được đo bằng phép đo xung - một phương pháp gián tiếp, không xâm lấn. Thiết bị đo SpO2 hoạt động bằng cách phát ra và tự hấp thu một làn sóng ánh sáng đi qua các mạch máu hoặc mao mạch trong đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc dái tai. Sự thay đổi của sóng ánh sáng xuyên qua ngón tay, ngón chân hoặc dái tai sẽ cho biết kết quả của phép đo SpO2 vì mức độ oxy bão hòa gây ra các biến đổi về màu sắc của máu.

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 4.
 

Những lưu ý khi sử dụng thiết bị đo SpO2 (Ảnh: HCDC)

Giá trị SpO2 bình thường dao động ở mức 95% - 100%. Nếu giá trị SpO2 xuống dưới 95%, đây là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng thiếu oxy máu. Các nghiên cứu chứng minh rằng chỉ số SpO2 từ 95% trở lên là bình thường, đảm bảo an toàn.

Thang đo chỉ số SpO2 tiêu chuẩn ở người bình thường không có bệnh nền như sau:

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 5.
 

SpO2 dao động từ 97 đến 100% cho thấy chỉ số oxy trong máu tốt

- SpO2 từ 97 đến 100%: Chỉ số oxy trong máu tốt.

- SpO2 từ 94 đến 96%: Chỉ số oxy trong máu trung bình, cần theo dõi, kiểm tra tìm nguyên nhân và cân nhắc việc sử dụng oxy.

- SpO2 từ 90% đến 93%: Chỉ số oxy trong máu thấp, cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị sớm.

- SpO2 dưới 90%: Một trong những dấu hiệu suy hô hấp nặng cần cấp cứu.

Chỉ số SpO2 ở trẻ sơ sinh:

Ở trẻ sơ sinh, chỉ số SpO2 an toàn giống như của người lớn, đó là trên 95%. Nếu chỉ số SpO2 của trẻ giảm ở mức 90% thì cần thông báo cho y, bác sĩ để được hỗ trợ can thiệp kịp thời.

Việc sử dụng thiết bị đo SpO2 cực kỳ đơn giản nhưng bạn cũng cần lưu ý một số chi tiết vì chúng có thể dẫn đến xảy ra sai số trong quá trình thực hiện.

Theo BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người dùng trước khi dùng thiết bị đo SpO2 nên xoa ấm bàn tay, cần để cố định bàn tay lên trên mặt bàn. Khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác hơn.

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 6.
 

Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe kẹp

Đối với chị em phụ nữ, lời khuyên là nên tẩy sơn móng tay trước khi đo vì khi ngón tay đã được sơn, tín hiệu nhận biết trên đầu cặp SpO2 không chính xác nữa, nên có thể chỉ số này bị hạ dù thực tế bệnh nhân không thiếu oxy.

Ngoài sơn móng tay, một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2 như người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp, người bệnh cử động nhiều hay đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp.

* Cách đọc các thông số:‏

- Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim, hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút (beat per minute – bpm). Phạm vi đo: 0-254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-100 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).‏‏

- SpO‏‏2‏‏ sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO‏‏2‏‏. Đơn vị đo: tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 95-100%. Sai số khi đo: ± 2%.

Trải nghiệm nhanh hai máy đo SpO2

Trong bài viết này, mình sẽ thực hiện đo chỉ số SpO2 trên hai sản phẩm, một của thương hiệu Jumper có giá 1.400.000đ (xuất xứ Trung Quốc) và sản phẩm còn lại đến từ thương hiệu Chido có giá 650.000đ (xuất xứ Hong Kong, Trung Quốc).

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 7.
 

Do đều là máy đo SpO2 cầm tay nên cả hai máy đo đều có thiết kế dạng kẹp, vô cùng nhỏ gọn và dễ sử dụng. Kích thước của 2 máy cũng khá tương đồng

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 8.
 

Máy đo SpO2 có phần nhỉnh hơn về thiết kế khi trang bị màn hình sắc nét hơn, các chỉ số cũng có phần to hơn máy đo của Chido

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 9.
 

Tuy nhiên, khác biệt cũng không đáng kể và không ảnh hưởng đến trải nghiệm khi sử dụng

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 10.
 

Trước khi kẹp thiết bị đo SpO2, nên xoa ấm bàn tay trước để có được kết quả chính xác hơn. Tiếp đến, mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng trong khe kẹp

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 11.
 

Sau khi đã cố định ngón tay vào khe kẹp, hãy nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Vì khe kẹp có thiết kế để vừa khoảng 1 ngón tay và lực kẹp rất nhẹ nhàng, nên quá trình này diễn ra không hề đau đớn như trong tưởng tượng

Trải nghiệm với máy đo SpO2 của Jumper cho thấy, máy hiển thị kết quả khá nhanh chóng, chỉ chưa đến 5 giây. Trong khi đó, máy đo SpO2 của Chido lại có phần chậm hơn đôi chút.

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 12.
 

Với máy đo SpO2 của Jumper, mẫu máy này có ưu điểm là màn hình hiển thị chỉ số kỹ thuật một cách rõ ràng gồm nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, chỉ số tưới máu (PI), lượng pin. Trong đó phạm vi hiển thị gồm: Chỉ số SpO2: 35% - 99%, Tốc độ xung: 25-250bpm. Độ sai lệch khoảng ± 2% khi SpO2 trong khoảng 70% - 100%. Chúng ta cũng có thể chủ động cài đặt cảnh báo âm thanh và cài đặt giới hạn chỉ số để cảnh báo. Sau 10 giây không sử dụng, máy sẽ tự động tắt nguồn

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 13.
 

Còn với mẫu máy đo SpO2 của Chido, các thông tin cũng hiển thị chi tiết nên dễ dàng theo dõi. Trong đó gồm có chỉ số SPO2: độ bão hòa oxy trong máu; PRbpm: nhịp tim/phút; PI: chỉ số tưới máu chi. Độ sai lệch < 2% khi đo spO2 trong khoảng 70% – 99%. Trường hợp nhịp tim bất thường hoặc spO2 thấp, máy sẽ có chế độ cảnh báo. Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt màn hình.

Tạm kết

Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình? - Ảnh 15.
 

Theo dõi chặt chẽ chỉ số nồng độ oxy trong máu sẽ giúp xử trí kịp thời các biến cố và tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân

Với công dụng nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường, việc trang bị một thiết bị đo SpO2 trong gia đình để theo dõi là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tìm đến những nơi uy tín và được cấp phép để mua máy, không nên mua trôi nổi trên thị trường vì máy nhái có thể cho ra những chỉ số sai.

Ngoài ra, cần lưu ý chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Bạn cần theo dõi sát các triệu chứng khác cơ thể, khi có bất thường cần báo nhân viên y tế ngay!