“Ông chủ nhỏ” của Stavian Quảng Yên

Hôm rồi, thiên hạ nhớn nhác với cái tin: Công ty Cổ phần Hoá dầu Stavian Quảng Yên, UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty Cổ phần Khu Công Nghiệp Bắc Tiền Phong vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên có vốn đầu tư tới 1,5 tỷ USD.

Một hợp đồng lên tới 1,5 tỷ USD không hề là nhỏ, để có thể bỏ chừng đó tiền góp vốn phải là một đại gia thực sự. Vậy thì, Stavian Quảng Yên là "ông" nào mà tiềm lực rất đáng kể như vậy?

Cổ đông sáng lập của Stavian Quảng Yên bao gồm: Công ty cổ phần Stavian Hoá chất (sở hữu 49% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Cảng Hàng lỏng Yên Hưng (sở hữu 39% vốn) và ông Nguyễn Hồng Hiệp (sở hữu 10% vốn).

Với việc sở hữu 10% vốn Stavian Quảng Yên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp là cổ đông nhỏ nhất tại công ty này. Đồng thời, ông Hiệp cũng là cổ đông cá nhân duy nhất tại Stavian Quảng Yên.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp (Sinh năm 1973) là nhà sáng lập Công ty TNHH Gas Venus (tiền thân là Công ty TNHH MTV Gas Venus). Công ty này sở hữu nhãn hiệu Gas Venus nổi tiếng. Cùng với đó, ông Hiệp cũng nổi tiếng là một trong những thiếu gia “lừng lẫy” nhất “làng siêu xe”.

Năm 2015, doanh nhân Hiệp Gas nổi như cồn trên mạng xã hội khi đem dàn siêu xe “phơi nắng” giữa phố Hà Nội. 

Cụ thể, hồi cuối năm 2015, một dàn xe khủng đang nằm “phơi nắng” tại ngã ba giao đường Nguyễn Du và phố Liên Trì, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dàn xe gồm 1 chiếc Lamborghini Gallardo, 2 chiếc xe Lamborghini Murcielago, 2 chiếc Ferrari 458, 1 chiếc Rolls-Royce Ghost và 1 chiếc Cadillac Escalade.

Vì vậy, cái tên Hiệp “Gas” đôi khi lại nổi tiếng hơn cả Gas Venus. Từ khi Gas Venus thành lập hồi tháng 2/2011, ông Nguyễn Hồng Hiệp luôn giữ vị trí lãnh đạo cao nhất cũng như cổ đông chi phối của doanh nghiệp này, trước khi thoái vốn và nhượng lại 68,966% cổ phần Gas Venus cho ông Lê Tiến Dương vào cuối tháng 9/2021.

Gas Venus đang sở hữu một nhà máy chiết nạp gas dân dụng và công nghiệp ở Bắc Ninh cùng hai văn phòng đại diện đặt tại Hà Nội, Quảng Ninh.
Vì vậy, trong suốt thập kỷ qua, ông Hiệp là người có tầm ảnh hưởng lớn đến Gas Venus. Gas Venus nổi tiếng nên thường xuyên ghi nhận doanh thu ngàn tỷ. Thế nhưng, đáng tiếc, công ty lại chìm trong thua lỗ và nợ nần.

Thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất

Công ty Gas Venus có lĩnh vực hoạt động chính là bán buôn nhiêu liệu, rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Sau nhiều lần thay đổi địa chỉ, hiện tại, Công ty đang hoạt động tại tầng 4, tòa nhà Ladeco, số 266 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Tại ngày 14/10/2020, vốn điều lệ của Gas Venus ở mức 290 tỷ đồng. Nhưng tới cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu công ty chỉ còn 35,2 tỷ đồng. Như vậy, không loại trừ khả năng, công ty tăng vốn nhưng cổ đông lại chưa góp vào. 

Dù sở hữu lượng vốn rất nhỏ nhưng Gas Venus vẫn phát sinh doanh thu ngàn tỷ. Trong năm 2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Gas Venus đạt 3.641 tỷ đồng. Thế nhưng, công ty lại gánh thua lỗ lên đến 96,6 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên Gas Venus ghi nhận doanh thu khủng nhưng lại thua lỗ. Trong suốt 4 năm trước đó, tình trạng này liên tục diễn ra.

Từ 2016 đến 2019, doanh thu tại Gas Venus lần lượt là 2.143 tỷ đồng, 3.086 tỷ đồng, 3.262 tỷ đồng và 3.647 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, công ty thua lỗ 9,1 tỷ đồng (năm 2016), 19,2 tỷ đồng (năm 2017). Đến năm 2018, công ty xuống “đáy” khi lỗ kỷ lục hơn 158 tỷ đồng. Tới 2019, số lỗ giảm xuống 57,4 tỷ đồng.

Không chỉ đối mặt với tình cảnh thua lỗ triền miên, Gas Venus còn gánh nợ nần chồng chất. Nợ cao vượt trội so với vốn.
Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả tại Gas Venus lên đến gần 1.982 tỷ đồng, cao gấp 56,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 98,3% tổng nguồn vốn. 

Các năm trước đó, Gas Venus đã “quen” với tình trạng nợ lớn này. Tại thời điểm cuối năm 2016, 2017, 2018 và 2019, nợ phải trả của công ty đạt 857 tỷ đồng, 1.573 tỷ đồng, 1.603 tỷ đồng và 1.784 tỷ đồng.

Hà Anh 

 
Nguồn
Link bài gốc