Thị trường ảm đạm do dịch Covid-19
Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng dung lượng thị trường ô tô tháng 4/2020 (giai đoạn giãn cách xã hội) chỉ đạt 11.761 chiếc, giảm đến 39% so với tháng liền kề trước đó và tụt sâu 44% so với cùng kỳ năm 2019.
Sau giai đoạn giãn cách, thị trường ô tô cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, không khí ảm đạm vẫn bao trùm toàn thị trường.
|
|
Thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Tháng 5/2020, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường đạt 19.081 chiếc, tăng trở lại 62% so với tháng 4. Dù vậy, đa phần trong số đó đều là những xe được bàn giao cho khách hàng đã ký hợp đồng và xe nhập khẩu từ trước đó song bị ngăn lại bởi đợt giãn cách xã hội.
Giai đoạn nửa cuối năm, không khí trên thị trường ô tô sôi động trở lại khi các biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, tổng sức mua ô tô trên thị trường vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo báo cáo mới nhất của VAMA, tính đến hết tháng 11/2020, tổng sức ô tô trên toàn thị trường vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 248.768 chiếc.
Hàng loạt xe đổi nhà phân phối
Thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 cũng chứng kiến một hiện tượng lạ khác là rất nhiều thương hiệu theo nhau thay đổi nhà phân phối.
Ngày 13/10/2020, đại lý Rolls-Royce Motor Cars Hanoi đã chính thức dừng hoạt động đánh dấu quãng thời gian hơn 6 năm thương hiệu xe siêu sang Anh quốc có mặt tại Việt Nam.
Sau đó tròn 2 tháng, ngày 14/12/2020, Rolls-Royce đã chính thức có nhà phân phối mới là S&S Group. Nhà phân phối mới của Rolls-Royce được biết đến là hãng bán lẻ nổi tiếng của các thương hiệu thời trang, đồng hồ cao cấp và sản phẩm nghệ thuật.
Thương hiệu ô tô thứ 2 thay đổi nhà phân phối tại Việt Nam trong năm 2020 là Nissan. Cụ thể, từ ngày 1/10/2020, Nissan chính thức được phân phối bởi một cái tên hoàn toàn mới trong ngành ô tô Việt Nam là Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ô tô Việt Nam (VAD). Nhà phân phối mới của Nissan có trụ sở tại khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
|
|
Rolls-Royce đã có lựa chọn nhà phân phối mới rất nhanh sau khi đại lý cũ thông báo dừng hoạt động sau 7 năm tồn tại. Ảnh: Vietnamnet. |
Một thương hiệu thay đổi nhà phân phối đáng chú ý khác là Renault. Tương tự cách rút lui âm thầm vào năm 2017 của nhà phân phối cũ Auto Motor Việt Nam, nhà phân phối mới CT Wearnes cũng không kèn không trống đưa ra thị trường hai mẫu xe Renault Kaptur và Arkana. Cả hai mẫu xe này đều được nhập khẩu từ Nga.
CT Wearnes không phải là cái tên xa lạ trong ngành ô tô Việt Nam. Hiện tại, ngoài Renault, doanh nghiệp này cũng đang nắm quyền phân phối một số thương hiệu ô tô, xe máy khác như Bentley, Aston Martin, Lamborghini và Ducati.
Cuối cùng, một thương hiệu ô tô đình đám nữa có nhà phân phối mới là Jeep. Trước đây, thương hiệu ô tô đầy cá tính đến từ Mỹ được phân phối bởi Công ty Cổ phần Ô tô Đông Dương (IC Auto). Tuy nhiên, mức giá bán lẻ cao chót vót trong khi hệ thống phân phối và dịch vụ hậu mãi bất ổn đã đẩy thương hiệu này "về nước".
Từ giữa tháng 12/2020, Jeep bất ngờ trở lại thị trường Việt Nam thông qua nhà phân phối mới Jeep Vietnam Automobiles (JVA). Ngay sau khi trở lại, Jeep đã cho ra mắt thị trường Việt Nam các mẫu xe nổi tiếng như Wrangler và Gladiator. Giá bán lẻ của các mẫu xe này vẫn rất cao.
