Phạm Hải Anh
Cập nhật lúc, Thứ ba, 24/08/2021
Mộng mơ của người 'mua đất 200 triệu bỏ phố về rừng'
"Vợ chồng em vốn mỏng, định kiếm miếng đất nào giá khoảng 200 triệu để sau dịch về làm vườn, anh chị nào biết thì giới thiệu cho em với".
Tôi giật mình với mẩu tin rao mua đất trong một nhóm farmstay, homestay trên Facebook. Thỉnh thoảng tôi lại mấy những câu hỏi có phần quá mộng mơ như thế này.
Bản thân tôi được bố mẹ chia cho 4000 m2 đất vườn, cây trái xum xuê nhưng chưa bao giờ có ý định về đó để sống an yên, sống chậm hay làm nông để sống cả.
Tôi có một chị bạn khốn khổ vì bấm bụng mua một mảnh đất rẫy giá rẻ nhưng cách khá xa nguồn nước và khu dân cư. Chị ấy phải bỏ cuộc sớm vì nếu đầu tư hệ thống bơm, tưới nước có khi lại chiếm 1/3 số tiền mua đất, mà những tháng hạn trời nắng chang chang, vẫn không sao tìm ra nước tưới cho cây. Sau này phải nhờ chính người môi giới đó bán tháo với giá lỗ.
Nhiều người chia sẻ về quá trình về vườn sống khoẻ thế này, sống tốt ra sao...đã làm "nhiễu" suy nghĩ của người trẻ, khiến họ muốn về quê, về vườn sống. Nhưng những người đã về vườn rồi thường chỉ chia sẻ những bức tranh tươi đẹp mà thôi.
Còn mảng tối hay quá trình thực hiện, họ ít hoặc không chia sẻ. Hoặc những người có thể sống an yên khi về vườn thường có tiềm lực tài chính lớn. Họ đã có nhà ở phố, nhà ở vườn như một chỗ nghỉ mát mùa hè hoặc nghỉ ngơi cuối tuần mà thôi. Thu nhập chính của họ không phụ thuộc làm nông từ mảnh vườn.
Tôi bắt gặp khá nhiều người hỏi mua đất rẫy, đất đồi với ý định về vườn với những câu hỏi khá thơ ngây: "Vợ chồng em hiện có 200, 300 triệu, muốn tìm mua một mảnh đất...". Với số tiền 200, 300 triệu thì bạn nghĩ có mua được mảnh đất nào "tốt" để về vườn không? Người môi giới dắt bạn vào một nơi heo hút, hoang vắng đôi khi may ra mới tìm được. Và với số tiền trên, diện tích đất không thể nhiều được. Làm nhà xong, mảnh vườn là kế sinh nhai sẽ còn được bao nhiêu?
Bây giờ đang có một nghịch lý là người có sẵn đất ở quê lại không hề nghĩ đến việc về quê sống chậm hay làm nông an nhàn. Trong khi một số người tích cóp được vài trăm triệu lại ôm mộng mua vào sào đất để bỏ phố. Nhưng một điều đơn giản mà ai gốc gác làm nông cũng hiểu là dồn hết số tiền ít ỏi mua đất, rồi lấy vốn đâu sản xuất? Tiền đâu sinh sống cho những tháng chưa thu hoạch nông sản? Mà làm nông thì có phải bách phát bách trúng, hễ gieo là gặt quả, hễ gặt quả là bán được tiền đâu?
Dịch giã có thể làm cho con người cảm thấy cuộc sống ở thành thị bí bách, muốn trở về thiên nhiên ngay khi hết dịch. Nhưng thật cần tỉnh táo, không khéo bạn lại bị dụ dỗ ngon ngọt bởi những tay cò mồi đất rẫy, farmstay giống chị người quen của tôi.
Nguồn VnexpressLink bài gốchttps://vnexpress.net/mong-mo-cua-nguoi-mua-dat-200-trieu-bo-pho-ve-rung-4345182.html
Bài liên quan
"Phù thịnh không phù suy" trong đầu tư BĐS
Thành ngữ “Phù thịnh không phù suy” không biết từ bao giờ tồn tại, len lỏi… bám rễ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Lẽ thường, ám chỉ việc tát nước theo mưa, trong cuộc sống đó là việc người ta thường đi theo, phò tá người còn đang thịnh, có thanh thế, có danh vọng…nôm na là đi theo người giàu, người đang lên, không theo người nghèo, đang suy kiệt. Trong buôn bán, kinh doanh … muốn thuận lợi thì nên hợp tác với những người đanh lên, gặp thời … chứ không đi theo người thất thế ….
Đang rao bán rầm rộ, dự án 'khủng' 4.700 tỷ đồng của Địa Ốc Sông Tiên bất ngờ bị 'bêu tên' sai phạm
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Tổng cục Quản lý đất đai về việc công bố công khai các trường hợp vi phạm luật đất đai. Đáng chú ý, dự án “khủng” có quy mô lên đến 4.700 tỷ đồng của Địa Ốc Sông Tiên cũng bị “bêu tên” sai phạm.
Những ông lớn địa ốc nào đang sở hữu quỹ đất lớn ở khu vực phía Nam?
Không chỉ có trong tay quỹ đất lớn, nhiều doanh nghiệp BĐS còn tính chuyện mở rộng quỹ đất, chuyển từ mô hình doanh nghiệp quy mô nhỏ sang quy mô tầm cỡ lớn với kì vọng bứt phá về doanh thu và lợi nhuận.