Trong báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam quý II/2021, Bộ Xây dựng cho biết: Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội.
|
|
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều đơn vị môi giới đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khách phải đặt cọc mua nhà ở xã hội với số tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng. |
Trên thực tế, báo chí cũng từng phản ánh hiện tượng khách phải đặt cọc mua nhà ở xã hội với số tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng.
Các nhân viên môi giới dự án thường chèo kéo người mua bằng cách khẳng định phải thông qua họ thì khách hàng mới đặt cọc được suất mua và được trợ giúp làm hồ sơ đảm bảo trúng 100% mà không phải trải qua các bước bốc thăm và xét duyệt căn hộ theo quy định.
Thậm chí, để dụ khách, đội ngũ nhân viên môi giới còn đưa ra thông tin hấp dẫn là khách hàng có thể chọn được căn hộ ưng ý. Đổi lại, khách sẽ phải trả một khoản gọi là chi phí “bôi trơn”, hay chi phí “ngoại giao”. Tùy từng sàn giao dịch mà chi phí này khác nhau, dao động từ khoảng 30-150 triệu đồng.
Nhưng đáng chú ý là trong khi đó, chủ đầu tư lại khẳng định dự án chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và chưa thu bất cứ một khoản phí nào của khách hàng.
Trong báo cáo quý II/2021, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nghịch lý khi giao dịch nhà đất giảm nhưng giá vẫn có xu hướng tăng. Cụ thể, tại Hà Nội, khối lượng giao dịch bất động sản giảm 80% so với quý I/2021, còn tại TP.HCM giảm 13% so với quý trước. Thế nhưng, giá giao dịch các sản phẩm bất động sản như nhà ở, đất nền tại hầu hết các địa phương lại có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, đối với dòng sản phẩm căn hộ, giá giao dịch bình quân tại Hà Nội và TP.HCM tăng 5 - 7% so với quý I/2021.
Căn hộ chung cư trung cấp mức giá khoảng 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng/m2 vẫn là sản phẩm chủ đạo trên thị trường. Giá giao dịch căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại nhiều khu vực như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội); Quận 5, TP. Thủ Đức (TP.HCM); TP. Dĩ An (Bình Dương).
Trong khi đó, phân khúc đất nền đã từng “làm mưa làm gió” trong quý I/2021 đã hạ nhiệt trong quý II. Các đợt “sốt đất” tại Bình Phước, Hải Phòng, Đà Nẵng... đã xì hơi. Bên cạnh đó, lượng giao dịch cũng có xu hướng giảm so với quý trước.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Bộ Xây dựng vẫn đánh giá thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, thậm chí nhiều phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.