Ngày 22/11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 4679/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú có quy mô hơn 39,6 ha, với tổng mức đầu tư dự án (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là khoảng 2.256 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khu dân cư và thương mại dịch vụ đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; bảo đảm khớp nối về không gian kiến trúc và hạ tầng với các dự án lân cận.
Đơn vị trúng thầu dự án là liên danh Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy - Công ty Cổ phần Tasco. Đây là đơn vị duy nhất vượt qua vòng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và cũng là nhà đầu tư duy nhất được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đạt yêu cầu năng lực thực hiện dự án.
Bất ngờ ở chỗ, dù là nhà đầu tư duy nhất được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đạt yêu cầu năng lực thực hiện dự án nhưng hai pháp nhất của Liên doanh Tasco - Ngọc Sao Thủy lại khiến dư luận bất ngờ về bức tranh tài chính bê bết.
Tasco - Ngọc Sao Thủy cùng nhau thua lỗ
Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy có trụ sở tại Thanh Hoá thành lập năm 2019 do bà Tống Thị Lan làm đại diện pháp luật. Trong năm đầu tiên, quy mô Ngọc Sao Thuỷ rất nhỏ với vốn chủ sở hữu chỉ 494 triệu đồng. Tuy nhiên, tới năm 2020, vốn tại công ty bất ngờ “phi mã”, gấp 1000 lần lên 498 tỷ đồng.
Dù vốn nhỏ hay thấp, Ngọc Sao Thủy đều có một bức tranh tài chính như nhau. Đó là thua lỗ. Năm 2019, công ty chỉ lỗ 5,9 triệu đồng nhưng tới 2020, khoản thua lỗ vọt lên 995 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tasco mới khiến nhà đầu tư chú ý vì những khoản thua lỗ triền miên của mình.
Công ty Cổ phần Tasco nguyên là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971 với tên gọi là Đội cầu Nam Hà và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông với ngành nghề kinh doanh: xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, san lấp mặt bằng; xây lắp điện nước; sản xuất mua bán vật liệu xây dựng, cấu kiện bê tông đúc sẵn; xây dựng công trình điện.
Từ quý 1/2020 đến quý 3/2021, Tasco đã có 6 quý thua lỗ liên tiếp. Trước đó, trong năm 2019, Tasco cũng đã trải qua những tháng ngày lỗ thảm.
2021 là quãng thời gian khó khăn nhất của Tasco. Quý 3/2021, công ty lỗ 72,8 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng đầu năm lỗ tới 146 tỷ đồng, tăng vọt so với con số lỗ 89,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tính tới 30/9/2021, Tasco đã tích luỹ được khoản lỗ lên đến 53,4 tỷ đồng. Cùng với việc thua lỗ, Tasco đang trong tình trạng nợ cao vượt trội so với vốn. Tại thời điểm cuối quý 3/2021, nợ phải trả tại Tasco lên đến 7.028 tỷ đồng, chiếm 71,4% tổng nguồn vốn và cao gấp 2,5 vốn chủ sở hữu.
Tasco là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực BOT nhưng chưa để lại được dấu ấn trong ngành bất động sản. Tasco đã gặt hái được nhiều vinh quang với BOT. Tuy nhiên, từ năm 2018, Tasco lao dốc cũng chính tại lĩnh vực BOT.
Từ khoảng 2018, hàng loạt dự án BOT của công ty tạm dừng thu phí do vướng phải làn sóng các tài xế phản đối các BOT lan rộng trên toàn quốc cùng với lùm xùm xoay quanh các dự án bất động sản đã tác động mạnh đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc rót tiền vào hạ tầng VETC - thu phí không dừng thông minh cũng là nguyên nhân khiến Tasco "lao đao" kể từ thời điểm đó.
Tasco vẫn “tí hon” với bất động sản
Lao đao vì BOT nhưng Tasco lại chưa được bất động sản “giải cứu”. Dù đã và đang triển khai nhiều dự án nhưng nếu xét về doanh thu, Tasco vẫn là “tí hon” với bất động sản.
Tại Tasco, doanh thu từ bất động vẫn rất khiêm tốn. Trong quý 3/2021, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ là 1,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với 3,5 tỷ đồng của quý 3/2020.
Còn trong năm 2020, doanh thu từ bất động sản của công ty cũng chỉ đạt con số khiêm tốn 22,5 tỷ đồng, chỉ chiếm 29,5% tổng doanh thu. Trước đó, trong năm 2019 khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện, bất động sản cũng chỉ mang về cho Tasco 90,7 tỷ đồng doanh thu, bằng 81,9% tổng doanh thu.
Tasco bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt sai phạm
Trong văn bản Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều sai phạm trong các dự án BT đã và đang được triển khai.
dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương bị chỉ ra hàng loạt sai phạm.
Kiểm toán Nhà nước kết luận dự án lựa chọn chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Để thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, Tasco được UBND thành phố Hà Nội đối ứng cho 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).
Về việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư tại dự án này, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng chưa đúng với quy định. Bên cạnh đó, việc không quy định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT và dự án này cũng được giao đất đối ứng khi dự án BT chưa hoàn thiện.
Có thể thấy, tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt cho Liên doanh gồm một công ty thua lỗ liên tiếp kể từ khi hoạt động và một công ty có gần 10 quý thua lỗ và bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến dự án bất động sản đủ năng lực thực hiện dự án 2.400 tỷ đồng tại Thanh Hoá.
Theo Kiến thức đầu tư