Sau hơn 8 năm hoạt động tại Việt Nam, thương hiệu cà phê Starbucks đành ngậm ngùi đóng bớt cửa hàng, trong đó có những cửa hàng ở những vị trí vàng TP.HCM và Hà Nội.
Chia sẻ với báo chí gần đây, bà Patricia Marques, tổng giám đốc Starbucks tại Việt Nam cho biết giá mặt bằng ở đây không hề giảm chút nào. Trong khi ở các nước khác, ví dụ như Campuchia, HongKong hay Singapore, khi Covid-19 xuất hiện, chủ nhà sẵn sàng hạ giá mặt bằng khoảng từ 20% đến 30%; thì tại Việt Nam không thế.
“Ở Singapore, khi thấy cửa hàng Starbucks phải đóng cửa trong đại dịch, hầu hết chủ nhà đều chấp nhận giảm 30% giá thuê,” bà Marques cho biết. “Ngược lại, tại Việt Nam rất hiếm chủ nhà ‘hào phóng’ như thế. Phải sau 8 lá thư, thì mới có vài chủ nhà đồng ý giảm 20% - nhưng chỉ trong thời gian ngắn nào đó.”
Bà Chi Nguyễn, giám đốc PR-Marketing của Starbucks Việt Nam củng cố thêm, “Như chúng ta biết, hiện tại mặt bằng trống tại Quận 1 - TP.HCM khá nhiều, chi chít mặt bằng trống tại đường Đồng Khởi. Nhưng, khi chúng tôi khảo sát giá, thì hầu hết chủ nhà đều đưa ra giá rất cao – bằng với lúc trước bệnh dịch 2019. Nói chung, chẳng thà họ để mặt bằng trống chứ không chịu giảm bớt giá.”
Giá thuê mặt bằng cao hơn ở Dubai
Ấn phẩm xuất bản năm 2015 Main Streets Across the World (Những đường phố đắt đỏ nhất thế giới) của Cushman & Wakefield đã lựa chọn hơn 500 con đường mua sắm hàng đầu thế giới và xếp loại chúng theo giá thuê mặt bằng.
Trong danh sách này, TP HCM của Việt Nam xếp thứ 32 với giá thuê mặt bằng là 1.447 euro/m2/năm (tương đương 15.000 USD/m2/năm), cao hơn một bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Trong khi đó thủ đô Bangkok (Thái Lan) xếp thứ 35, và thành phố Dubai đắt đỏ (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất – UAE) xếp thứ 51.
Theo đó, đứng đầu danh sách là Đại lộ số 5 (Upper 5th Avenue) ở thành phố New York của Mỹ với giá thuê lên tới 33.812 euro/m2/năm (tương đương 36.000 USD/m2/năm).
Từ đó đến nay, Main Streets Across the World luôn xếp Hà Nội và TP.HCM vào những địa điểm đắt đỏ nhất trong khu vực và trên thế giới.
Được biết, với vị trí đẹp và diện tích khoảng 400 m2, giá thị trường của cửa hàng McDonald’s vào khoảng 2,5 triệu đồng/m2/tháng. Như vậy, thương hiệu đồ ăn nhanh đến từ Mỹ này phải trả khoảng 1 tỷ đồng/tháng tiền thuê mặt bằng, tương đương 12 tỷ đồng/năm.
Đến trước McDonalds, hai ông lớn ngành thời trang là Zara và H&M cũng không ngại chi tiền tỷ để sở hữu mặt bằng tại những trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội, Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Bà Triệu.
Với giá thuê khoảng 80 USD/m2/tháng và diện tích khoảng 4.500 m2, trung bình mỗi tháng Zara phải trả khoảng 360.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng) tiền thuê mặt bằng, tương đương một năm vào khoảng 96 tỷ đồng. Tuy mức giá cao nhưng mặt bằng cho thuê đã hoàn toàn kín chỗ.
Còn với thương hiệu H&M, cửa hàng đầu tiên được đặt ở tầng hầm B1 tại Vincom Mega Mall Royal City. Mức giá thuê cho khu vực này “mềm hơn” trên Vincom Bà Triệu và rơi vào khoảng 60-70 USD/m2/tháng. Vì diện tích cửa hàng khoảng 2.000 m2 nên H&M phải trả 120.000-140.000 USD/tháng cho chi phí thuê mặt bằng (khoảng 2,6-3,1 tỷ đồng/tháng), tương đương 31-37 tỷ đồng/năm.
Nguyên nhân khiến giá mặt bằng cao ngất ngưỡng
Theo VNREAL JSC, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Một là giá bất động sản mua vào quá cao nên cho thuê phải cao. Vụ việc ở Thủ Thiêm đã phần nào phản ánh sức hút sở hữu bất động sản tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.Nếu mua một tài sản với 1 giá trị quá cao mà bạn lại đem về giá trị khai thác thấp, vậy thì có nênmua không? Chưa kể nhiều chủ nhà khi đầu tư mua nhà phải dùng đến đòn bẩy kinh tế là vay ngân hàng, vậy nếu không có dòng tiền từ cho thuê nhà để trang trải chi phí lãi suất thì cũng sẽ rất mệt mỏi và mất cân bằng về kinh tế.
Thứ hai là Tâm lý của chủ nhà không muốn giá trị tài sản giảm.Một luồng ý kiến, “Nếu tài sản của tôi khai thác thấp “Giá cho thuê thấp” thì khi bán gặp phải tâm lý người mua sẽ rất khó chấp nhận khi bỏ số tiền lớn. Hiện tại ở các quận trung tâm TP. HCM đa phần những tổ chức cá nhân sở hữu bất động sản cho thuê đều là những người có quá nhiều tiền nên họ sẽ mang tâm lý ở nguyên nhân thứ 2: Thà để trống chứ không cho thuê giá rẻ, vậy nên có rất ít người chịu giảm giá thuê mặt bằng trong thời kỳ Covid -19 đang hoành hành.