Trước nhà tôi có một cái sân đất nhỏ phủ đầy cát và sỏi, vây quanh là vài bụi cây. Sau mỗi trận mưa, cái sân nhỏ trở thành vũng nước, có cả ếch nhái và tiếng côn trùng rỉ rả cả đêm. Sáng hôm sau, nước tự rút, để lại một lớp cát và lá cây khô rã ra.

Năm 2018, tôi bắt đầu làm việc tại Surbana Jurong, một trong những công ty tư vấn thiết kế hạ tầng lớn nhất châu Á. Tôi lần đầu được tiếp cận những dự án về kiến trúc và quy hoạch trong thực tế một cách bài bản. Là kiến trúc sư, ngoài thiết kế công trình, chúng tôi phải quan tâm đến các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, cây xanh và đặc biệt là thoát nước.

Kể từ khi độc lập vào năm 1965, quốc đảo nhỏ bé đối mặt với hai vấn đề khá giống với Hà Nội và TP HCM hiện tại, là đô thị hóa nhanh chóng và ngập lụt. Từ 1990 đến 2018, dân số Singapore tăng gần gấp đôi, đạt đến 5,8 triệu người.

Singapore nằm ở vùng xích đạo nhiệt đới, nhận được lượng mưa khoảng 2.400 mm hàng năm, nhiều hơn Hà Nội và TP HCM một chút. Trong quá trình phát triển, quốc gia này loại bỏ nguy cơ lũ lụt bằng cách dẫn nước vào các hồ chứa và biển thông qua mạng lưới sông ngòi tự nhiên và kênh đào bằng bêtông để giảm chi phí.

Nhưng chỉ mở rộng kênh và cống rãnh sẽ không đủ, đặc biệt là đối với các khu vực đã phát triển. Cơ quan Nước Quốc gia Singapore PUB đã vượt ra ngoài việc thực hiện các giải pháp về lộ trình (ví dụ: cải thiện khả năng thoát nước, kênh dẫn) để kết hợp với các nhà đầu tư dự án nhằm áp dụng các giải pháp phía đầu nguồn, như bể chứa nước mưa phi tập trung, vườn mưa (rain garden)...

Trong khuôn khổ Chương trình ABC Water (Năng động - Active, Đẹp - Beautiful, Sạch - Clean), một sáng kiến của PUB, quốc gia này bắt tay vào hành trình trở thành thành phố của Vườn và Nước. Các giải pháp đầu nguồn có thể kết hợp khái niệm ABC Waters bằng cách giữ nước mưa và xử lý gần nguồn hơn trước khi xả vào mương công cộng. Khi được áp dụng một cách tổng thể, các tính năng thiết kế của ABC Waters giúp mang lại sự linh hoạt để đối phó với lượng mưa lớn.

Các nhà đầu tư hoặc cá nhân được khuyến khích thực hiện các đặc điểm thiết kế của ABC Waters để giảm thiểu tác động của quá trình đô thị hóa. Những đặc điểm thân thiện với môi trường như vườn mưa (một khu vực được đào lên và trồng các loại cây bản địa, đặt gần cống thoát nước hoặc khu vực có nước đọng), đầm lầy sinh học (mương nước trồng cây bản địa kết nối các cơ sở hạ tầng thoát nước mưa khác dọc đường và lối đi) và vùng đất ngập nước (wetland) không chỉ cải thiện chất lượng nước mà còn nâng cao tính đa dạng sinh học và tính thẩm mỹ của môi trường xung quanh.

Trong môi trường đô thị hóa cao của Singapore, nhiều công trình phát triển phần lớn được tạo nên từ các bề mặt không thấm nước như mái nhà, bãi đậu xe, đường sá và vỉa hè không cho phép nước mưa thấm vào lòng đất. Điều này làm tăng dòng chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa. Do đó, trong những cơn mưa lớn, dòng chảy đỉnh điểm từ lưu vực đô thị hóa có thể vượt quá khả năng thiết kế của cống thoát nước công cộng, dẫn đến lũ quét.

