Căn cứ vào Điều 209 Bộ luật Dân sự 2015, sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Theo đó, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

leftcenterrightdel
 Tất cả những người cùng mua chung một thửa đất đều được đứng tên trong sổ đỏ. Ảnh minh họa: LĐO

Đồng thời, Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định:

"Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trong trường hợp nhiều người cùng mua chung một thửa đất thì tất cả đều có chung quyền sử dụng đất. Do đó, về nguyên tắc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) phải ghi đầy đủ tên của tất cả chủ sở hữu và cấp cho mỗi người 1 bản.

Trường hợp tất cả mọi người đều thống nhất và yêu cầu cấp chung thì cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện nhưng vẫn ghi đầy đủ tên của những người đồng sở hữu.

Người đại diện do bên liên quan tự thỏa thuận và người đại diện nhận sổ đỏ không có nghĩa là có nhiều quyền hơn những người khác mà quyền, nghĩa vụ sẽ tương ứng với số tiền bỏ ra khi mua thửa đất.
Nguồn Lao Động
Link bài gốc

https://laodong.vn/bat-dong-san/nhieu-nguoi-cung-mua-chung-mot-thua-dat-so-do-se-ghi-ten-ai-941958.ldo