Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não. Chim và lợn là những ổ chứa nhiều virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên. Muỗi sẽ đốt lợn và chim hoang, mang máu chứa virus gây bệnh rồi truyền sang người. 2 loại muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp là Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Khác với muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết, loại muỗi này thường sống ở ruộng lúa nước, khu vực ao hồ và thường hoạt động vào lúc chập choạng tối.
|
|
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa hè |
Viêm não Nhật Bản có lây từ người sang người không?
Hiện các nhà khoa học chưa ghi nhận trường hợp viêm não Nhật Bản nào lây từ người sang người. Việc ăn uống hay dùng chung đồ dùng với người bệnh không làm lây viêm não Nhật Bản. Muỗi đốt là con đường duy nhất truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản, thông thường sau 5 – 15 ngày bị muỗi nhiễm virus đốt, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng của viêm não Nhật Bản.
Viêm não Nhật Bản hay xảy ra vào thời điểm nào trong năm?
Viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện ở khắp các vùng miền trên khắp đất nước. Bệnh thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở miền Nam xảy ra trong mùa mưa và đầu mùa khô. Với miền Bắc, thời điểm xảy ra dịch bệnh là cuối mùa hè và mùa Thu.
Người mắc bệnh sẽ có triệu chứng gì?
Hầu hết những người bị viêm não Nhật Bản đều không có triệu chứng gì hoặc có triệu chứng nhẹ (sốt, đau đầu) ở giai đoạn đầu. Khi bệnh chuyển nặng, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn.
|
|
Trẻ bị viêm não Nhật Bản thường bị sốt cao, đau đầu |
Để chẩn đoán viêm não Nhật Bản, các bác sĩ sẽ dựa trên dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng các xét nghiệm chuyên biệt về máu hoặc dịch tủy sống để phát hiện ra các kháng thể mà hệ thống miễn dịch tạo ra để chống lại sự lây nhiễm virus.
Viêm não Nhật Bản nguy hiểm thế nào?
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phế quản, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần và những biến chứng xuất hiện muộn như động kinh, parkinson...
Theo ước tính của các nhà khoa học có đến 30% số người mắc bệnh sẽ tử vong sau khi nhập viện, 50% số người còn sống phải chịu những di chứng nặng nề về thần kinh và vận động. Chính vì vậy, cha mẹ nên lưu ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ để nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu viêm não Nhật Bản.
Phòng bệnh viêm não Nhật Bản như thế nào?
Cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em với 3 liều cơ bản vào những thời điểm sau:
- Mũi tiêm đầu tiên: Khi trẻ được 12 tháng tuổi.
- Mũi tiêm thứ 2: Sau khi tiêm mũi đầu tiên từ 1 đến 2 tuần.
- Mũi tiêm thứ 3: Sau mũi tiêm đầu tiên tối thiểu là 1 năm.
Sau 3 mũi tiêm này, các bậc phụ huynh vẫn nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại 3 năm/lần cho đến khi trẻ 15 tuổi.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần thực hiện các biện pháp khác để phòng, chống bệnh cho con như: phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày ở những nơi nhiều muỗi, sử dụng thuốc hoặc hóa chất để diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở nơi có chuồng gia súc; khu chăn nuôi, nên đặt chuồng trại ở xa nhà, phát quang bụi rậm xung quanh, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi sinh sôi và phát triển.