Đào tạo “lương y” thần tốc

Nhóm PV đã tìm cách thâm nhập cơ sở bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe không biển hiệu Công ty nằm trên đường Lê Đức Thọ.

“Tôi nói cho bác biết, thuốc này, bác chỉ cần uống liệu trình mà tôi kê là không cần uống loại thuốc nào nữa, chống biến chứng, chống tái phát, chống tất cả các bệnh như men gan, mỡ máu. Thuốc tôi kê cho bác 70% là trị tiểu đường, men gan còn lại 30% là trị các bệnh khác.

Bác đừng có nhìn hộp thuốc mà phán đoán lung tung, thuốc tôi nấu, tôi kê cho bác đảm bảo luôn, bác cứ mạnh dạn lấy, tin tôi”, một nữ nhân viên trong vai lương y Dương Thị Minh tư vấn cho người bệnh.

leftcenterrightdel
Vân (Sn 1998) vào vai lương y 50 tuổi gọi điện tư vấn khám bệnh cho khách. Ảnh cắt từ clip. 

Vân là người đưa chúng tôi vào làm, nhưng Hải - tự xưng là Phó Giám đốc chỉ huy trực tiếp, là người chỉ cho phóng viên những “mánh lới” để thành lương y, để tạo niềm tin và “móc” tiền của người bệnh. Nhưng "Phó Giám đốc" công ty nào thì Hải không nói cho chúng tôi biết.

“Có những người đang làm phụ hồ, lái máy xúc, vào đây tư vấn ngon luôn. Quan trọng là tự tin. Hôm bữa có đứa nó chốt được hai đơn 85 triệu đồng, mỗi đơn 42,5 triệu đồng, chuyển khoản luôn. Bán là phải như thế, phải tạo được niềm tin. 1 ngày, 1 sàn này có thể chốt được vài trăm triệu”, Hải mạnh miệng giới thiệu với chúng tôi.

Sau tiết mục quảng cáo, Hải vào vấn đề hướng dẫn bán sản phẩm.

“Đầu tiên, khi họ tìm đến mình, là họ mong muốn tìm hiểu thuốc để chữa bệnh, các em phải xưng nhiều tuổi, lớn tuổi. Sau đó là xưng người nhà của lương y Dương Thị Minh, có thể xưng là anh em… Người ta có thắc mắc thì bảo đây là thuốc gia truyền cả nhà cùng bán.

Thứ hai, mình không được sale về thuốc quá nhiều, mà cứ nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, kinh tế, sau đó đến cuối mới chốt đơn. Kinh nghiệm như thế, chốt 10 lần, tỷ lệ trượt rất thấp.

Thứ ba, là các em phải đẩy được tính cấp thiết của bệnh, phải mua luôn, mua ngay để điều trị” - Hải nói.

Với ba gạch đầu dòng trên, chúng tôi được khuyên chỉ cần nắm được là có thể tiến hành tư vấn, bán sản phẩm và trở thành “lương y” như nhiều người ở đây.

Hải giới thiệu về dược phẩm đang kinh doanh, là thuốc đông y của chính tay lương y Dương Thị Minh làm, có tem mác chứng thực của Bộ Y tế. Hiện công ty đang kinh doanh rất nhiều loại thuốc chữa mỡ máu, men gan, tiểu đường, gout, các bệnh về vấn đề sinh lý dưới cái tên là Bạch Bảo Khang, Phong Lực Khang, Ngũ nhị Nhân tâm...

Trong khi đó, như Dân Việt đã phản ánh, viên uống Bạch Bảo Khang chưa được đăng ký thực phẩm bảo vệ sức khỏe với Bộ Y tế.

Cũng theo tìm hiểu, sản phẩm Ngũ nhị Nhân tâm được Công ty TNHH XLV Việt Nam đăng kí bản công bố sản phẩm. Công ty được thành lập vào tháng 5/2020, do ông Phạm Quốc Khánh (sinh năm 1994) làm Giám đốc.

leftcenterrightdel
 Địa chỉ 122 Phú Diễn nơi hoạt động của Công ty XLV Việt Nam.

Từ những người không có kiến thức gì về y học, dược phẩm chỉ sau vài tiếng đào tạo các bạn trẻ ở đây có thể xưng là em trai, em gái, người nhà lương y Dương Thị Minh, vì là thuốc gia truyền nên anh chị em trong nhà đều theo nghề cả. Tức là chúng tôi đều là những lương y gia truyền.

