Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) thành lập ngày 13/3/2008. Chỉ 1 năm sau đó, tới 2009, Vinaconex ITC được phép phát triển siêu dự án Cát Bà Amatina với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Vốn chủ sở hữu công ty tăng từ 168 tỷ đồng lên 298 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
 Phối cảnh dự án Cát Bà Amatina

Đáng chú ý, trong gần 15 năm hoạt động, Vinaconex ITC có thời gian dài thua lỗ nên dự án Cát Bà Amatina từng bị thu hồi. Nhưng sau đó, dự án được trả lại cho công ty tiếp tục phát triển.

Đặc biệt ở chỗ, dù phát triển dự án tỷ đô nhưng Cát Bà Amatina lại phải đi “vay vặt” từ 20 triệu đồng trở lên. Có khoản vay 120 triệu đồng, sau 10 năm, công ty phải thanh toán được 100 triệu và vẫn nợ 20 triệu đồng.

Vay 120 triệu, sau 10 năm vẫn nợ 20 triệu

Trong những năm đầu thành lập, nợ vay tại Vinaconex ITC tương đối thấp.

Năm 2014, Vinaconex ITC lần đầu tiên hé lộ các “chủ nợ” cá nhân. Theo đó, công ty vay bà Nguyễn Thị Trường 120 triệu đồng từ năm 2012. Đây là Hợp đồng vay vốn số 002, 003 /2012 HĐTD-VITC-CNHP. C205.

Vinaconex ITC cho biết: “Bà Nguyễn Thị Trường đã tạo điều kiện không tính lãi đối với khoản vay vốn nêu trên”.

Ngoài ra, trong năm 2014, Vinaconex ITC bắt đầu “vay vặt” từng khoản tiền nhỏ, từ 20 triệu đồng trở lên với lãi suất 12%/năm. Các chủ nợ cho Vinaconex ITC vay là ông Trần Quốc Mạnh và bà Hà Thị Miên (100 triệu đồng); ông Nguyễn Đức Giảng, bà Hoàng Thanh Hương và Phạm Thị Kim Thu (50 triệu đồng); bà Vũ Thị Làn, bà Hoàng Thị Tố Long (30 triệu đồng); ông Đinh Văn Quân và ông Nguyễn Xuân Tuấn (20 triệu đồng).

Đây là những khoản vay giá trị nhỏ nhưng Vinaconex ITC lại vay… dài hạn.

Đặc biệt hơn cả chính là khoản vay 120 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Trường từ năm 2012. 10 năm sau, tới cuối năm 2021, khoản nợ này vẫn chưa tất toán hoàn toàn. Vinaconex ITC phải trả được 100 triệu và còn nợ 20 triệu đồng.

Vinaconex ITC tiếp tục khẳng định: “Bà Nguyễn Thị Trường đã tạo điều kiện không tính lãi đối với khoản vay vốn nêu trên”.

Chỉ còn 44 tỷ trong tài khoản

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vinaconex ITC lên đến 6.776 tỷ đồng, tăng 3.325 tỷ đồng, tương đương 96,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, cơ cấu tài sản mất cân đối. Tài sản dài hạn tăng mạnh nhưng tài sản ngắn hạn lại giảm sâu.

Cụ thể, tài sản dài hạn tăng mạnh từ 1.196 tỷ đồng lên 6.538 tỷ đồng nhưng tài sản ngắn hạn lại giảm 2.017 tỷ đồng, tương đương 89,4%. Trong đó, tiền mặt “rơi tự do”, chỉ còn 44 tỷ đồng sau khi giảm 965 tỷ đồng, tương đương 95,6%.

Tài sản ngắn hạn thấp hơn rất nhiều so với nợ ngắn hạn. Chênh lệch giữa hai chỉ tiêu này lên đến 313 tỷ đồng.

Vay nợ nhiều nhưng doanh thu của Vinaconex ITC lại rất thấp. Năm 2021, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt 78,8 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này hồi năm 2020 là… 0 đồng. Kết quả là 2 năm qua công ty lỗ lần lượt 7,1 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 5 năm trước đó (2015-2019), doanh thu Vinaconex ITC chỉ đạt lần lượt 25,7 tỷ đồng, 3,6 tỷ đồng, 2,8 tỷ đồng, 12,5 tỷ đồng và 37,3 tỷ đồng.

2015 và 2016 là những năm hiếm hoi Vinaconex ITC có lãi với các khoản lợi nhuận khiêm tốn 2,7 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng. Từ 2017 đến 2019, công ty thua lỗ 15,8 tỷ đồng, 11 tỷ đồng và 8,2 tỷ đồng.

Doanh thu thấp, thua lỗ triền miên lại nợ nần chồng chất nên công ty thường xuyên âm nặng dòng tiền.

Tại ngày 31/12/2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex ITC là âm 985 tỷ đồng, giảm so với con số âm 1.216 tỷ đồng hồi cuối năm 2020; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 1.148 tỷ đồng, tăng so với âm 312 tỷ đồng.

Nguồn
Link bài gốc