1. Nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, nguồn vốn lưu động khoảng 5-7 tỷ trở lên chưa tính đòn bẩy; họ tất nhiên không phải bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày, bất chấp giãn cách. Đã gọi là chuyên nghiệp thì ôi thôi, họ rành tất cả từ pháp lý cho đến thông tin quy hoạch hạ tầng. Khẩu vị chủ yếu của nhóm này là đất ruộng, đất vườn lớn tính bằng sào với mẫu, bám vào các dự án phát triển giao thông, đô thị. Với họ thì thị trường không bao giờ nghỉ và cơ hội có ở khắp mọi nơi.
"Sau dịch đất lại tăng mạnh" đúng trong trường hợp này.
2. Nhóm nhà đầu tư bán chuyên, kinh nghiệm trên dưới 5 năm, sức mua loanh quanh 2 tỷ - 4 tỷ, mỗi năm để dành được 300tr - 600tr và thu nhập không bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhóm này có kiến thức và khả năng phân tích. Thứ tự ưu tiên khi mua BĐS lần lượt là: An toàn pháp lý, an toàn thanh khoản, rồi mới tới lợi nhuận. "Mua vất đấy vài năm". Xác suất khá cao, thứ tự ưu tiên này sẽ dẫn họ về BĐS đô thị vệ tinh quanh Sài Gòn, có các đặc điểm:
- Tiềm năng cao về phát triển kinh tế, thu hút dân cư.
- Mặt bằng giá hợp lý. Vì đã có khả năng định giá, thấy ổn họ sẽ mua mà không đắn đo nhiều.
- Pháp lý "ngay ngắn". Giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ là khúc khó, cần hạ chế rủi ro. Góp theo tiến độ không phải là điều quan tâm của nhóm người có "tiền thịt", hoặc vay ít.
- Giá trị khai thác: cho thuê, buôn bán kinh doanh được. Mặt tiền trục chính hoặc góc giao lộ đường lớn là những tài sản luôn bị rình rập vì chúng vốn dĩ không phải để bán.
- Giá trị sử dụng rõ ràng: vị trí trung tâm, khu vực được "quy hoạch" cho nhà giàu, ở sướng ơi là sướng, đi bộ đến các tiện ích. Khu phố khang trang, tiện ích tận răng là mối quan tâm hàng đầu của người dùng cuối và có tiền. Mua để đó mai mốt bán lại cho nhà giàu tương lai.
"Có thấy giảm giá gì đâu, mỗi năm lại tăng một ít" đúng với phân khúc BĐS này. Trừ khi cần tiền lớn đột xuất, nhóm này không mua mua bán bán liên tục như nhóm chuyên nghiệp. Bán xong phải kiếm chỗ khác để mua lại, mỗi lần vậy mệt lắm.
3. Nhóm nhà đầu tư mới, ít kiến thức và thiếu kinh nghiệm, tài chính yếu hơn tầm 20-30% so với nhóm số 2. Họ sẽ lang thang lên các diễn đàn BĐS để tìm hiểu; sau đó có thể tự thân vận động hoặc tìm đến những "nick có vẻ ổn", hoặc các bạn môi giới có khả năng phân tích tốt để được tư vấn.
Có lẽ con đường này xác suất cao sẽ dẫn về lựa chọn y như nhóm 2. Tại sao? Vì xét cho cùng, với tầm vốn loanh quanh 2-4 tỷ, chọn được BĐS có khả năng sinh lời tốt ở SG là rất khó. Nếu vốn mỏng hơn nữa, khoảng trên dưới 1 tỷ, lựa chọn có thể sẽ là đất ODT hoặc ONT khu dân cư (tỉnh lẻ) hiện hữu.
Nhu cầu lớn nhất của nhóm 2 và 3 là chống trượt giá, có thể đợi lâu nhưng cơ hội phải rõ ràng.
Quay lại một chút về tác động của đại dịch đến đời sống kinh tế. Trong một khảo sát hồi tháng 8-2021 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) chủ trì, chúng ta có một số thông tin sau: 62% lao động mất việc, trên 80% trong số đó có tích lũy chỉ đủ trang trải dưới 6 tháng. Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 69% phải ngưng hoạt động, 15% bị giải thể.
Trong số ít doanh nghiệp đang duy trì hoạt động, có đến quá nửa chỉ còn thoi thóp được 3 tháng nữa. Lãnh đạo thành phố dự kiến phải giữa tháng 01-2022 mới đạt được kỳ vọng mở cửa kinh tế trong "bình thường mới". Đại dịch đang khiến cả xã hội lao đao, thị trường BĐS rất khó khăn là điều hiển nhiên.
Có thể nói, do ảnh hưởng kéo dài của dịch và sự do dự chính đáng của giới đầu tư, việc tranh mua tranh bán trên diện rộng gần như là không thể xảy ra được nữa. Chuyện lướt cọc, bán chênh lúa non đất dự án, căn hộ như 2017-2019 đã là dĩ vãng xa rồi, xa lắm luôn rồi.
Có thể lắm chứ, ở đâu đó sẽ rớt giá, ở đâu đó sẽ bị tắt thanh khoản. Tuy nhiên, thị trường BĐS vốn rất rộng lớn, vẫn vận động không ngừng cùng với các hoạt động kinh tế xã hội. Vì vậy, ở đâu đó vẫn có thể tạo ra được lợi nhuận, việc của chúng ta là thích nghi với điều kiện mới.
Tóm lại, thị trường sắp tới sẽ thanh lọc nhiều, có lẽ cuộc chơi sẽ thuộc về 2 nhóm: Thạo tin và Thận trọng như trên.
(Bài viết chỉ là quan điểm cá nhân, mong phần tranh luận tẹt ga của cả nhà ạ.)
Tác giả: Ninh Ngọc Duy