Và điều này cũng thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trong ngành, nhà đầu tư phải rất thận trọng khi đổ tiền vào loại hình bất động sản này vì, cái gì cũng có giá của nó.
Theo phân tích của một số nhà môi giới tại Hà Nội, việc mua đất xen kẹt ẩn chứa nhiều rủi ro. Thông thường giữa người mua và người bán chỉ có thỏa thuận qua giấy viết tay khi giao dịch mua bán một mảnh đất nào đó được gọi là “xen kẹt”.
Do đó, loại kênh giao dịch này hoàn toàn không có tính pháp lý, do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính bởi vậy, việc đầu tư vào loại hình bất động sản này đã và đang ẩn chứa vô vàn những rủi ro.
Trên thực tế, nếu nhìn vào mức giá của loại hình bất động sản này, ai cũng phải thừa nhận rằng, giá rẻ hơn rất nhiều lần so với đất “chính chủ”. Đơn cử ở khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội, giá đất xen kẹt chỉ khoảng 22 triệu -23 triệu đồng/m2, trong khi đó giá thị trường đối với đất đã có sổ đỏ tại đây lên đến gấp đôi, gấp ba và hơn thế nữa.
Cụ thể nếu như đất xen kẹt được giao bán hơn 22 triệu đồng/m2 thì đất thổ cư, chính chủ lại cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần với mức giá khoảng 40 -60 triệu đồng.
Tương tự, tại nhiều nơi khác trên địa bàn TP Hà Nội, đất xen kẹt cũng đang “sốt sình sịch” bởi giá được giao bán so với các mảnh đất “có sổ” thấp hơn rất nhiều. Khảo sát của phóng viên cho thấy, đất xen kẹt ở Ngọc Trục, Đại Mỗ, Phú Diễn, Tân Mỹ, Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm) có giá 13-25 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/2 giá thị trường của những mảnh đất có đủ tính pháp lý.
Tại một số điểm thuộc khu vực Hà Đông, loại hình bất động sản này được chào bán chỉ quanh mức khoảng chục triệu đồng/m2 trong khi giá thị trường của đất thổ cư dao động từ 20-25triệu đồng/m2...
Chính bởi giá rẻ như vậy, nên không ít nhà đầu tư lao vào mua mà không lường trước được những rủi ro.
Có chủ đầu tư cho biết, đã mua một mảnh đất xen kẹt tại Gia Lâm nhiều năm nay, với ý định nếu đất lên giá sẽ “pass” ngay lập tức. Thế nhưng gần 5 năm qua, mảnh đất của vị chủ đầu tư này không bán được, vì giá không hề nhích lên. Sau đó vị chủ đầu tư mới “té ngửa” vì mảnh đất này đã nằm trong quy hoạch làm đường của địa phương.
Trường hợp của anh Nguyễn Minh T, một người dân ở Thái Hà (Hà Nội) cũng không khá hơn. Theo chia sẻ của anh T, anh đã mua một mảnh đất ở Thường Tín (Hà Nội) với giá rất dễ thở. Anh T kể, thời điểm ấy trong tay anh chỉ có đôi trăm triệu nên khi nghe về giá của mảnh đất ở đây, lại thêm thông tin sau một thời gian ngắn sẽ được làm sổ đỏ, thế nên anh T đã mua ngay vì vốn bỏ ra không nhiều.
Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, mảnh đất mà anh T mua vẫn chưa được cấp sổ đỏ và để có được cuốn sổ này trong tay, còn phải mất khá nhiều thời gian, công sức... Và như vậy, cho đến nay, anh T vẫn không thể bán được mảnh đất với giá cao hơn, số tiền đầu tư bao nhiêu năm qua vẫn chưa thấy dấu hiệu có thể... sinh lời.
Trên thực tế, giới chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng khuyến cáo về những rủi ro cho nhà đầu tư khi đổ tiền vào loại hình bất động sản này. Theo các chuyên gia, bỏ tiền vào đất xen kẹt có thể mất trắng khi không nắm rõ các thông tin liên quan đến mảnh đất đó.
Chính bởi vậy, lời khuyên giới chuyên gia dành cho người mua loại hình bất động sản này là cần phải nắm rõ, cụ thể các loại thông tin, từ thông tin nguồn gốc, giấy tờ đến những vấn đề về quy hoạch của địa phương... để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.