Nước ta đang phát triển theo nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt. Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp là hoạt động quảng cáo.

Trong nhiều năm qua, do thị trường canh tranh vô cùng khốc liệt nên hoạt động quảng cáo đã diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, đa dạng và phong phú, đặc biệt là việc quảng cáo mỹ phẩm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm vẫn xảy ra, phổ biến là quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng nội dung đã thẩm định.

Điều đáng quan tâm ở đây là nhiều loại mỹ phẩm được “thần thánh hóa”, coi như là sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh, quảng cáo rầm rộ trên các trang website và mạng xã hội (Facebook, Zalo…) nhằm lừa gạt người tiêu dùng. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn sẵn sàng mạo danh, mượn hình ảnh cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện, cơ sở y tế để gắn vào nội dung quảng cáo hoặc nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện cho người bệnh nhằm mục đích quảng cáo mỹ phẩm.

Với những chiêu trò tinh vi như vậy, không ít người đã bỏ khá nhiều tiền mua với niềm tin sẽ chữa khỏi bệnh, nhưng kết quả nhận được là sự thất vọng. Nguy hiểm hơn, vì tin và sử dụng mỹ phẩm như thuốc nên rất nhiều bệnh nhân đã không đến cơ sở y tế để điều trị và bỏ lỡ thời điểm điều trị hiệu quả nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của bản thân.

 Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong (Tín Phong Pharma) có trụ sở tại Lô B10/ D6 khu đô thị Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội là đơn vị phân phối mỹ phẩm Esunvy.

Thực tế thực trạng trên mạng xã hội và website Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong (Tín Phong Pharma), nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, Facebook Tín Phong Pharma và một số trang Facebook, website khác còn quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Esunvy với nhiều nội dung không đúng công dụng, chất lượng thực tế của sản phẩm. 

Dù chỉ là sản phẩm dùng ngoài da nhưng một loại mỹ phẩm Esunvy được ghi nhãn và quảng cáo có khả năng "trị sẹo". Thêm vào đó, nhiều công dụng đã được "vẽ thêm" so với nhãn sản phẩm để thu hút người dùng.

Trên website esunvy.com, sản phẩm Gel trị sẹo Esunvy được quảng cáo “sở hữu công thức trị sẹo hiệu quả hàng đầu với sự kết hợp của chiết xuất hành tây tím + Allantoin + Heparin, cùng tảo đỏ giúp đẩy nhanh quá trình trị sẹo và tăng đề kháng bảo vệ da. Hiệu quả với các loại sẹo: sẹo mụn trứng cá, sẹo phì đại, sẹo lõm, sẹo lồi. Hiệu quả tối đa khi sử dụng khi bắt đầu lên da non.

Làm giảm sự hình thành sẹo từ mụn (mụn trứng cá, mụn viêm, mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ và mụn bọc), sẹo từ các vết trầy xước, vết thương do ngã, bỏng, tai nạn, súc vật cắn, phẫu thuật,… Làm mờ, làm mịn, làm phẳng vết sẹo cũ, sẹo lồi, cải thiện vẻ ngoài của sẹo lõm. Làm sáng các vết thâm do sẹo mụn và các loại sẹo khác, làm giảm vết đỏ da sau khi lành sẹo. Giúp giữ ẩm, dưỡng da, làm mềm da”. Mặc dù được quảng cáo với nhiều công dụng nhưng trên thực tế, nhãn sản phẩm này chỉ ghi công dụng “mờ sẹo, sáng da”.

Một sản phẩm khác là Sữa rửa mặt ngừa mụn Esunvy cũng được quảng cáo có công dụng “Làm sạch bụi bẩn, loại bỏ dầu thừa trên da; Giúp loại bỏ vi khuẩn gây mụn, ngăn ngừa các loại mụn: mụn trứng cá, mụn viêm, mụn cám, mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ, mụn bọc; Chăm sóc và phục hồi các thương tổn do mụn, làm mờ vết thâm, vết sẹo; Giúp cân bằng độ ẩm, duy trì độ pH ổn định tự nhiên cho da, chăm sóc da mịn màng”. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm lại chỉ ghi công dụng “sạch mụn, kháng khuẩn”. Vậy đâu mới là thông tin đúng?

Hàng loạt nội dung quảng cáo về mỹ phẩm Esunvy sai sự thật, không đúng với nội dung được cơ quan có thẩm quyền cho phép quảng cáo. 

Trong khi đó, theo Thông tư 06/2011/TT- BYT, ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Nếu đối chiếu các quy định trên có thể thấy, các hoạt động quảng cáo mỹ phẩm Esunvy trên các website, trang mạng xã hội kể trên đang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, gây hiểu lầm giữa mỹ phẩm với thuốc, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao các website và trang Facebook của Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong lại đưa ra những nội dung quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm Esunvy không đúng với công dụng, chất lượng đã công bố và được cơ quan y tế cấp phép? Vì sao các nội dung quảng cáo lại bao gồm cả những công dụng giống với thuốc chữa bệnh khiến người tiêu dùng dễ hiểu nhầm? Nếu vì tin vào quảng cáo sai sự thật và mua phải sản phẩm có chất lượng không giống thực tế, Công ty Cổ phần Dược phẩm Tín Phong có chịu trách nhiệm?

Về vấn đề này, đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế cùng vào cuộc kiểm tra và xử lý sai phạm.

Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…

Phong Lâm/VietQ

Nguồn
Link bài gốc