Hàng hóa không tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định
Trong bài viết “Hà Nội: Cửa hàng Japan Mart bày bán nhiều sản phẩm không tem, nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định”, chúng tôi đã phản ánh về thực trạng cửa hàng Japan Mart – Hàng Nhật nội địa tại 2 cơ sở là số 1, BT4, khu đô thị Xala Hà Đông, Hà Nội; cơ sở 2 là số 96, đường Nguyễn Khuyến, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, bày bán nhiều hàng hóa của Nhật Bản như: mỹ phẩm, chăm sóc da mặt, chăm sóc body, thực phẩm chức năng cho người lớn, cho bé, đồ dùng cho bé như: Núm ti, cốc nước, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, sữa bột, đồ ăn dặm, bánh mì, bánh kẹo, dụng cụ nhà vệ sinh, đồ dùng nhà bếp, quần áo, dép… không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định.
Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang vì không thể biết được chính xác nguồn gốc của hàng hóa, công dụng, cách sử dụng…
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.
Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh mua bán hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tại thị trường Việt Nam không có tem phụ bằng tiếng Việt mà giá trị sản phẩm từ 3 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, cá nhân tổ chức có hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên sản phẩm có tem mác bằng tiếng nước ngoài mà giá trị của sản phẩm đó từ 3 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 trệu đồng, đối với sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tùy vào giá trị thực tế của sản phẩm mà bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với sản phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt tiền sẽ từ 25 triệu đến 30 triệu đồng.
Quảng cáo thực phẩm chức năng như “thuốc” với cụm từ "hỗ trợ điều trị"
Phóng viên còn ghi nhận, Japan Mart bày bán thực phẩm chức năng (TPCN), quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh với từ ngữ như: Hỗ trợ điều trị; “đặc trị”, “trị” bệnh tại cửa hàng, website và facebook chính thức của cửa hàng này.
|
|
ản phẩm được quảng cáo là "kẹo ngậm đặc trị ho, viêm họng, khàn tiếng". |
|
|
Quảng cáo sản phẩm là "siro trị ho". |
Còn đây là quảng cáo TPCN là thuốc trên website https://hangnhatnoidiatot.com/
Trên Facebook Hàng Nhật Nội Địa Japan Mart cũng quảng cáo TPCN có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định: “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”, phải có “Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Như vậy thực trạng này đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Mặc dù pháp luật đã có và hiện nay Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra rất nhiều cảnh báo và xử phạt nhiều đơn vị quảng cáo tràn lan TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thế nhưng tại Japan mart, thực trạng này vẫn diễn ra, vi phạm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, với những hóa đơn có giá trị trên 200.000 đồng tại Japan Mart đều không hỏi khách hàng và xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng. Japan Mart chỉ xuất cho khách hàng hóa đơn bán hàng bán lẻ màu đen trắng, sau khoảng hai tháng, màu chữ sẽ bay hết chỉ còn lại một tờ phiếu trắng tinh.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC và Điều 3, Thông tư 39/2014/TT-BTC, người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ sử dụng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu hoặc hàng hóa, dịch vụ để cho, biếu tặng. Theo khoản 1, Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC, bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Còn bán hàng hoá dịch vụ có tổng giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên thì bắt buộc phải xuất hoá đơn dù khách hàng không lấy hoá đơn. Khoản 4, Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5, Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC quy định: - Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.
Dư luận hoàn toàn có quyền hoài nghi “Tại sao với những hóa đơn trên 200.000, Japan Mart lại không hỏi khách hàng có xuất hóa đơn VAT hay không, dù theo đúng quy định là phải xuất kể cả khi khách hàng không có nhu cầu. Liệu rằng, đây có phải là hành vi trốn thuế đối với cơ quan nhà nước?”…
Làm việc với cửa hàng
Đặt lịch làm việc với cửa hàng Japan Mart – Hàng Nhật nội địa, đến ngày 07/07/2022, phóng viên đã làm việc với chị Nguyễn Thị Nữ, quản lý cửa hàng.
Theo thông tin chị Nữ cung cấp, Japan Mart đăng kí theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, không phải công ty, doanh nghiệp, hình thành cách đây mấy năm. Cửa hàng có 3 cơ sở, nhưng cơ sở 3 bên Mộ Lao đã đóng cửa từ tháng Sáu do không bán được hàng.
Người đại diện pháp luật là Nguyễn Thị Tin, chị Nữ cho biết đây là mẹ của chị.
Trao đổi về nội dung nhiều hàng hóa không có tem nhãn phụ, bà Nữ cho biết: "Hàng hóa nhập trực tiếp của công ty, khi về cũng không có tem nhãn dán sẵn. Có tem nhãn phụ Tiếng Việt nhưng mà nhân viên cũng quên chưa dán". Chị Nữ xác nhận: "Có nhiều hàng hóa đồ gia dụng nhỏ, dán tem vào xong về khách hàng bóc ra bị lem nên khách cũng kêu, nên cửa hàng cũng không dán".
Chị Nữ chia sẻ thêm có mặt hàng quần áo, chỉ kẻ mày, diệt gián… là cửa hàng lấy trực tiếp từ Nhật, thỉnh thoảng chị Nữ hoặc em ở Nhật thì tiện lấy về. Còn một số mặt hàng như diệt gián thì các thủ tục tại Việt Nam nhập về khó, mà nhu cầu khách cần nên mình tự nhập về.
Chị Nữ khẳng định là hàng chuẩn hàng thật, không có hàng giả, hàng nhái.
Tuy nhiên khi phóng viên hỏi về hóa đơn nhập khẩu từ các công ty, thì chị Nữ nói sẽ cung cấp sau, nhưng đến giờ chưa cung cấp cho phóng viên?
Chị Nữ nói: "Sẽ tiếp thu các ý kiến, bảo nhân viên dán bổ sung".
Về nội dung TPCN ghi là thuốc và ghi công dụng như thuốc chữa bệnh, chị Nữ trao đổi: "Toàn bộ là TPCN hỗ trợ bổ sung thôi chứ không phải thuốc. Nội dung trên website và facebook bạn nhân viên làm thì đã nghỉ, các bạn chỉ copy vào không đọc kĩ, nên cũng không biết được tình hình".
Về việc xuất hóa đơn VAT, chị Nữ thông tin: "Cửa hàng của chị là hộ kinh doanh cá thể nên không xuất hóa đơn VAT như công ty, doanh nghiệp".
Japan Mart, một cửa hàng bán rất nhiều hàng hóa của Nhật với đa dạng thể loại, thế nhưng không có tem nhãn phụ theo quy định, quảng cáo TPCN là thuốc chữa bệnh… đã gây mất lòng tin với những người tiêu dùng và ảnh hưởng đến các thương hiệu bán hàng chân chính, làm theo đúng các quy định pháp luật.
Điều này còn ảnh hưởng đến chính thương hiệu của cửa hàng Japan Mart khi đã mất công sức, vốn để xây dựng cửa hàng, thì lại có những hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Một số hình ảnh Cửa hàng Japan Mart bày bán rất nhiều đồ của Nhật Bản thể hiện khối lượng hàng hóa không tem nhãn Tiếng Việt, vi phạm quy định.
|
|
Cửa hàng Japan Mart Nguyễn Khuyến, Văn Quán, Hà Đông. |
|
|
Cửa hàng Japan Mart khu đô thị Xa La - Hà Đông - Hà Nội. |
Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng hàng hóa không dám tem nhãn Tiếng Việt tại Japan Mart để đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.