Phải bán đi căn nhà từng mơ ước nhưng anh Thịnh (ngụ Tp Thủ Đức) thấy đó là một quyết định sáng suốt. Bây giờ gia đình của anh đang thuê một căn hộ chung cư với giá 7 triệu đồng mỗi tháng. Vợ chồng anh cũng không còn phải vất vả, áp lực như trước, có nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn và hạnh phúc nhất là gìn giữ được tổ ấm từng đứng trước bờ vực tan vỡ.

leftcenterrightdel
 Cân nhắc khi mua nhà quá xa chỗ làm

Anh Thịnh nhớ lại, cũng như biết bao gia đình lao động nhập cư khác ở TP.HCM, vợ chồng anh chị luôn mong ước có được cho riêng mình một căn nhà để ổn định cuộc sống. Trong suy nghĩ của cả hai vợ chồng căn nhà là tất cả, dù to dù nhỏ miễn là của riêng mình. Ông bà cũng dạy “an cư lạc nghiệp” nên chỉ cần mua được nhà thì mọi chuyện khác cũng sẽ hanh thông.

Năm 2019, Vợ chồng anh Thịnh có số tiền tích luỹ 1 tỉ đồng nhưng chẳng thấm vào đâu nếu so với giá nhà đất ở TP.HCM. “Liệu cơm gắp mắm” anh Thịnh tìm về khu vực giáp ranh của tỉnh Bình Dương với TP.HCM. Nhiều bạn bè của anh Thịnh làm việc ở TP.HCM cũng lựa chọn khu vực này để an cư nên anh khá yên tâm.

Sau vài tuần tìm kiếm, anh Thịnh được môi giới dẫn xem một căn nhà cấp bốn có diện tích 50m2 ở gần siêu thị Big C Dĩ An (Thành phố Dĩ An). Khu vực này khá phát triển, dân cư đông đúc, các tiện ích như chợ, siêu thị, trường học… cũng đảm bảo. Giá bán chủ nhà đưa ra là 1,75 tỉ đồng nhưng có thể thương lượng còn 1,7 tỉ, đất đã có sổ và ngân hàng cam kết cho vay khoảng 700 triệu đồng.

Điều lăn tăn nhất của vợ chồng anh Thịnh là quảng đường di chuyển từ đây đến chỗ làm ở TP.HCM gần 25km. Theo môi giới, thì chỉ mất chưa đến 1 tiếng để di chuyển. Trong tương lai, tuyến quốc lộ 1k và nhiều đầu mối giao thông khu vực cũng được mở rộng nên thời gian có thể rút ngắn.

Anh Thịnh không hoàn toàn tin vào môi giới, nhưng mong muốn có được căn nhà quá mạnh mẽ thúc giục anh phải mua bằng được. Cảm xúc đó khiến những khó khăn còn lại trở nên bé nhỏ và hoàn toàn có thể vượt qua.

Cuối cùng, vợ chồng anh Thịnh quyết định mua căn nhà đó với giá 1,7 tỉ đồng, trong đó 700 triệu đồng từ vốn vay ngân hàng. Từ ngày chuyển về nhà mới cảm xúc của cả hai vợ chồng rất háo hức. Họ bắt tay ngay vào việc sơn sửa, trang trí lại ngôi nhà theo ý của mình, điều mà trước đây họ chưa bao giờ làm khi ở nhà thuê. Kể từ khi có nhà, mỗi cuộc gặp gỡ bạn bè vợ chồng anh Thịnh cũng thấy ít nhiều tự hào khi nhận nhiều lời chúc mừng, khen ngợi.

Tuy nhiên, sự thăng hoa chỉ kéo dài được vài tháng ban đầu. Khoảng cách di chuyển từ nhà đến chỗ làm từ chỗ không vấn đề thì nay lại là vấn đề lớn nhất. Mỗi sáng, vợ chồng anh phải dậy từ lúc 5h để chuẩn bị cơm nước. 6h vợ anh vội vã chạy ra khỏi nhà, trong khi anh đưa bồng đứa con vẫn còn gật gà gật gù đến lớp giữ trẻ. Buổi tối, hơn 19h mới về đến nhà. Nhiều hôm mệt rã rời cả gia đình chỉ mua cơm hộp về ăn rồi đi ngủ.

