Lợi dụng nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao, kẻ gian sử dụng chiêu trò giả danh cán bộ ngân hàng để lấy cắp thông tin bảo mật thẻ, tài khoản như mật khẩu và mã số OTP, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng. Một trong những hình thức mới nhất là gọi điện giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng "mời" rút tiền qua thẻ tín dụng, hoàn phí dịch vụ thường niên, chuyển đổi hình thức sử dụng.
Khoảng 16h chiều ngày 1/3/2022, chị N.T. T (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng Techcombank. Người này cho biết, ngân hàng đang có chính sách hoàn phí dịch vụ thường niên thẻ tín dụng cho những khách hàng mới sử dụng và ít dùng thẻ này. Người này, sau đó yêu cầu chị T. xác nhận 3 số cuối trên thẻ tín dụng và đọc số CMND.
leftcenterrightdel
Số điện thoại giả danh nhân viên thẻ tín dụng Ngân hàng Techcombank lừa đảo chị T. 
“Khi nhận được cuộc gọi, tôi không nghi ngờ vì trước đó, nhân viên làm thẻ tín dụng của Techcombank có thông báo sau 3 tháng, nếu chi tiêu từ 500.000 trở lên sẽ được hoàn lại phí thường niên. Tài khoản giả mạo gọi đến và tư vấn đúng nội dung này, nói tài khoản của tôi mới đăng ký, ít giao dịch nên sẽ thuộc nhóm được hoàn lại tiền. Sau đó yêu cầu xác nhận 4 số cuối trong thẻ tín dụng, kẻ này cũng tự đọc 12 số đầu trong thẻ yêu cầu tôi xác nhận đúng không và đúng như vậy”- Chị T. kể lại.

Sau khi cuộc gọi kết thúc, chị T. kiểm tra tài khoản và phát hiện bị trừ 15 triệu đồng từ tài khoản tín dụng.
Theo chị T. tin nhắn báo về cho thấy kẻ này đã thực hiện giao dịch thông qua ví điện tử ALEPAY. (Cụ thể tin nhắn thông báo: Chi tiêu: 15.000.000 VNĐ vào 1/3 tại NL-ALEPAY*bactom1…). Số điện thoại đã gọi đến cho chị là: 0366177315, số điện thoại này có đăng ký tài khoản zalo với tên Tuyết Nhung, để ảnh đại diện là quầy giao dịch Techcombank.
Chị T., cho biết, từ khi làm thẻ tín dụng, chị mới sử dụng vài lần để thanh toán tại siêu thị Vinmart. Và điều chị băn khoăn là tại sao kẻ lừa đảo lại có 12 số đầu trong thẻ tín dụng của chị, thông tin này bị lộ do những lần thanh toán tại siêu thị hay chính hệ thống ngân hàng đang có những lỗ hổng làm lộ thông tin khách hàng?
“Với hành vi lừa đảo tinh vi như trên, tôi tin rằng không chỉ riêng mình tôi mà có thể nhiều khách hàng khác cũng đang vô tình bị mất tiền một cách oan uổng”- chị T. nói.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng các tài khoản ngân hàng, ví điện tử mọi người nên chú ý các điều sau: Không truy cập các đường dẫn, website không có cơ chế bảo mật kênh truyền HTTPS. Không truy cập các đường dẫn, website lạ trực tiếp từ email, hay tin nhắn lạ. Không đăng nhập vào tài khoản ngân hàng từ các thiết bị lạ, các thiết bị công cộng.
Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, OTP, mã PIN hay mã CVV2 cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng cũng không được phép yêu cầu những thông tin này. Nâng cao cảnh giác đối với các tin nhắn, email hoặc cuộc gọi tự nhận là ngân hàng và yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm. Khi có nghi vấn về lừa đảo thì liên hệ với ngân hàng chủ quản để hỏi rõ thông tin.

 


Nguồn
Link bài gốc