Giảm lệ phí trước bạ
Ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP trong đó áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Các doanh nghiệp ô tô thậm chí hỗ trợ thêm 50% lệ phí trước bạ còn lại để tạo nên gói hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho nhiều mẫu xe trên thị trường.
Với mặt hàng ô tô, lệ phí trước bạ là khoản tiền có giá trị lớn, bởi tỷ lệ thu rất cao từ 10-12% trên giá niêm yết tuỳ từng địa phương. Do đó, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đã trở thành chiếc đòn bẩy giúp các doanh nghiệp ô tô vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, do chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng với xe lắp ráp trong nước nên để có thể cạnh tranh, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng buộc phải lao vào cuộc chơi. Đa số các mẫu xe nhập khẩu đều được nhà phân phối áp dụng những nội dung khuyến mại có giá trị tương đương ít nhất 50% lệ phí trước bạ.
Có thể nói, Nghị định 70 của Chính phủ đã kích hoạt đợt khuyến mại, giảm giá lớn chưa từng thấy tại thị trường ô tô Việt Nam, kể cả so với năm 2017 thời điểm các doanh nghiệp rơi vào tình thế phải giảm giá sâu trong bối cảnh phần lớn người tiêu dùng chờ đợi mua xe theo thuế nhập khẩu 0% từ các nước nội khối ASEAN.
Xe nhập giảm tốc, xe lắp ráp băng băng "về đích"
Trái với quy luật thường thấy ở nhiều năm trước đây, thị trường ô tô Việt Nam cuối năm 2020 đang chứng kiến hiện tượng giảm tốc của xe nhập khẩu nguyên chiếc trong khi các loại xe lắp ráp trong nước băng băng về đích.
|
|
Hiện tượng giảm tốc của xe nhập khẩu tháng vừa qua cũng phản ảnh khá rõ tình hình thực tế tại thị trường ô tô Việt Nam. |
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, đã có 12.237 xe ô tô nguyên chiếc được làm đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 11/2020, đạt giá trị tương ứng 273 triê%3ḅu USD. Tháng liền trước, lượng xe nhập khẩu đạt 13.653 chiếc với trị giá 283 triệu USD.
Như vậy, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã sụt giảm 10,4% về số lượng và giảm 3,6% về giá trị so với tháng 10/2020. Đây là một hiện tượng lạ ở thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn cuối năm.
Hiện tượng giảm tốc của xe nhập khẩu tháng vừa qua cũng phản ảnh khá rõ tình hình thực tế tại thị trường ô tô Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sức nóng của nhóm ô tô lắp ráp trong nước.
Cụ thể, sản lượng bán hàng của các loại ô tô lắp ráp trong nước tháng 11/2020 đạt đến 23.509 chiếc, tăng 15% so với tháng liền trước.
Dự báo tình hình thị trường ô tô Việt Nam năm 2021 sẽ còn tiếp diễn hiện tượng giảm tốc của xe nhập khẩu trong khi xe lắp ráp trong nước tiếp tục tăng tốc mạnh mẽ.
Xe Trung Quốc ồ ạt xuất hiện
Năm 2020, người tiêu dùng Việt được chứng kiến hiện tượng ô tô Trung Quốc mới liên tục xuất hiện trên thị trường xe Việt. Khởi điểm là vào tháng 10/2020, một doanh nghiệp tại Hải Phòng bất ngờ tung ra thị trường mẫu xe BAIC Beijing X7 nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay sau đó, mẫu xe này đã tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội.
|
|
Mẫu xe Beijing X7 nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: VnEconomy |
Mẫu xe có thiết kế đẹp, bắt mắt khi pha trộn rất nhiều phong cách thiết kế từ các thương hiệu xe hạng sang như Mercedes, Land Rover hay BMW… Xe có giá bán lẻ chỉ từ khoảng 500 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng tuỳ từng phiên bản trong khi được trang bị hàng loạt những tính năng hiện đại vốn dĩ chỉ xuất hiện trên những dòng ô tô cao cấp. Chính bởi vậy, "Beijing X7" đã trở thành một trong nhưng từ khoá liên quan đến lĩnh vực ô tô được tìm kiếm nhiều nhất trên internet.