“Mấy tháng đầu cái tâm lý mua được nhà nó làm mình không để ý nhưng lâu dần nó lộ ra. Điều này lại lặp đi lặp lại mỗi ngày nên càng căng thẳng”, anh Thịnh nói.

Đỉnh điểm nhất là có những hôm trời mưa lớn gây ngập, kẹt xe cục bộ. Khi cả hai vợ chồng về đến nhà thì đồng hồ đã điểm qua ngày mới. Gọi điện xin cô giáo cho con ngủ nhờ qua đêm. Vợ anh không kìm được cảm xúc khóc oà giữa đêm.
leftcenterrightdel
 

Nhà quá xa khiến công việc cũng bị ảnh hưởng. Cả hai vợ chồng thường xuyên bị trễ giờ làm. Thời gian dành cho con càng ít lại. Không khí trong gia đình dần căng thẳng. Khoản nợ phải trả ngân hàng mỗi tháng để vay mua nhà dù không quá áp lực nhưng nó lại là cái cớ khơi mào những bực bội dồn nén, làm nổ ra những cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng. Thậm chí, có thời điểm hôn nhân có nguy cơ đỗ vỡ.

Không muốn để mọi việc đi quá xa, sau nhiều lần bàn bạc vợ chồng anh Thịnh thống nhất rao bán căn nhà. May mắn, sau một năm căn nhà được mua lại với giá 1,8 tỉ đồng. Sau khi bán xong, anh Thịnh quyết định trả hết nợ nần để giảm áp lực. Số tiền hơn 1 tỉ còn lại, anh Thịnh bỏ 200 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm, 800 triệu anh dùng mua một mảnh đất ở huyện Chơn Thành, Bình Phước đầu tư chờ lên giá bán lại.

Từ khi bán nhà chuyển về ở thuê ở chung cư, nhịp sống bắt đầu dần ổn định trở lại. Cả hai vợ chồng không còn phải mất quá nhiều thời gian để đến chỗ làm mỗi ngày. Con của anh bây giờ cũng có thể ngủ thêm mỗi sáng và được đón sớm hơn vào mỗi chiều khi nhà trẻ nằm dưới chân chung cư. Mỗi tối gia đình quây quần bên mâm cơm sốt nóng do vợ anh về sớm nấu. Tinh thần tốt làm việc hiệu quả hơn và tình cảm gia đình cũng bền chặt hơn.

“Mình thấy may mắn vì đã quyết định bán nhà, nhất là trước thời điểm dịch covid – 19 bùng phát. Nếu vẫn cứ khăng khăng giữ cái nhà ấy thì có thể bây giờ mình đã mất tất cả”, anh Thịnh nói.

Bài học được anh Thịnh rút ra, có được một căn nhà là niềm mơ ước nhưng không phải là tất cả. Đặc biệt, đối với những người có thu nhập, tích luỹ chưa lớn. Nhiều người chấp nhận đi xa hơn để mua nhà thì cần chuẩn bị sẵn tâm lý với mọi khó khăn, những gì mình phải đánh đổi chứ đừng nên để cảm xúc ban đầu chi phối.

Bên cạnh đó, nếu mua nhà ở khu vực vùng ven một số môi giới sẽ vẽ ra rất nhiều dự án hạ tầng sắp được triển khai để xoá tan ái ngại về khoảng cách. Dù những dự án này có thật nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện. Người mua nên trực tiếp đi xem, nhất là vào các giờ cao điểm, kẹt xe, ngập nước để đánh giá đúng tình hình trước khi quyết định có nên mua hay không.
Nguồn Cafeland
Link bài gốc

https://cafeland.vn/tin-tuc/mua-nha-qua-xa-vo-chong-tre-cai-nhau-nhu-com-bua-phai-ban-gap-truoc-nguy-co-do-vo-gia-dinh-101113.html