Để kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác, mô hình đầu tư này được giới thiệu bằng những lời quảng cáo “có cánh” như: Tham gia đơn giản, pháp lý chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng; Được đảm bảo bằng tài sản có giá trị tương ứng, nhằm bảo tồn 100% vốn; Tạo ra dòng tiền đều đặn từ dịch vụ cho thuê phòng trọ và hệ thống kiot; Miễn nhiễm với các cơn khủng hoảng kinh tế. Đơn vị này cũng cho rằng, đây là kênh đầu tư hiệu quả và an toàn, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia trong thời gian qua với lợi nhuận lên đến 36%/năm. Sau 30 tháng nhà đầu tư được hoàn vốn đầu tư ban đầu.
Trước thông tin quảng cáo hấp dẫn nêu trên, nhiều thành viên của Cộng đồng Bất động sản đã lên tiếng về những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư.
Đặc biệt, facebook Lê Quốc Kiên đã có những phân tích đánh giá bày tỏ quan điểm của mình về mô hình này. Anh cho rằng bỏ qua bài toán tài chính, trước khi đầu tư mọi người nên tìm hiểu thêm các thông tin sau:
1. Làm sao biết được chủ đầu tư không huy động nhiều hơn 3000 phòng mà là 6000 phòng - 9000 phòng, nếu phát hiện họ huy động nhiều hơn số phòng thì họ sẽ bị chế tài gì?
2. Nếu đã có tài sản đảm bảo khác, tại sao chủ đầu tư không vay vốn ngân hàng chỉ với lợi nhuận khoảng 12%/năm, hoặc mời gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm/ các nhà đầu tư lớn với tỷ suất lợi nhuận dưới 20%/năm, mà lại đi huy động vốn 30%/năm?
3. Uy tín chủ đầu tư
Chủ đầu tư là cá nhân hay doanh nghiệp? Nếu là cá nhân thì “lý lịch”, tài sản thế nào? Nếu là doanh nghiệp thì là TNHH, cổ phần hay gì? Đã thành lập bao lâu? Vốn điều lệ & vốn pháp định bao nhiêu?
Doanh nghiệp có bị điều tiếng gì với thuế và các đối tác (các đội thi công, thợ hồ, người góp vốn,…) hay không?
4. Năng lực chủ đầu tư: Để đầu tư dự án này, chủ đầu tư thật sự góp vào bao nhiêu tiền, hay chủ đầu tư "tay không bắt giặc" bằng 100% từ tiền huy động chủ đầu tư
5. Nếu tiền lãi hàng tháng ko đủ 6 triệu đúng cam kết (như Cocobay) thì có cách nào “chế tài chủ đầu tư”?
6. Nếu tiền vốn sau 30 tháng ko nhận lại được đủ - đúng cam kết 250 triệu thì có cách nào đòi tiền chủ đầu tư?
7. Nếu nhà đầu tư muốn nhận lại vốn góp trước 30 tháng thì có được không, có bị “phạt” gì không?
8. Giá vốn 50 triệu/phòng, trừ tiền thuê đất/ mua đất và tiền "lãi non" hốt liền của chủ đầu tư thì tiền xây dựng còn 35triệu - 40triệu/phòng. Vậy với chi phí xây dựng này công trình sẽ khai thác được bao lâu trước khi đập bỏ hết (cái này chủ đầu tư nên kiếm người thân làm ngành xây dựng đến tự đánh giá, không nên hỏi chủ đầu tư)
9. Nếu dự án chẳng may xui bị phá sản thì chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm đến mức nào?
10. Trường hợp là đất thuê, nếu chủ đầu tư gặp sự cố, chủ cho thuê đất lấy lại tài sản không cho thuê nữa thì số phòng đang cho thuê thuộc về chủ đất hay thuộc về chủ đầu tư? Pháp lý nào bảo vệ 5 phòng cho thuê/suất vẫn thuộc về chủ đầu tư.
Trên đây là vài thông tin cơ bản cần tìm hiểu, chưa đề cập đến các vấn đề khác về pháp lý kinh doanh, pháp lý xây dựng, an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, chất lượng xây dựng công trình,… Như những tiền bối đi trước luôn nhắc đi đi nhắc lại "Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí, lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro cao”, chúng ta nên cân nhắc giảm bớt tính tham - lười, muốn ngồi không – không cần làm gì – vẫn kiếm được nhiều tiền.
Từ những phân tích và đánh giá ở trên có thể thấy rằng, nhà trọ chỉ phù hợp với cá nhân và đầu tư nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với “bánh vẽ” lợi nhuận mà tham gia “canh bạc” có nhiều rủi ro không kiểm soát được.