Khi Beijing X7 xuất hiện, người tiêu dùng cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những loại ô tô có xuất xứ từ Trung Quốc khác như Zotye Z8, Brilliance V7, BAIC X55…
Khi thị trường ô tô còn nhỏ bé, lượng người tiêu dùng mua xe lần đầu nhiều và đa số người dân chỉ có khả năng tài chính vừa phải thì những loại ô tô giá rẻ thường tạo được sự chú ý.
Tuy nhiên, với riêng ô tô xuất xứ từ Trung Quốc, những định kiến vẫn còn rõ nét và khó xoá bỏ. Đặc biệt là ngay ở thị trường Trung Quốc, hầu hết những mẫu xe nhập khẩu về Việt Nam đều không được ưa chuộng. Do đó, những ồn ào của ô tô Trung Quốc trong năm 2020 vừa qua cũng xem như chỉ là một "hiện tượng" trên mạng xã hội.
Giá xe và chi phí lăn bánh giảm kỷ lục
Đây được xem là hệ quả của việc người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong thời kỳ dịch bệnh. Gần như không một hãng xe nào đứng ngoài chiến dịch “giảm giá cả năm” này với nhiều hình thức khác nhau (giảm thẳng vào giá bán hoặc vào các khoản ưu đãi khác nhau). BMW X7 lập kỷ lục về giảm giá từ 7,5 tỷ đồng xuống 6,4 tỷ đồng, có nghĩa chiếc xe mới này giảm giá tới hơn 1 tỷ đồng.
Và từ 28/6 đến hết 31/12, chi phí trước bạ xe lắp ráp trong nước được hưởng gói ưu đãi của chính phủ giảm 50% so với qui định (tương đương 5-6% giá trị xe), đồng nghĩa với việc chi phí lăn bánh của nhiều mẫu xe trong 6 tháng cuối năm 2020 giảm kỷ lục. Dẫn đầu trong số này là Mercedes S450 Luxury được hưởng lợi gần 300 triệu đồng.
Ra mắt mẫu xe mới theo hình thức trực tuyến
Sự kiện lớn nhất năm của ngành ô tô là Triển lãm Vietnam Motor Show "nhờ" Covid-19 cũng đã phải dừng tổ chức khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối. Ngoài ra, hầu hết các triển lãm ô tô quốc tế lớn nhỏ trong cả năm nay cũng đều bị hủy. Các buổi ra mắt mẫu xe mới theo hình thức truyền thống cũng giảm tối đa, thay vào đó, các thương hiệu chuyển qua hình thức ra mắt trực tuyến. BMW là thương hiệu đầu tiên mở màn trào lưu này với buổi ra mắt trực tuyến 7 mẫu xe mới đúng vào ngày chấm dứt giãn cách xã hội 22/48/2020.
Hiện tượng Vios
Xe Nhật thất thế, Vinfast Fadil tăng tốc nhanh nhất thị trường, nhưng “cựu binh” Toyota Vios vẫn là hiện tượng của năm khi liên tục nắm giữ danh hiệu Xe bán chạy nhất. Trong 10 tháng của năm 2020, Vios chỉ chịu lùi về vị trí Á quân có 2 tháng (tháng 1 nhường chỗ cho Hyundai Accent, tháng 6 nhường vị trí cho Honda City). Ngôi vị Xe bán chạy nhất của năm 2020 khó có thể lọt qua cửa Vios!
Mặc dù không được đánh giá cao về cảm giác thể thao như City, nhiều công nghệ tiện ích như Accent, thế nhưng Vios được gọi đùa là “thành trì kiên cố” của Toyota suốt 10 năm qua.