Sau khi chính quyền Đà Nẵng chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, thị trường bất động sản ở địa phương này bắt đầu hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giao dịch vẫn còn thưa thớt, mức giá chưa có sự biến động nhiều so với dịp đầu năm.
Trong lúc người bán, khách mua đang thận trọng theo dõi thì giới "cò" đất đã tung chiêu đẩy giá để kiếm hoa hồng. Theo các chuyên gia, thực trạng này tồn tại đã lâu và có nguy cơ xáo trộn giá cả thị trường.
Mánh khóe của "cò"
Nhiều ngày qua, ông Đạt (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cần tiền nên có ý định bán 2 lô đất vùng ven ở phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Đất ở trong kiệt bê tông 2,5 m nên chủ sở hữu đưa ra mức giá 1,5 tỷ đồng/lô.
Theo ông, mức giá này phù hợp với thị trường nhưng nhiều người đến xem rồi lắc đầu bỏ đi. Sau tìm hiểu, ông Đạt mới biết một số người môi giới đã rao bán đất của mình với giá 1,6 tỷ đồng/lô.
"Hôm trước có mấy chú đến xem đất rồi nói tôi chụp ảnh sổ đỏ để họ bán hộ. Sau đó, họ đăng sổ đỏ lên mạng xã hội rao bán với giá cao hơn 100 triệu mỗi lô nên người mua chê đắt", ông Đạt kể.
|
|
Thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn đóng băng. Ảnh minh họa: Nguyên Vũ. |
Lướt qua các trang mạng xã hội, tình trạng "cò đất" đăng tin rao bán đất khá phổ biến. Tuy nhiên, khi liên hệ thì phần lớn người đăng tin không phải chủ sở hữu tài sản trên mà chỉ là môi giới để kiếm hoa hồng.
Làm "cò đất" hơn 5 năm, Thành (ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) không giấu những bí quyết của mình. Người này nói khi thị trường bất động sản hoạt động trở lại, người môi giới sẽ đi tìm các lô đất mà chủ có ý định bán để làm giá.
"Sau đó, cò chụp ảnh lại giấy tờ chứng minh chủ sở hữu, đăng tin rao bán hộ. Thông thường, người môi giới sẽ đăng giá cao hơn với mức giá mà chủ đất đưa ra để hưởng chênh lệch", Thành bật mí.
Người này kể tiếp trước đây, giới "cò đất" chủ yếu đứng ra môi giới việc mua và bán.
"Tức là cò đất chỉ đóng vai trò trung gian giới thiệu cho kẻ bán, người mua. Nếu giao dịch thành công, cò đất sẽ được người bán thưởng hoa hồng 1%/giá trị lô đất", Thành kể.
Theo nhiều người đang hành nghề môi giới, cách làm trên vẫn còn tồn tại nhưng không nhiều. Hiện đa số người môi giới tự rao bán đất với giá cao hơn so với chủ sở hữu đưa ra. "Phần chênh lệnh đương nhiên sẽ do người môi giới hưởng. Nếu không bán được đất thì cũng chẳng sao", một cò đất nói thêm.
Bà Trần Thị Yến, nhân viên một công ty kinh doanh, phát triển bất động sản tại Đà Nẵng nói rằng mỗi khi thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên thì giới "cò đất" lại hoạt động rầm rộ.
Theo bà, người dân thông qua "cò" có lợi nhưng cũng nhiều phần thiệt. Người bán thông qua "cò" sẽ tìm được nhiều nguồn khách hàng hơn. Khách hàng nhờ "cò" thì có được thông tin nhiều lô đất để lựa chọn.
"Tuy nhiên, thông qua cò thì khách thường phải trả với giá cao tầm 50-100 triệu/lô. Nếu 'cò' đưa ra mức giá quá cao, không sát thực tế thì chủ sở hữu sẽ khó bán được đất", bà Yến phân tích.
Người dân nên thận trọng
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Hạnh, giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản khuyên người dân nên thận trọng khi tiến hành giao dịch bất động sản.
Nếu mọi người có nhu cầu thực sự thì nên thông qua các công ty môi giới chuyên nghiệp để tránh bị rắc rối liên quan pháp lý và mua được những lô đất đúng với giá thị trường.
"Cụ thể, nếu mua đất lẻ trong dân thì khách nên tìm đúng chủ sở hữu để giao dịch. Hai bên đồng ý thì đặt cọc, tiến hành các giao dịch dân sự tiếp theo", ông Hạnh khuyên.
|
|
Công ty DMT Group chưa được giao đất nhưng đã đăng thông tin, hình ảnh sắp mở bán. |
Còn khách mua đất dự án thì nên tìm đến những công ty có uy tín để gửi gắm niềm tin. "Điều quan trọng nhất là người mua phải tìm hiểu tính pháp lý của tài sản mà mình có ý định giao dịch. Sau đó, khách tìm hiểu giá cả thị trường rồi hãy đặt cọc, tiến hành các thủ tục liên quan", ông Hạnh nói thêm.
Vị giám đốc này cũng cảnh báo khách hàng là thời gian gần đây có tình trạng một số đơn vị, cá nhân rao bán đất khi chưa đảm bảo pháp lý.
Minh chứng là trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin Công ty Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung (DTM Group) rao bán đất nền ở khu Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Điều đáng nói, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng chưa giao đất, cho thuê đất dự án nhưng công ty này đã đăng thông tin, hình ảnh làm lễ khởi công dự án khu đô thị Phong Nam từ tháng 5/2019.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đà Nẵng khẳng định đơn vị chưa tham mưu cho UBND Đà Nẵng quyết định giao đất, cho thuê đất của dự án khu đô thị Phong Nam cho bất kỳ cá nhân, đơn vị nào.
Lãnh đạo Sở TNMT cho biết việc giao đất, cho thuê đất dự án chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất trong ranh giới dự án theo quy định tại Điều 53 Luật Đất đai năm 2013 và các quy định hiện hành.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm từ sau giai đoạn sốt đất cuối năm 2017, đầu năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng biến động theo hướng giảm giá theo từng thời điểm. Mới đây, một số thông tin cho rằng Đà Nẵng đang "rập rình" tăng giá đất là không chính xác.