Nhu cầu thực khó mua

Thời điểm này, không ít người mua nhà lầm tưởng giá bất động sản sẽ giảm bởi dịch bệnh. Nhưng thực tế người có nhu cầu thực đang khá khó khăn để tìm chỗ ở. Giới chuyên gia khuyến cáo, hầu hết cuộc khủng hoảng đều tiềm ẩn cơ hội rất lớn, đa phần đều muốn nhân cơ hội này để mua nhà với giá rẻ hơn. Tuy nhiên cần lựa chọn, xem xét kỹ để phòng những rủi ro không đáng có.

leftcenterrightdel
Khách hàng có nhu cầu thực khó tìm mua chung cư thời điểm này 

Như trường hợp chị Phạm Phương Linh, Hà Nội đang có nhu cầu mua một căn chung cư khoảng 100m² ở khu vực quận Cầu Giấy, nhưng tìm suốt một tháng qua chưa thấy căn nào phù hợp, bởi giá căn hộ hiện nay khá cao.

Chị lo lắng: Trước đây gần 2 tháng, vì nghĩ giá chung cư sẽ giảm trong dịch bệnh nên khi một người bạn cần nhà, tôi bán với giá khá “mềm”, bên cạnh đó gia đình cũng muốn đổi một căn khác cao cấp và gần trung tâm hơn. Bởi vậy chị Linh đã gọi đến nhiều sàn giao dịch online để kiếm căn hộ mới cho gia đình. Nhưng khi hỏi giá các căn trung cư cao cấp ở khu vực quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng… thậm chí quận Hà Đông cũng đều tăng khoảng 10% so với đầu năm.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Tiến, anh cho biết mình tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng để mua căn hộ. Với số tiền đó anh có thể mua được căn hộ kha khá từ đợt dịch đầu tiên. Nhưng anh cứ lần lữa với hy vọng giá căn hộ sẽ giảm để kiếm một căn chung cư chất lượng tốt hơn. Chờ mãi, cuối tháng 7 vừa rồi anh Tiến đành ngậm ngùi mua căn chung cư 90 m² tại khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội.

Từ phía người có nhà dư thừa tại thời điểm này, như ông Nguyễn Hoàng An (quận 3, TP HCM) đầu tư một căn Penthouse 150 m² gần khu Du lịch Đầm Sen. “Hiện có rất nhiều người gọi hỏi mua căn hộ này và công ty môi giới lúc tôi mua căn hộ này cũng thông báo nếu tôi bán sẽ được lời khoảng 20%”, ông An cho hay.

Với người tìm mua nhà lúc này, có thể thấy, chị Linh và anh Tiến là hai trong số không ít người có quan niệm dịch bệnh sẽ khiến thị trường bất động sản trầm lắng và có thể sẽ giảm giá. Nhưng trái lại, từ thực tế giao dịch, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vừa thông tin, thời gian qua nhiều dự án được thị trường hấp thụ đạt 90%. Như tại TP HCM, các dự án có giá bán 40 triệu/m² chỉ trong 2-3 tháng tiêu thụ đến 95%.

Đặc biệt, phân khúc căn hộ chung cư hình thành mặt bằng giá mới. Cụ thể, tại Hà Nội, dự án Sunshine Garden tăng khoảng 5,9%, Xuân Mai Complex tăng khoảng 4,5%, Hòa Bình Green City tăng khoảng 5,1%...

Còn tại TP HCM, dự án Cantavil An Phú-Cantavil Premier tăng khoảng 7,1%, Opal Riverside tăng khoảng 6,3%, Sunview Town tăng khoảng 5,5%...

Nếu 3 năm trước căn hộ cao cấp khoảng 35-45 triệu đồng/m² thì hiện nay phân khúc này đã điều chỉnh lên mức 40-60 triệu đồng/m².

Còn các phân khúc khác liên tục thiết lập những mặt bằng giá mới trong 2 năm qua. Cùng với đó, nguyên nhân đẩy căn hộ tăng giá hiện nay là do khan hiếm nguồn cung, ít dự án mới được mở bán.

Kênh “trú ẩn” an toàn

Lúc này, một số nhà đầu tư đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 kéo dài do đã có kinh nghiệm từ các đợt bùng phát trước. Vì vậy, việc giảm giá là rất khó xảy ra nhất là khi mà nguồn cung trên thị trường đang khan hiếm như hiện nay.

Đáng chú ý, ở phân khúc căn hộ cao cấp tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM còn xuất hiện những dự án có mức giá cao từ khoảng 100-700 triệu đồng/m² nhưng vẫn nhiều giao dịch thành công.

Điều đó cho thấy, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực dù dịch bệnh tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực.

“Thị trường bất động sản sẽ không gặp khủng hoảng”, ông Nguyễn Văn Đính -Tổng thư ký Hội Môi giới Việt Nam tin tưởng.

Về phía các nhà đầu tư, nhất là với người dân có vốn nhàn rỗi thì bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn nhất là trong thời điểm này.

Chị Nguyễn Ngọc Trà, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, thời gian qua chứng khoán đầy biến động, giá vàng nhảy múa nên chị chọn kênh đầu tư bất động sản.

“Đây không phải là thời điểm cho đầu tư lướt sóng, thị trường lúc này dành cho những ai có tầm nhìn chiến lược và dài hạn”, chị Trà bày tỏ.

Nhìn nhận về kênh đầu tư bất động sản, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Không những ở Việt Nam mà trên thế giới, giá bất động sản đều tăng. Đó là hiện tượng rất đáng phải lưu tâm. Giá bất động sản tăng sở dĩ vì tâm lý của nhiều người coi đây là thị trường tương đối an toàn.

Khi khủng hoảng qua đi, nền kinh tế phục hồi, thị trường bất động sản cũng là kênh được quan tâm vì các sản phẩm của lĩnh vực này trực tiếp liên quan đến con người, không như chứng khoán, vàng hay, ngoại tệ.

Mặt khác, về lâu dài, giá bất động sản luôn tăng dù chu kỳ của nó lên hay xuống nên người ta kỳ vọng.

“Đặc biệt, dù trong thời kỳ dịch bệnh, bất động sản là sản phẩm có ý nghĩa thiết thực nhất đối với đời sống con người, bởi nhu cầu chỗ ở luôn có. Do đó ngay cả với phân khúc cao cấp, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền mua với tư duy nền kinh tế sau đại dịch sẽ phục hồi và giá bất động sản tăng”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, trong nửa đầu năm 2021, lượng căn hộ chào bán trên thị trường là 17.840 sản phẩm, bằng 85,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, tại TP HCM có 9.820 căn hộ chào bán trên thị trường trong nửa đầu năm 2021, chỉ đạt 55% so với cùng kỳ năm 2020. Việc khan nguồn cung có lý do từ hạn chế pháp lý của nhiều dự án. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản) cũng tác động lớn đến giá căn hộ.

Nguồn Đại đoàn kết
Link bài gốc

http://daidoanket.vn/tranh-rui-ro-mua-nha-trong-mua-dich-5663776.html