Golden Square được mời định giá?

Ngày 1/10/2020, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã có công văn gửi các doanh nghiệp thẩm định giá. VAMC muốn tìm kiếm đơn vị có kinh nghiệm và năng lực để thẩm định giá trị các khoản nợ bao gồm tài sản đảm bảo nhằm mục đích làm cơ sở cho việc mua, bán và xử lý khoản nợ.

Tài sản cần được thẩm định là quyền sử dụng đất (10.644m2) và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất Khu thương mại văn phòng Nguyễn Thái Học – Phạm Hồng Thái, phường Hải Châu 1, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
 

Đây là tài sản đảm bảo của Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số H.2025/TC ngày 23/7/2010 tại phòng công chứng số 02. Giá trị tài sản đảm bảo lúc cho vay là gần 1.095 tỷ đồng. Dư nợ gốc là gần 745 tỷ đồng. Lãi, phí lên đến 244 tỷ đồng. Tổng nợ tại thời điểm 28/9/2020 là gần 989 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, sau gần 10 năm vay nợ, Công ty Đông Á gần như chưa trả đồng lãi nào. Đây không phải điều ngạc nhiên khi Đông Á kinh doanh bết bát. Trong vài năm gần đây (2016-21019), Đông Á hoặc lãi mỏng hoặc thua lỗ. Năm 2018 và 2019 công ty lãi 21,7 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng nhưng trước đó, công ty lỗ 43,8 tỷ đồng và 43,7 tỷ đồng năm 2016 và 2017.

Với kết quả kinh doanh này, rất khó cho Đông Á để lấy lại tài sản đảm bảo có giá trị cao. Vậy tài sản đảm bảo này là dự án nào?

Thông tin về tài sản đảm bảo phù hợp với thông tin dự án Golden Square tại Đà Nẵng. Dự án Golden Square nằm ở vị trí “kim cương” với 4 mặt đường nhìn ra phố Yên Bái - Phạm Hồng Thái - Nguyễn Thái Học và Nguyễn Chí Thanh. Dự án bao gồm 3 tòa tháp cao 21 - 36 tầng với 353 phòng khách sạn và 576 căn hộ.

Dự án hoang tàn, được chuyển nhượng cho Alphanam

Golden Square được khởi công từ đầu năm 2008 bởi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á. Với tổng số vốn lên tới 1.000 tỷ đồng, đây là dự án lớn nhất tại Đà Nẵng ở thời điểm đó. Dù được hứa hẹn ra mắt trong năm 2011 nhưng sau đó Golden Square trở thành một trong những toà tháp hoang tàn “nổi tiếng” ở Đà Nẵng.

Không thể hoàn thành được dự án, Công ty Đông Á đã chuyển nhượng Golden Square cho Tập đoàn Alphanam. Thương vụ này không được tiết lộ. Chỉ biết một pháp nhân được thành lập để quản lý dự án. Đó là Công ty Cổ phần Đông Á Golden Square. Công ty được thành lập ngày 11/6/2019.

Đông Á Golden Square có 3 cổ đông. Tất cả đều liên quan đến Alphanam. Đó là Công ty Cổ phần Địa ốc Alpha nam (40% cổ phần), Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (40%) và ông Nguyễn Minh Nhật (20%). Ông Nguyễn Minh Nhật là con trai của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải đồng thời là người đại diện pháp luật của Địa ốc Alpha nam.

Việc lấy lại tài sản đảm bảo Golden Square không phải chuyện dễ dàng khi các cổ đông pháp nhân của Đông Á Golden Square đều có tình hình tài chính èo uột.

Doanh thu của Địa ốc Alphanam trải qua nhiều thăng trầm còn lợi nhuận vẫn trung thành xu hướng ít ỏi.

Cụ thể, trong năm 2016, doanh thu Địa ốc Alphanam chỉ đạt 17,9 tỷ đồng nhưng vọt lên 581 tỷ đồng và 538 tỷ đồng trong năm 2017 và 2018. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế 3 năm chỉ là con số nhỏ nhoi 353 triệu đồng, 7,3 tỷ đồng và 13,7 tỷ đồng.

“Mẹ” Tập đoàn Alphanam thậm chí còn trải qua nhiều thăng trầm hơn. Trước đây, ALP của Alphanam là một trong những cổ phiếu “hot” nhất trên thị trường OTC. Tới khi niêm yết, ALP cũng ghi được nhiều dấu ấn. Thế nhưng, chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ triền miên đã khiến ALP “rơi tự do”, rời xa mệnh giá, phải “bật bãi” khỏi sàn chứng khoán.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, lợi nhuận sau thuế trong kỳ Alphanam chỉ đạt 12,6 tỷ đồng. Đây là con số rất thấp so với khoản vốn góp chủ sở hữu 1.925 tỷ đồng. Nhưng dù sao vẫn đáng khích lệ khi cùng kỳ năm 2019, Tập đoàn vẫn lỗ 5,1 tỷ đồng.

Tập đoàn Alphanam cũng có khoản nợ vay tương đối lớn. Tại thời điểm cuối quý 3/2020, tổng nợ vay của Alphanam lên đến 1.570 tỷ đồng.

 

https://nguoimuanha.vn/golden-square-da-nang-cua-alphanam-se-bi-phat-mai-26781.html

Nguồn
Link bài gốc