Bán ngay sau trúng đấu giá đất
Trong bối cảnh hiện nay, khi quỹ đất tại trung tâm Hà Nội ngày càng khan hiếm, các nhà đầu tư kéo nhau về vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm kiếm cơ hội. Hiện nay, khi nhu cầu đầu tư ngày càng lớn, các phiên "chợ đất" trở thành điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Mặc dù tại các phiên "chợ đất" liên tục lập đỉnh, thiết lập các mặt bằng giá mới khác nhau trong khu vực. Tuy nhiên, sau khi đấu giá đất thành công nhiều nhà đầu tư vẫn chọn sang tay ngay tại chỗ, thu về cả trăm triệu đồng.
|
|
Nhiều nhà đầu tư xem vị trí đất tại phiên đấu giá đất tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội. (ảnh Nguyễn Minh) |
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Thanh Tùng - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, trong hơn 3 năm nay, vợ chồng anh đã tham gia nhiều phiên đấu giá tại các huyện ở Hà Nội và các tỉnh xung quanh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... Sau khi đấu giá thành công, anh thường bán ngay cho người khác.
Anh Tùng chia sẻ, trong tháng 6 vừa qua tại phiên đấu giá ở Phổ Yên, Thái Nguyên, ban tổ chức đã tìm được chủ nhân cho 800 lô đất, có tới 9000 hồ sơ nộp tham dự. Không bỏ qua cơ hội, sau khi nhận được thông tin vợ chồng anh tức tốc lên Thái Nguyên để tham gia phiên "chợ đất".
"Tôi đã tham gia nhiều phiên đấu giá nhưng chưa thấy ở đâu đông người tham gia như vậy. Trước đó, tôi đến để nộp hồ sơ đấu giá 10 lô đất khác nhau. Sau 3 ngày đấu giá, tôi trúng được 4 lô đất và bán ngay cho người khác", anh Tùng nói.
Nhà đầu tư này cho biết, với mức giá khởi điểm là 5 triệu đồng/m2, tuy nhiên để mua được anh đã phải trả 11 triệu - 13 triệu đồng/m2. Sau khi đấu giá thành công, anh đã bán ngay cho nhà đầu tư khác với mức chênh lệch mỗi lô 100 triệu đồng, tổng 4 lô đất sang tay anh đã lãi 400 triệu đồng.
"Trúng lô đất nào tôi thường bán ngay tại khu đấu giá luôn. Đa phần những người mua lại đều là môi giới, số ít có những người mua để ở, do họ cũng tham gia đấu giá nhưng không trúng", anh Tùng nói.
Thu tiền chênh cả trăm triệu đồng/ lô
Theo anh Tùng, việc tham gia đấu giá rồi bán ngay vẫn an toàn hơn chuyện mua đất chờ sinh lời. Bởi, khi tham gia đấu giá người dân chỉ cần cọc từ 50 - 300 triệu đồng/lô đất, tùy từng nơi. Trong trường hợp người tham gia đấu giá không trúng thì chỉ mất tiền phí từ 200.000 - 500.000 đồng/hồ sơ. Với số vốn bỏ ra ít nhưng nhà đầu tư có thể thu về lời cao.
|
|
Nhà đầu tư sang tay lô đất trúng đấu giá ngay tại chỗ, thu lời cả trăm triệu đồng. (ảnh Nguyễn Minh) |
Chia sẻ về kinh nghiệm đấu giá đất nhà đầu tư này cho biết, trước khi đấu giá cần tham khảo giá các mảnh đất khu vực xung quanh, để cân nhắc bỏ giá. Trong trường hợp giá đấu cao hơn giá thị trường sẽ khó thanh khoản, thậm chí dẫn tới chuyện lỗ. Bên cạnh đó, tham gia đấu giá cũng nhờ tới sự may mắn, nếu nộp hồ sơ đúng vào lô đất có ít người tham gia, có thể chỉ cần trả chênh lệch từ 200.000 - 2 triệu đồng là có thể trúng.
Anh Tùng tiết lộ, từ đầu năm 2021 tới nay, anh đã tham gia 5 phiên đấu giá khác nhau và trúng 11 mảnh đất. Mỗi mảnh đất bán lại thường sẽ chênh được từ 50 triệu đồng – 200 triệu đồng, ước tính anh đã thu lãi về cả tỷ đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Cường - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, anh và một số người bạn có tham gia phiên đấu giá đất tại Mê Linh (Hà Nội). Với mức giá khởi điểm từ 10 - 16,1 triệu đồng/m2, tuy nhiên anh đã mua được 2 lô đất với mức giá lần lượt là 22 triệu đồng/m2 và 25 triệu đồng/m2.
Kết thúc phiên đấu giá, anh Cường đã sang tay ngay cho một nhà đầu tư khác tại khu đất với mức chênh lệch mỗi lô là 100 triệu đồng so với mức giá anh đấu được. Tổng 2 lô đất, anh Cường đã lãi 200 triệu đồng trong ngày.
Nhà đầu tư cho biết thêm, cuối năm 2020, anh cũng tham gia đấu giá đất tại Thanh Oai (Hà Nội). Với mức giá khởi điểm từ 5,3 - 11 triệu đồng/m2, anh Cường cũng mua được 2 lô đất với mức giá lần lượt là 22 triệu đồng/m2 và 23 triệu đồng/m2.
Theo anh Cường, sau phiên đấu giá kết thúc nhà đầu tư đã sang tay ngay cho môi giới chờ trước đó ở khu đất. Bán xong 2 lô đất tại chỗ anh đã bỏ túi ngay 360 triệu đồng.
"Tại các phiên đấu giá đều có môi giới đợi trước ở khu đất hoặc ở cổng khu đấu giá. Sau khi đấu được đất tôi thường sang tay ngay, hiếm khi có lô đất nào đẹp, nằm ở vị trí đắc địa tôi sẽ giữ lại chờ được giá cao hơn rồi bán", anh Cường nói.
Anh Cường cho biết, những người tham gia đấu giá đất đều có mục đích chung là "mua rẻ bán đắt", rất ít cho người có nhu cầu mua ở thực. Ngoài ra, nhà đầu tư này còn tiết lộ, việc tham gia đấu giá đất không phải ai cũng có thể mua được. Đa phần đều phải có thông tin mật và mối quan hệ thân thiết, nhà đầu tư mới có thể đấu giá thành công.
Lý giải về sức hút của đất đấu giá, anh Cường cho rằng, các khu đất được đem ra đấu giá đều có quy hoạch rõ ràng. Hơn nữa, đất đấu giá thường nằm ở các vị trí đắc địa, có giao thông thuận lợi và gần trường học, bệnh viện. Đặc biệt, việc ban tổ chức sẽ lo hết các thủ tục sang tên, nhà đầu tư chỉ cần nộp phí chuyển cũng là lợi thế lớn khi quy trình làm sổ hồng hiện nay của Việt Nam vẫn còn phức tạp.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn nói thêm: "Thực tế, nói là đất đấu giá dễ thanh khoản tuy nhiên còn phải xét đến yếu tố về giá. Nếu đấu với mức giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung thì sẽ gặp rủi ro lớn, không ít người bỏ giá quá cao nên phải bỏ cọc, nếu mua vào có khi thành ôm nợ".