Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách dự án cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố năm 2022. Trong đó có dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh số 55 đường K2, phường Cầu Diễn (Hoàng Thành Pearl) do Công ty cổ phần Chế tạo Biến thế và Vật liệu Điện Hà Nội (BTH), thành viên của Hoàng Thành Group làm chủ đầu tư.
Chủ đầu tư “lao dốc”
Hoàng Thành Pearl được phép bán nhà cho người nước ngoài trong bối cảnh chủ đầu tư BTH đang trên đà “lao dốc” lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 mới được công bố, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của BTH chỉ đạt 167 triệu đồng, giảm 3,83 tỷ đồng, tương đương 0,96% so với quý 3/2021; luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 1 tỷ đồng, giảm 5,4 tỷ đồng, tương đương 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của BTH “lao dốc” bất chấp BTH đã thoát khỏi tình trạng doanh thu 0 đồng của quý 3/2021. Dù vậy, do doanh thu tài chính giảm sâu, từ 5,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 339 triệu đồng nên kết quả là chủ đầu tư Hoàng Thành Pearl “lao dốc” về lãi.
BTH gây ngạc nhiên vì hiện tại, dự án Hoàng Thành Pearl đang được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội. Dự án gồm tòa tháp cao 30 tầng nổi (với 334 căn hộ), 3 tầng hầm với trung tâm thương mại, văn phòng, shophouse. Giá bán dao động từ 43 tới 50 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, đáng chú ý ở chỗ tại ngày 30/9/2022, chỉ tiêu hàng tồn kho của công ty được xác định là 0 đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản cơ bản dở dang dài hạn là 427 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 157 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2021.
Nợ tăng vọt, gặp khó thanh khoản
Trong quý 3, nợ phải trả tại BTH tăng vọt, tăng 308,8 tỷ đồng, tương đương 37,7 lần so với cuối năm 2021, chiếm 53,5% tổng nguồn vốn. Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn tăng vọt từ 0 đồng lên 140 tỷ đồng.
Theo định nghĩa trong kế toán “Doanh thu chưa thực hiện là doanh thu chưa thực hiện, đề cập đến các khoản thanh toán trước mà một công ty nhận được cho các sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được phân phối hoặc thực hiện trong tương lai”.
Điều đó có nghĩa 140 tỷ đồng kể trên là số tiền mà BTH đã nhận được nhưng chưa được ghi nhận là doanh thu.
Tuy nhiên, nợ tăng vọt không phải vấn đề lớn nhất tại BTH. BTH đang gặp khó về thanh khoản khi nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn hạn.
Cụ thể, tại ngày 30/9/2022, nợ ngắn hạn của BTH là 157 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 8,2 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn là 154 tỷ đồng.
Hệ số khả năng thanh toán hiện thời tại ngày 30/9/2022 của BTH là 0,98. Theo nguyên tắc kế toán, hệ số này chỉ là 0,98, nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.
Cổ phiếu “xác sống”
Cổ phiếu BTH của Công ty cổ phần Chế tạo Biến thế và Vật liệu Điện Hà Nội đang giao dịch trên sàn UpCOM nhưng không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư chứng khoán.
Trong rất nhiều phiên liên tiếp, BTH thậm chí không phát sinh giao dịch, dẫn đến thị giá “bất động” ở mức khá thấp. Vì thế, khối lượng giao dịch khớp lệnh 10 phiên gần đây chỉ là 100 đơn vị.
Hồi tháng 1/2021, trong quá trình thanh tra giai đoạn 2015-2019, cơ quan chức năng phát hiện BTH có hành vi trốn thuế, gian lận thuế do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Cụ thể, BTH bị kết luận có hành vi trốn thuế, gian lận thuế do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh khi xác định nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế còn phát hiện Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Với các hành vi trên, ngày 25/12/2020, Cục Thuế TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội số tiền 23,5 triệu đồng
Hà Anh