Mới đây, tại BIDV chi nhánh Hà Nội, khoản nợ của Công ty Cổ phần thương mại và Đầu tư xây dựng Giao thông vận tải tiếp tục được đưa ra đấu giá lần 3. Được biết khoản nợ tính đến ngày 14/7/2021 có giá trị gần 30 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 17,2 tỷ và lãi là 12,6 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên bao gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 26 ngách 191/63 phố Khương Thượng, Phường Khương Thượng, Quận Đống Đa; Quyền sử dụng đất tại thửa đất số 32, tờ bản đồ số 6, Tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm; Quyền sử dụng đất tại địa chỉ thửa đất số 33, tờ bản đồ số 6, Tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
|
|
Nhiều bất động sản được các ngân hàng liên tục phát mại trong thời gian gần đây |
Giá khởi điểm được rao bán lần này là 13,95 tỷ đồng, chỉ được một nửa giá trị khoản nợ. Cách đây 1 tháng, khoản nợ này còn được rao bán với giá 17,2 tỷ đồng.
Một khoản nợ khác cũng được BIDV rao bán nhiều lần thời gian gần đây là của công ty TNHH may thêu Hoàng Long. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là 8 quyền sử dụng đất và nhà xưởng, nhà điều hành tại xã Khánh Hồng, Yên Khánh, Ninh Bình. Ngoài ra, khoản nợ còn được thế chấp bởi 372 máy móc thiết bị ngành may.
Trong lần thông báo đấu giá lần thứ 5, giá khởi điểm của khoản nợ còn 18,5 tỷ đồng, giảm tới 54% so với mức 40,2 tỷ đồng được chào bán vào cuối tháng 4.
Sacombank cũng đang rao bán nhiều bất động sản, trong đó nhiều tài sản đã giảm giá đáng kể. Sau hơn 1 năm, nhà băng này vẫn chưa bán đấu giá thành công 19 căn hộ thuộc dự án Xi Grand Court địa chỉ 256-258 đường Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, và đã hạ giá bán tổng cộng 6,8 tỷ đồng, trong đó từng căn giảm 500-700 triệu.
Chẳng hạn 1 căn Penthouse có diện tích 166m2 bàn giao thô được rao bán với giá 9,12 tỷ đồng, giảm 670 triệu đồng so với trước. Hay một căn 109m2 3 phòng ngủ tại toà A1 của dự án, đã hoàn thiện cơ bản được rao với giá 6 tỷ, giảm 472 triệu đồng so với trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, bất động sản phát mại, thanh lý khá hấp dẫn do mức giá mềm, thậm chí là rẻ. Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì họ lại không mặn mà, khi quan niệm của đa số người dân Việt Nam khi mua nhà là tránh những ngôi nhà mà chủ cũ làm ăn bết bát.
Với các tài sản phát mại, theo các luật sư, người mua còn gặp phải nhiều rủi ro. Thứ nhất, rủi ro phát sinh khi người mua nhà phát mại mua trực tiếp từ chủ nhà cũ , tức "con nợ" thông qua sự giới thiệu từ phía ngân hàng. Lý do vì đây là loại tài sản bị tịch biên, khi người mua làm việc trực tiếp với chủ tài sản (con nợ) nghĩa là họ đang giao dịch với người không sở hữu hoàn toàn tài sản. Nếu không nắm kỹ những thông tin này, người mua có thể gặp rắc rối và phải mất nhiều thời gian để giải quyết.
Thứ hai, người mua nhà có khả năng gặp phải các vấn đề phức tạp trong mối quan hệ 3 bên gồm chủ sở hữu tài sản, ngân hàng và người mua. Chẳng hạn như trường hợp người thi hành án không hợp tác khi bắt buộc phải bàn giao tài sản; nhiều người sau khi hoàn tất thủ tục mua nhà bán đấu giá thì bị chủ nhà cũ lật kèo không chịu bàn giao tài sản.
Cuối cùng, cơ chế luật liên quan đến việc bàn giao tài sản cho người mua trong trường hợp các bên không đồng ý sẽ được giải quyết bằng một vụ kiện khác. Dẫn đến là hậu quả là kéo dài thời gian bàn giao nhà. Trong trường hợp này, người mua sẽ là người chịu rủi ro và thiệt thòi nhất.