Bánh chưng là biểu tượng của Tết Việt, kết tinh từ rất nhiều nguyên liệu tinh túy của trời đất. Đó là thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, muối tiêu... tạo thành một món ăn có hương vị độc đáo, dồi dào dinh dưỡng. Dù vậy các chuyên gia cảnh báo việc tiêu thụ bánh chưng sai cách có thể khiến cơ thể "gặp họa", ví dụ như ăn bánh chưng quá nhiều sẽ gây tăng cân, béo phì; ăn bánh chưng bị mốc có thể làm hại gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Dấu hiệu bánh chưng có khả năng gây ung thư , ngộ độc cực cao
Đó chính là loại bánh chưng đã bị mốc xanh đỏ.
Bánh chưng là món ăn có độ ẩm cao, giàu dinh dưỡng vì thế đây là môi trường phù hợp để nấm mốc phát triển.
Với đa số người Việt, khi thấy bánh chưng có dấu hiệu nấm mốc thì thường cắt bỏ phần mốc đi, giữ lại phần bánh còn lại để sử dụng. Tuy nhiên theo cảnh báo của chuyên gia, ăn bánh chưng bị mốc có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ung thư rất cao. Bàn luận về bánh chưng đã bị mốc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: "Khi bánh chưng đã bị mốc thì dù cắt bỏ phần hỏng thì nấm mốc vẫn có khả năng xâm nhập sâu vào bên trong bánh, khi ăn người dùng có thể đối mặt với nguy cơ ngộ độc".
Nghiêm trọng hơn, loại nấm mốc trên bánh chưng rất có thể là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Khi đó, nó sẽ sản sinh ra độc tố tên là aflatoxin rất nguy hiểm. Theo chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt cho biết: "Tất cả các thực phẩm bị mốc đều có khả năng sinh ra các độc tố. Đặc biệt, có aflatoxin là độc tố gây hại cho gan".
Aflatoxin được WHO đánh giá là chất gây ung thư nhóm 1 vào năm 1993. Độc tính của aflatoxin được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của WHO đánh giá là nguy hiểm gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua, có khả năng phá hủy mô gan cực kỳ nghiêm trọng.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, 25% ngũ cốc trên thế giới (gạo, ngô lạc...) bị nhiễm độc tố nấm mốc và không thể ăn được, trong đó độc tố aflatoxin xuất hiện nhiều nhất. Ngoài ra các thực phẩm giàu tinh bột bị mốc hay các loại nấm mốc đều không thể ăn được. Kể cả khi bạn rửa sạch, đun lại kỹ thì nấm mốc vẫn có thể lây lan qua các phần khác, mắt thường cũng không thể thấy được và vẫn có khả năng gây hại cho cơ thể.
Các chuyên gia khuyến cáo: Bánh chưng chỉ còn ngon lành, bổ dưỡng khi bánh còn mới, lành lặn; tuyệt đối không ăn khi bánh chưng có dấu hiệu bị mốc, có mùi chua, bị vữa... Để bảo quản bánh chưng được lâu, các gia đình nên để bánh trong ngăn mát, nhiệt độ từ 5-10 độ C. Ăn tới đâu, cắt tới đó, phần còn lại được gói kĩ trong túi nilon.
Ngoài bánh chưng mốc, những món ăn này cũng có thể chứa độc tố gây ung thư aflatoxin
1. Các loại hạt có vị đắng
Các loại hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí... nếu có vị đắng thì chứng tỏ chúng đã bị mốc và có thể nhiễm aflatoxin. Nếu chẳng may ăn phải hạt mốc, bạn cần phải nhổ chúng ra khỏi miệng và súc miệng ngay.
2. Mộc nhĩ ngâm lâu ngày
Nếu mộc nhĩ bị ngâm trong một thời gian dài sẽ sinh ra quá nhiều vi khuẩn và sản sinh aflatoxin. Ngay cả khi nó được rửa nhiều lần, aflatoxin cũng không thể được loại bỏ. Tốt nhất chỉ nên ăn mộc nhĩ khô ngâm trong nước lạnh từ 15-20 phút, rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến.
3. Dầu ăn tự ép kém chất lượng
Dầu tự ép giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường thường có rất nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm. Ví dụ dễ hiểu nhất là ở khâu chọn lựa nguyên liệu, để giảm bớt chi phí, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng đậu phộng hoặc hạt hướng dương bị mốc. Đây chính là nguyên nhân khiến dầu ăn tự ép có chứa aflatoxin.