"Vừa không được đi làm để kiếm tiền, vừa ăn uống, điện nước, thêm chục triệu lãi ngân hàng nữa, làm sao chịu thấu đây mọi người!.." hay "Tôi là con nợ của ngân hàng, kiến nghị ngân hàng có giải pháp giảm lãi cho các cá nhân và doanh nghiệp trong giai đoạn này"... Là những chia sẻ của những người người đang gánh lãi ngân hàng, trong khi thu nhập giảm, hoặc mất việc vì dịch Covid-19 kéo dài.

"Hàng tháng em nợ hơn 15 triệu ngân hàng mua trả góp nhà, mà giờ mất việc làm, em không biết xoay sở ra sao…", đó là tâm sự của chị Vũ Thị Nh, sống tại Tp.HCM. Được biết, trước đó chị Nh có thu nhập khoảng 28 triệu đồng/tháng. Do đợt dịch Covid-19 này kéo dài, công ty chị đóng cửa, cho một số nhân viên nghỉ việc, một số chủ chốt thì làm việc online nhưng lương làm online cũng giảm 50%. Chị Nh trong số bị nghỉ việc để chờ dịch ổn lại.

"Ở nhà vừa không có việc làm, vừa đủ thứ chi phí, bao gồm lãi suất ngân hàng hàng tháng, lo lắm chị ơi…hiện tại, em đang kiếm việc bán hàng trên mạng hoặc lấy nguồn rau củ, thực phẩm về bán mùa dịch, kiếm thêm đồng thu nhập để trang trải nợ nần", chị Nh chia sẻ.

Không riêng gì chị Nh, rất nhiều tình cảnh vay nợ ngân hàng mua nhà trả góp rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" do dịch bệnh. Nhiều người mong mỏi được ngân hàng giãn thời gian thanh toán nhưng có lẽ rất khó trong lúc này. Họ phải chạy vạy, xoay sở, kiếm thêm nhiều việc tay chân khác để làm.. thế nhưng, với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, để có công việc làm thì cũng không hề dễ dàng.
leftcenterrightdel
 

Anh Kh, (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), hàng tháng phải trả gần 30 triệu tiền lãi – gốc ngân hàng do đầu tư 2 mảnh đất trong khu vực. Hiện anh Kh phải đóng cửa quán ăn do dịch Covid-19 khiến nguồn thu nhập bị giảm. Trong khi, anh vẫn phải trả tiền cho nhân viên phục vụ quán (giữ người) và các chi phí liên quan. Chia sẻ với chúng tôi, anh Kh cho biết "Tôi bắt đầu thấy "đuối" vì phải gồng lãi suất ngân hàng, trong khi không biết khi nào dịch mới ổn lại để mở quán kinh doanh".

Quả thực, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Tp.HCM đang khiến nhiều người vay ngân hàng để mua nhà, mua xe, đầu tư kinh doanh….khốn khổ vì mất việc, giảm thu nhập. Họ đang "oằn mình" để trả nợ ngân hàng trong khi miếng cơm manh áo hàng ngày vẫn phải lo toan.

Theo các chuyên gia BĐS, khi đầu tư hay mua ở thực, người mua nhà cần hết sức thận trọng trong việc dùng đòn bẩy tài chính. Đa số dành lời khuyên không nên vay quá 50% giá trị căn nhà nhưng thực tế nếu có thể chỉ nên vay 20-30% sẽ bớt gánh nặng hơn.

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, nếu dịch Covid kéo dài đến tháng 7 trong kế hoạch, thì các nhà đầu tư BĐS có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến tháng 8 - tháng 9 là một bài toán lớn, bắt đầu gây khó khăn cho khoảng 30%-40% nhà đầu tư trên thị trường. Lúc đó 4 tháng không có doanh thu, trong đó chi phí và các đợt đóng tiền bất động sản vẫn tiếp tục sẽ gây áp lực rất lớn lên 30% - 40% nhà đầu tư bất động sản.

Thứ hai, là người mua phải hạn chế vay vốn ngân hàng. Điều này là hiển nhiên - khi khó khăn thì hạn chế vay. Khi thấy các sản phẩm đầu tư có giá rẻ, tốt quá, cũng nên hạn chế vay chứ không phải đi mua vào với lãi vay, mức vay 70% - 80%.

"Nguyên tắc với bất động sản (kể cả hàng hóa cũng vậy) là bán trước khi mua. Mình mua rẻ mà mình bán không được cũng hình thành chi phí rất lớn. Nhất là vay ngân hàng nữa thì áp lực rất lớn", ông Quang nhấn mạnh.
Nguồn Nhịp sống kinh tế
Link bài gốc

http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/thu-nhap-28-trieu-dong-thang-mua-nha-tra-gop-bong-tro-thanh-con-no-cua-ngan-hang-vi-mat-viec-do-covid-19-42021207144629603.htm