Phạm Hoàng Hải
Cập nhật lúc, Thứ năm, 01/07/2021
Phân biệt 'đặt cọc' với 'thỏa thuận đặt cọc' mua bán bất động sản
Thực tiễn, trong giao dịch mua bán bất động sản thường được nhắc đến hai khái niệm ‘đặt cọc’ và ‘thỏa thuận đặt cọc’.
Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau mà nhiều người không phân biệt được hai khái niệm này nên dễ bị công ty bất động sản lợi dụng lừa dối, đánh tráo khái niệm… dẫn đến thiệt hại cho khách hàng.
Để mọi người hiểu rõ về vấn đề này nhằm bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của mình, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh sẽ phân biệt rõ hai khái niệm này.
1. Pháp luật điều chỉnh
Đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015; cụ thể, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không đề cập đến khái niệm thỏa thuận đặt cọc; thực tế, khái niệm này xuất hiện là do các công ty bất động sản tự ý tạo ra nhằm lách luật.
2. Tính hợp pháp
Việc các bên xác lập hợp đồng đặt cọc đúng quy định pháp luật sẽ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Đối với thỏa thuận đặt cọc do các công ty bất động sản tự ý tạo ra nhằm lách luật nên không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; do đó, nếu các bên xác lập thỏa thuận đặt cọc là vi phạm pháp luật.
3. Hậu quả pháp lý
Theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Do đó, trường hợp các bên đã xác lập hợp đồng đặt cọc thì buộc phải thực hiện, bên vi phạm sẽ bị phạt vi phạm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản không có quy định thu tiền trả trước của người mua nhà ở hình thành trong tương lai bằng hình thức thỏa thuận đặt cọc; tuy nhiên, thực tế nhiều công ty bất động sản chưa đủ điều kiện huy động vốn đã lách luật bằng việc xác lập thỏa thuận đặt cọc để thu tiền của khách hàng. Việc làm này của các công ty bất động sản là vi phạm pháp luật; do đó, khách hàng được quyền đòi công ty bất động sản trả lại khoản tiền đã nộp theo thỏa thuận đặt cọc. Nếu công ty bất động sản không chịu trả lại số tiền đã thu theo thỏa thuận đặt cọc của khách hàng thì khách hàng có quyền kiện công ty bất động sản ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu đòi lại khoản tiền này.
Nguồn CafelandLink bài gốchttps://cafeland.vn/kien-thuc/phan-biet-dat-coc-voi-thoa-thuan-dat-coc-mua-ban-bat-dong-san-100280.html