Đất vàng 231 Nguyễn Trãi bỏ hoang

Khi cổ phiếu SRC của Công ty cổ phần Cao Su Sao Vàng (SRC) niêm yết trên thị trường chứng khoán, một trong những điểm hấp dẫn nhất của mã này chính là SRC  có trong tay mảnh đất vàng rộng 6,2ha tại địa chỉ 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tuy nhiên, đất vàng này không được đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh, mà tới năm 2016, SRC ký kết hợp tác với Tập đoàn Hoành Sơn để khai thác khu đất vàng này. Theo đó, một liên doanh được lập ra để xây dựng và phát triển "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn".

Liên doanh đó là Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn. Công ty thành lập năm 2016, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Hoành Sơn góp 74% (tương đương 74 tỷ đồng), SRC góp 26% (tương đương 26 tỷ đồng).

Đáng chú ý, phần vốn góp của SRC chính là nguồn vốn vay từ chính Tập đoàn Hoành Sơn. Tới năm 2017, vốn điều lệ Sao Vàng – Hoành Sơn tăng lên 500 tỷ đồng, phần vốn góp của SRC tương ứng 130 tỷ đồng. Nhiều khả năng, 130 tỷ đồng cũng là tiền mà SRC vay Hoành Sơn vì tại thời điểm 31/3/2022, SRC có một khoản phải trả trị giá 130 tỷ đồng tại Hoành Sơn.

Từ khi SRC và Hoành Sơn ký kết hợp tác tới nay đã hơn 6 năm trôi qua nhưng 231 Nguyễn Trãi vẫn bị bỏ hoang. Dự án chưa có dấu hiệu triển khai.

Một trong những nguyên nhân có thể là việc lập pháp nhân Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn có điểm “gợn”.

Cụ thể, ở phần ý kiến của kiểm toán tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của Công ty SRC, công ty Kiểm toán Nhân Tâm Việt nhấn mạnh rằng tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, Công ty chưa có kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện chuyên đề “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam”.

Biên bản họp Hội đồng quản trị số 96/BB-HĐQT ngày 19/6/2018 cho thấy SRC phải thoái vốn khỏi Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn theo quy định của pháp luật và bảo toàn vốn.

Tuy nhiên, 4 năm trôi qua, SRC vẫn chưa thực hiện thoái vốn khỏi Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn.

SRC thụt lùi cả thập kỷ

Có trong tay khu đất vàng rộng lớn 231 Nguyễn Trãi nhưng SRC đã không tận dụng được lợi thế này. Một thập niên đã trôi qua, nhà đầu tư chứng kiến đà thụt lùi thê thảm của SRC.

Trong giai đoạn 10 năm qua (2012-2021), 2015 là năm SRC đạt đỉnh lợi nhuận sau thuế với con số 74,4 tỷ đồng. 2018 là thời điểm công ty rơi xuống đáy khi chỉ lãi 12,2 tỷ đồng dù doanh thu không có nhiều biến động lớn.

Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của SRC chỉ đạt 40 tỷ đồng, giảm 33,5 tỷ đồng, tương đương 45,6% so với năm 2020 và giảm 7,5 tỷ đồng, tương đương 15,8% so với năm 2012. Điều đó có nghĩa, 10 năm trôi qua, SRC đi lùi về lợi nhuận. Doanh thu cũng giảm từ 1.094 tỷ đồng xuống 995 tỷ đồng.

Bước sang quý 1/2022, doanh thu tiếp tục đi lùi khi chỉ đạt 252 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng, tương đương 4,9% so với quý 1/2020. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại tăng 4,8 tỷ đồng, tương đương 47,5% lên 14,9 tỷ đồng.

Bên cạnh giá vốn hàng bán giảm, lợi nhuận khác đạt 3,2 tỷ đồng cũng đóng góp vào đà tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của SRC. Trong 3,2 tỷ đồng lợi nhuận khác, có 2,2 tỷ đồng đến từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.

Hiện tại, Tập đoàn Hoành Sơn đang sở hữu hơn 68,8 triệu cổ phiếu SRC. Nhờ đó, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoành Sơn đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị SRC.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/6, SRC dừng ở mức 16.900 đồng/CP, giảm 6.300 đồng/CP, tương ứng 27,2% so với đỉnh được thiết lập trong ngày 18/11/2021.

Hà Anh

 
Nguồn
Link bài gốc