Các giải pháp nguồn, như bể chứa nước phi tập trung, cung cấp tạm thời không gian trữ nước mưa tại chỗ. Nước được xả với tốc độ có kiểm soát vào hệ thống thoát nước hạ lưu, do đó làm giảm tốc độ xả đỉnh điểm từ khu vực. Các bể giữ nước này có thể đặt trên mặt đất hoặc dưới lòng đất và là một phần yêu cầu bắt buộc phải quan tâm trong quá trình thiết kế.

Kể từ 2014, theo quy định của chính quyền, tất cả dự án công nghiệp, thương mại, nhà ở và trường học với diện tích lớn hơn hoặc bằng 0,2 hecta phải kiểm soát dòng chảy đỉnh điểm từ khu vực của dự án. Để đảm bảo đáp ứng kịp thời cho cơn mưa tiếp theo, các hệ thống xả phải được thiết kế để xả hết bể chứa trong vòng bốn giờ sau mưa lớn.

Hầm trữ nước Stamford (SDT), một dự án khổng lồ được thiết kế để lưu trữ tạm thời nước mưa từ các cống rãnh khi có mưa lớn là một giải pháp gần đây của PUB. Nước mưa dư thừa sẽ chảy từ cống sau đó được dẫn vào hầm. SDT có thể chứa tới 38.000 m3 hoặc cỡ 15 bể bơi Olympic. Lượng nước này được rút hết trong bốn giờ để sẵn sàng cho trận mưa lớn tiếp theo.

Vườn trên mái là hệ thống mái che thực vật ít cần bảo dưỡng, sử dụng giá thể trồng cây nhẹ với lớp thoát nước/ lưu trữ nông để giữ nước, có thể cung cấp nước cho cây trồng khi không có mưa. Kết quả là, nước chảy ra trên mái xanh ít hơn so với những mái nhà thông thường. Ngoài việc tiết kiệm nước uống để tưới tiêu và cải thiện chất lượng không khí, các mái nhà xanh rộng lớn còn làm mát các tòa nhà và giảm hiệu ứng "đảo nhiệt" bằng cách cung cấp lớp cách nhiệt để che nắng nóng.

Dù vậy, cũng cần nhắc lại là tuy làm rất tốt và bài bản, Singapore cũng từng trải qua những trận ngập lụt rất nặng, như trận lụt lịch sử tại khu Orchard năm 2010 và Upper Changi năm 2018.

Việc hạn chế ngập lụt không thể giải quyết đơn giản bằng một vài biện pháp nhỏ lẻ, mà cần sự đầu tư và kết hợp nhiều biện pháp, trong thời gian lâu dài với một kế hoạch rõ ràng. Tùy theo tình hình của từng quốc gia, ngân sách và mức độ phát triển, đặc điểm địa hình và khí hậu, chúng ta có thể lựa chọn và học hỏi một cách có chọn lọc và kết hợp các biện pháp phù hợp với tình hình địa phương nhất.

Ba tháng trước, tôi trở về thăm gia đình sau một khoảng thời gian dài mắc kẹt ở nước ngoài vì Covid. Tôi bỗng cảm thấy may mắn khi được sinh ra ở nông thôn, lớn lên ở thành phố, rồi ra nước ngoài học tập và làm việc. Trải qua nhiều môi trường khác nhau, tôi cảm thấy có nhiều trải nghiệm phong phú hơn.

Nông thôn có thể không phát triển hiện đại văn minh như thành thị, nhưng thú vị ở chỗ, có những thứ thành thị đang học lại bắt chước từ thiết kế tôn trọng quy luật tự nhiên của nông thôn, như mô hình vườn mưa và đầm lầy sinh học.

Góc nhìn của tác giả Trình Phương Quân trên VnExpress

Nguồn
Link bài gốc