Theo thông tin được phản ánh trên Công lý, hiện có nhiều trang mạng đang rao bán các sản phẩm thuộc Dự án Hoa Phượng Residence tọa lạc tại đường Phạm Văn Đồng, P. Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng do Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28 đầu tư. Dự án này được giới thiệu có quy mô hơn 12,3 ha với 58 lô nhà phố liền kề, 62 biệt thự đơn lập, 122 lô biệt thự song lập, đất nền. Dự án vẫn đang trong quá trình triển khai nên chưa có bảng giá chính thức nhưng trên các sàn, công ty vẫn đang nhận cọc “giữ chỗ” của khách hàng. Mức cọc trung bình từ 30 – 50 triệu đồng/hợp đồng.

Dự án cũng được quảng cáo với những lời có cánh như đây là khu đô thị đồng bộ, hiện đại, có đầy đủ tiện ích, xứng tầm đẳng cấp, nhiều tiềm năng, đầu tư sinh lời cao, sắp được mở bán…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Dự án Hoa Phượng Residence (Khu đô thị mới Ngọc Xuyên) được rao bán công khai, rầm rộ. Ảnh: Công lý

Đặc biệt, điều đáng nói là tại phường Ngọc Xuyên (Đồ Sơn, Hải Phòng) hiện không có dự án Hoa Phượng Residence được thể hiện trên các văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước. Tất cả các thông tin về vị trí, quy mô, chủ đầu tư... dự án Hoa Phượng Residence đang được quảng cáo, rao bán chính là thông tin của Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Ngọc Xuyên.

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Ngọc Xuyên do Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28 là chủ đầu tư, được UBND TP. Hải Phòng ban hành Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc giao 123.862,0m2 (hơn 12,3ha) đất tại phường Ngọc Xuyên để thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, đến ngày 19/6/2020, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 1700/QĐ-UBND và ngày 5/10/2020 ban hành Quyết định số 3076 (điều chỉnh Quyết định số 1700/QĐ-UBND) chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Tài chính và UBND quận Đồ Sơn phối hợp thực hiện việc thu hồi toàn bộ hơn 12,3 ha trên do vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT quản lý.

leftcenterrightdel
 Quyết định của UBND thành phố Hải Phòng về việc thu hồi đất. Ảnh: Công lý

Như vậy có thể thấy một dự án không đủ điều kiện để tiếp tục triển khai, mở bán, không bảo đảm tính pháp lý hoặc dự án không tồn tại thì việc quảng cáo, rao bán sản phẩm, nhận “đặt cọc giữ chỗ” liệu có phải là dấu hiệu lừa đảo nhắm chiếm đoạt tài sản? Hay là một hình thức huy động vốn trá hình hay không?

Bên cạnh đó, tại sao việc quảng cáo, rao bán sản phẩm, nhận cọc tiền diễn ra rầm rộ như vậy mà các cơ quan chức năng vẫn không hay biết? Hành vi này cuối cùng sẽ được xử lý như thế nào?




Nguồn
Link bài gốc