Mạo danh lương y, "móc túi" người bệnh

Trong căn phòng khoảng 50m2, hàng chục “con cháu lương y Dương Thị Minh” và vài “lương y Dương Thị Minh” hăng say tư vấn chốt đơn từ 8h45 sáng đến 17h30 chiều.

leftcenterrightdel
 Phóng viên được thêm vào nhóm zalo Sale chiến binh với kịch bản có sẵn, chi tiết. Ảnh chụp màn hình.

Điều đặc biệt, những “lương y” ở đây đều rất trẻ tuổi, thậm chí có cả các em học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT cũng xin vào làm.

Đúng 8h45 hàng ngày, không khí làm việc của các “lương y” vô cùng sôi nổi, không ngớt các cuộc điện thoại tư vấn, chăm sóc bệnh nhân.


Các nhân viên sale tại đây đổi giọng rất nhanh, đang nói chuyện bình thường 1 giọng nhưng khi có khách, họ sẽ đổi thành chất giọng khàn, trầm đặc sệt của những ông, bà 50 - 60 tuổi. Đó là như “siêu năng lực” ai ở đây cũng phải có để “lừa” bán sản phẩm.

“Các em là người mới, cứ xưng là người nhà lương y. Đây là khách chị chăm sóc lại nên chị xưng lương y Dương Thị Minh luôn”, một người tiết lộ sau khi cuộc gọi vừa kết thúc.


Ngồi cạnh, L.A (nhân vật đã được đổi tên) đang diễn nốt vở kịch với khách hàng: “Alo, bác H hả, sao bác lại không nhận thuốc, hàng về tận nhà rồi còn không nhận, khổ lắm. Sao bác lại không tin tôi, thế chờ tí, tôi bảo lương y Dương Thị Minh gọi lại cho mình nhé”.

Dứt cuộc điện thoại, L.A đưa máy lại cho Q, như đã thành thục, Q cầm máy và gọi lại cho khách. “Bác H à, tôi là Dương Thị Minh đây. Thuốc nhà tôi bà con nào chắc chắn điều trị thì mới lập hồ sơ cũng như triệu chứng và bệnh lý đi kèm, có triệu chứng cụ thể mới bắt đầu làm thuốc riêng nên không phải thuốc có sẵn, nhớ. Đúng chính xác là thuốc của tôi, bác cứ nhận đi”.

“Điều tiên quyết là phải nắm bắt được tâm lý khách hàng, lấy được lòng tin, sale lòng tin chứ không phải sale thuốc” - đây là những điều chúng tôi được Hải nhồi nhét trong suốt quá trình làm việc.

Ở một góc bàn, H.L (tên nhân vật đã được thay đổi) tư vấn: “Thuốc ở đây là thuốc gia truyền, chữa bệnh chắc chắn khỏi, sẽ điều trị dứt điểm các loại bệnh từ mỡ máu, huyết áp đến gan nhiễm mỡ”.

leftcenterrightdel
Nhóm nhân viên ở đây mạo danh lương y Dương Thị Minh để bán sản phẩm. Ảnh: Cắt từ clip. 

H.L mách cho chúng tôi cách để dễ dàng chốt đơn, cứ nói mình đã chữa cho ông này, bà kia ở gần địa chỉ của khách để họ tin, cứ phải có người ở đó chữa khỏi thì bệnh nhân mới đồng ý mua.

“Nếu khách muốn đến trực tiếp lấy thuốc, mình phải nói các lý do để họ không lên, như đang dịch Covid-19, hoặc nói tốn tiền xe, thăm khám cũng chỉ mất thời gian…”

Nhóm người của Bùi Hải tại ngõ 7 (Lê Đức Thọ) đã dùng nhiều mánh khóe, tạo ra những vở kịch kệch cỡm, “dắt mũi” nhiều người bệnh tin vào “thần dược” trên mạng, phó mặc sức khỏe của mình nghe theo những “lương y” chưa gặp mặt bao giờ.

Không những thế, nhóm người này còn bán hàng chưa đăng kí, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mạo danh lương y để lừa người bệnh.

Theo Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc quảng cáo gian dối, sai sự thật về chức năng và công dụng của sản phẩm quảng cáo sẽ bị xử lý.

Theo đó, hành vi quảng cáo gian dối được quy định tại điều 8 Luật quảng cáo 2012, đồng thời cũng có quy định xử lý cụ thể. Căn cứ theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cụ thể, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại; bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; bảo hành của hàng hóa, dịch vụ...

b) Quảng cáo lừa dối; gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng; khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ được quảng cáo với tổ chức; cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác; hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng; tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo...

Theo quy định tại điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015, tội quảng cáo gian dối bị xử lý cụ thể như sau:

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nguồn Dân Việt
Link bài gốc

https://danviet.vn/moc-tui-khach-hang-tu-viec-ban-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-khong-phep-20211009094116468.htm?