Mua dễ, bán khó
Theo khảo sát của PV Dân Việt, trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan rộng và phức tạp, khiến cho xu hướng "bỏ phố về quê, về rừng" tiếp tục nở rộ ở khắp nơi. Cùng với đó, tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, làn sóng rủ nhau lập làng sinh thái cũng xuất hiện càng nhiều và thu hút được sự quan tâm của không ít người dân.
Đơn cử như, tại một fanpage facebook có tên "bỏ phố về rừng" xuất hiện một cá nhân có đăng tải thông tin kêu gọi: "Cần tìm 10 anh em lập làng Eco gần Hà Nội, chỉ từ vài trăm triệu là có nhà ở và sổ đỏ pháp lý, đã có phương án, kế hoạch… mọi việc đều thiết lập văn bản cam kết rất rõ ràng có công chứng".
Người đăng thông tin trên cũng nói thêm: "Mình làm việc này xuất phát từ yêu thích nhà vườn và muốn tìm đông anh em để cho an toàn và vui vẻ. Khi đi tìm thì bị môi giới nâng giá cao hàng chục lần giá của dân bán".
|
|
Xuất hiện nhiều người đứng lên kêu gọi lập làng sinh thái. Ảnh: Chụp màn hình |
Chia sẻ với PV về vấn đề này, ông Phí Văn Ngần – một nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây xu hướng "bỏ phố về quê" ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tới nay làn sóng này tiếp tục được lan rộng khi nhu cầu của người dân cần tới nơi trú ẩn an toàn trong mùa dịch. Cùng đó, xuất hiện không ít người đứng lên kêu gọi góp tiền mua chung đất lập làng sinh thái.
Theo ông Ngần, việc lập làng sinh thái là rất tốt kể cả trong thời gian bình thường, bởi khi được sống gần thiên nhiên giúp con người có tinh thần thoải mái, giữ được sức khỏe tốt. Tuy nhiên, việc kêu gọi những người xa lạ lập làng sống cùng nhau là điều khó thực hiện.
"Nhìn ngay từ việc những người ở vùng quê họ sống theo mô hình làng xóm từ bao đời nay nhiều khi còn xảy ra những việc bất hòa nhỏ nhặt không đáng có. Có khi đất người ta ở đã lâu còn xảy ra tranh chấp từng m2. Hơn nữa, mỗi gia đình một cách sinh hoạt riêng, tôi cho rằng đây là điều khó thực hiện", ông Ngần nhận định.
Nhà đầu tư này cho rằng, nếu quy tụ được những người có cùng mục đích nhưng trong quá trình xây dựng sẽ xảy ra vấn đề mỗi người một ý. "Chỉ cần nói đơn giản về việc trồng cây trong làng, người muốn trồng loại cây này, người không đồng ý. Hơn nữa việc cùng nhau xây dựng thì sẽ cùng nhau đóng góp, người không đồng tình họ không đóng góp. Khi đất mua rồi mà xảy ra tình trạng như vậy mới khó xử", ông Ngần nói.
Ông Ngần cho rằng, trong trường hợp thành lập được làng có thể xảy ra vấn đề. Sau một thời gian ở, nếu cảm thấy không hợp nhà đầu từ muốn bán lại để chuyển đi nơi khác cũng rất khó.
"Mua thì dễ dàng nhưng nếu không ở, muốn bán là chuyện khó, bởi đây chỉ là nhu cầu của một nhóm người rất nhỏ, không phải xu hướng chung của thị trường. Do đó, trước khi góp tiền mua chung, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ vấn đề này, cẩn thận tiền mất tật mang", ông Ngần khẳng định.
Cẩn trọng chiêu trò của "cò đất"
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm Phí Văn Ngần cũng cho rằng, đây có thể chỉ là chiêu trò của môi giới nhằm thoát hàng để trục lợi cá nhân.
"Việc thành lập làng và quản lý được một tập thể rất khó, đòi hỏi người đứng lên kêu gọi phải có nhiều thời gian và cực kỳ tâm huyết. Tôi cho rằng đây có thể là chiêu trò của môi giới, họ bắt tay với chủ rồi đứng lên kêu gọi để dễ dàng bán đất ăn tiền hoa hồng hoặc trục lợi cá nhân.
|
|
Kêu gọi lập làng sinh thái có thể chỉ là chiêu trò của môi giới nhằm trục lợi cá nhân. (Trong ảnh là một khu đất ở Hòa Bình được giới thiệu phù hợp làm làng sinh thái). Ảnh: Nguyễn Minh |
Ngay từ khi kêu gọi, nếu ai muốn tham gia đã phải cọc trước 3 - 5 triệu đồng, nếu ai thay đổi không muốn đầu tư nữa sẽ mất trắng số tiền cọc này. Chỉ cần kêu gọi được 20 - 30 người thì số tiền cọc có thể lên tới cả trăm triệu rồi", nhà đầu tư nói.
Ngoài ra, ông Ngần cho biết thêm, nhà đầu tư tham gia cũng nên tìm hiểu kỹ càng bởi đa phần những mảnh đất rộng, gần gũi với thiên nhiên đều là đất rừng, đất sản xuất. Khi tự ý xây dựng nhà cửa sai với mục đích sử dụng đất ban đầu chắc chắn chính quyền địa phương sẽ vào cuộc, lúc đó sẽ gặp rắc rối về pháp lý rất khó giải quyết.