Những dự án đầy “tai tiếng” ở Hà Nội

Báo cáo của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội mới đây về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn mới đây, đã chỉ đích danh nhiều dự án của Tập đoàn Hà Đô.

leftcenterrightdel
 Chân dung ông Nguyễn Trọng Thông – Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô

Trong số 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt theo quy định, Tập đoàn Hà Đô được “điểm danh” với hai dự án có quyết định chủ trương đầu tư từ hơn chục năm trước nhưng đến nay vẫn chậm trễ triển khai thực hiện.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở để bán tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (được giao đất, cho thuê đất theo Quyết định số 7625/QĐ-UBND ngày 9/11/2004) với diện tích 8.653m2. Với dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhiều lần có Kết luận thanh tra chỉ ra vi phạm, HĐND Thành phố Hà Nội kiến nghị UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng nhà ở thấp tầng.

Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô còn dự án Hado Charm Villas (trước đây là dự án Khu đô thị mới An Khánh – An Thượng) nằm trên địa bàn 2 xã An Thượng và Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội; là dự án trọng điểm, được coi động lực tăng trưởng chính của Hà Đô trong năm 2021-2022.

leftcenterrightdel
 Phần lớn diện tích tại dự án Hado Charm Villas vẫn đang để trống.

Dự án được khởi công vào năm 2008, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017. Thời điểm khởi công, dự án được quảng cáo sẽ có hàng chục tòa nhà cao tầng (30 – 40 tầng), đáp ứng nhu cầu của 10 nghìn cư dân tương lai. Tuy nhiên, đến thời hạn bàn giao, Khu đô thị này vẫn chỉ là khu đất bị bỏ hoang.

Đến năm 2018, dự án được Thành phố Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, sau đó có tên là Hado Charm Villas và sẽ không còn chung cư cao tầng, thay vào đó là khoảng hơn 500 căn biệt thự, liền kề, nhà phố.

Cuối năm 2020, sau một thời gian dài "bất động", nhiều sàn bất động sản bất ngờ rao bán các sản phẩm tại dự án này với mức giá 50 - 60 triệu đồng/m2. Mức giá này được cho là đã tăng gấp đôi so với thời điểm Hado Charm Villas mới ra mắt thị trường.

Tuy nhiên, Tập đoàn Hà Đô đã nhiều lần bị “bêu tên” sai phạm tại dự án này. Theo đề nghị của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND thành phố cần yêu cầu Tập đoàn Hà Đô hoàn thiện hồ sơ để được xem xét, thẩm định trình UBND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện tại, dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai xây dựng các ô quy hoạch liền kề và biệt thự.

Ngoài 2 dự án bị “bêu tên” trên, Hà Đô còn hai dự án gồm Khu hỗn hợp Dịch Vọng (gồm 2 tòa tháp, hỗn hợp cao cấp căn hộ - văn phòng – trung tâm thương mại) và dự án 62 Phan Đình Giót (gồm chung cư và văn phòng cho thuê) tại Hà Nội đang trong quá trình hoàn thành quy hoạch 1/500.

Còn tại Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa vào cuộc kiểm tra công trình nhà ở cao tầng C1-CT thuộc dự án này và phát hiện phần hầm xây dựng không phép với diện tích 6.177m2. Hiện tại, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng mọi hoạt động thi công tại công trình này.
leftcenterrightdel
 Hiện tại doanh nghiệp này cũng đang phải đối mặt với áp lực nợ vay quá lớn, khi nợ phải trả đã gấp 242% vốn chủ sở hữu.

Điển hình của vi phạm ?

Ngoài những dự án đang bị Hà Nội “tuýt còi”, Hà Đô Group cũng đang triển khải dự án Hado Minh Long nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức có tổng diện tích 2,71 ha với 3 tòa chung cư, 100 căn liền kề, tuy nhiên thủ tục pháp lý của dự án đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Hay như dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, tại Nha Trang, Khánh Hoà đang bị dư luận phản ứng trái chiều và cho rằng Hà Đô Goup đang “núp bóng” việc cải tạo di tích văn hóa để làm dự án bất động sản?

Cụ thể, trong tờ trình đại hội cổ đông thường niên năm 2021, HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô cho biết sẽ khởi công dự án Bảo Đại vào quý III/2021, sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.

Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại đã được triển khai 10 năm nay, qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn chưa đủ về mặt pháp lý, công trình di tích cần bảo tồn thì đang bị hư hại nghiêm trọng.

Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, thời điểm năm 2016, khi kiểm tra phát hiện chủ đầu tư thực hiện nhiều hạng mục sai giấy phép, vài công trình chưa được cấp phép, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư dừng thi công.

Năm 2017, khi dư luận lên tiếng về việc di tích lầu Bảo Đại bị doanh nghiệp "phá nát", UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện.

Đến tháng 5/2018, Sở Xây dựng Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm sai phạm nhưng chủ đầu tư không chấp hành mà vẫn cho máy móc đào bới, đổ trụ móng trong khuôn viên di tích lầu Bảo Đại.

Theo biên bản vi phạm hành chính (lần 2, tháng 5/2018) của Sở Xây dựng Khánh Hòa, chủ đầu tư Công ty Hà Đô và đơn vị thi công Công ty CP Hà Đô 1 (đều thuộc Tập đoàn Hà Đô) cho máy móc đào bới di tích danh thắng lầu Bảo Đại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.

Cụ thể, doanh nghiệp đã tự tiện đổ bê tông làm hàng loạt trụ móng để xây thêm 2 công trình khách sạn khi chưa có giấy phép, với tổng diện tích gần 800 m2. Với lỗi trên, chủ đầu tư bị phạt 40 triệu đồng.

Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được đưa vào danh mục kiểm kê di tích và UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.

Tuy nhiên, theo Sở VHTT Khánh Hòa, việc lập hồ sơ di tích lầu Bảo Đại không dễ vì nơi này đã giao cho doanh nghiệp làm dự án nhiều năm nay. Ngoài ra, 5 ngôi biệt thự cổ đã bị sửa chữa, cải tạo làm mất đi yếu tố gốc, hiện vật bị thất lạc.

Đến tháng 11/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Theo đó, ngoài 5 biệt thự hiện hữu sẽ được tôn tạo, chủ đầu tư được phép xây 35 căn biệt thự mới (giảm một căn so với quy hoạch cũ) với chiều cao tối đa 5 tầng và mật độ xây dựng gộp tại dự án gần 1,3 ha chiếm 14,5%. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, bảo tồn 5 biệt thự từ thời vua Bảo Đại phải tuân thủ quy định hiện hành.

Đáng chú ý, hơn 8.200 m2 đất ở diện "không hình thành đơn vị ở" tại dự án đã được chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ để xây 20 căn biệt thự. Khiến công luận không khỏi băn khoăn về việc chấp hành pháp luật của Hà Đô Group và việc thực thi pháp luật của chính quyền tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài việc nhiều dự án của Hà Đô Group vướng vấn đề pháp lý chưa thể triển khai để khơi thông dòng tiền. Hiện tại doanh nghiệp này cũng đang phải đối mặt với áp lực nợ vay quá lớn, khi nợ phải trả đã gấp 242% vốn chủ sở hữu.
Nguồn Tầm nhìn
Link bài gốc

https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/diem-danh-nhung-du-an-day-tai-tieng-cua-tap-doan-ha-do-109318.html